Dụng cụ kiểm tra an toàn thực phẩm: Đã loạn, càng loạn

31/05/2017 - 00:30

PNO - Dụng cụ kiểm tra an toàn thực phẩm có mặt trên thị trường từ hai năm nay, song ngày càng “loạn cào cào” về công năng và giá cả. hiều người mua dụng cụ kiểm tra mà không biết mình đã mua nhầm hay sử dụng sai.

Loạn công năng, giá cả 

Thị trường thực phẩm bát nháo với nhiều tin đồn về chả lụa chứa hàn the, thịt có chất bảo quản, rau quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật... Đúng lúc này, các dụng cụ kiểm tra an toàn thực phẩm xuất hiện như cứu tinh của người dùng. 

Trước khi mua thực phẩm, nhiều người phải lấy dụng cụ kiểm tra, thấy sản phẩm an toàn mới rinh hàng về. Nắm được tâm lý này, bên bán dụng cụ kiểm tra an toàn thực phẩm cũng tranh thủ đẩy hàng vào thị trường, nhập nhằng “đời” sản phẩm và “nổ” công năng để móc túi người mua.

Dung cu kiem tra an toan thuc pham: Da loan, cang loan
Mua thực phẩm có xuất xứ rõ ràng để khỏi phải… kiểm tra.

Tại cửa hàng thiết bị y tế H.M. (Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM), một nhân viên nói: “Máy kiểm tra an toàn thực phẩm hiệu “S.” có nhiều tính năng vượt trội so với hai năm trước. 

Với phiên bản mới này, mình còn kiểm tra được nitrat trong thủy hải sản và độ an toàn của 47 loại rau củ, 57 loại trái cây, đặc biệt còn có thêm cảnh báo hàm lượng nitrat với trẻ em. Kết quả này hơn hẳn phiên bản cũ chỉ kiểm tra được thịt và vài loại rau, củ, quả. Song quan sát mã số trên nhãn thì đây vẫn là máy đời cũ, hàng tồn của hai năm về trước. 

Đặc biệt, thị trường vừa mới xuất hiện máy đo dư lượng thuốc trừ sâu. Được nhiều người tò mò đón nhận nên giá sản phẩm cũng “trên trời - dưới đất”. Chị Hương (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể chị đã mua máy “O.” của Hàn Quốc với giá 9 triệu đồng. Nhiều người trong xóm thấy chị dùng nên cũng tìm mua. Điều đáng nói là cùng máy này nhưng có người mua với giá đắt gấp ba lần.

Thực tế, tại các trang mua bán online, giá máy “O.” đang được rao bán với giá hỗn loạn 10-30 triệu đồng/máy. Song, một người trong nghề cho biết, máy “O.” chính hãng của Hàn Quốc có giá 80 triệu đồng/máy.

Giá cao như thế nên hầu như chỉ có cơ quan nhà nước mua. Các cửa hàng bán cũng đã ngưng nhập máy này, sản phẩm trên thị trường chỉ là hàng trôi nổi từ Trung Quốc. 

Bên cạnh máy đo đắt tiền, cách dùng các loại kit test (que thử bằng giấy) giá rẻ đã loạn càng loạn. Lý do là cách kiểm tra quá đơn giản nên ai cũng nghĩ rằng mình biết nhưng thực chất khi thực hiện rất dễ sai.

Dung cu kiem tra an toan thuc pham: Da loan, cang loan

Chủ cửa hàng thiết bị Tin Cậy (Q.Thủ Đức, TP.HCM), nói: Các loại kit test kiểm tra nhanh nitrat, methanol trong rượu, formol, chất tẩy trắng… giá thành rẻ 99.000-150.000 đồng/hộp gồm nhiều que đang bán chạy hơn cả máy đo. Khi đưa kit test vào thực phẩm, sau vài phút nếu que chuyển màu, mình sẽ kiểm tra được từng loại hóa chất theo mục đích ban đầu và đo được cả hàm lượng hóa chất cụ thể trong sản phẩm. 

Nói về điều này, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho biết: “Các loại máy, kit test kiểm tra nhanh hiện nay, chỉ giúp phát hiện có chất cấm hay không chứ khó cho biết hàm lượng cụ thể trong thực phẩm. Đặc biệt, muốn phát hiện chính xác tên thuốc trừ sâu, chất cấm tồn dư, sản phẩm phải được phân tích trong phòng thí nghiệm. 

Cần một Thị trường thực phẩm an toàn

Chị Mến, tiểu thương tại chợ Hòa Bình (Q.5, TP.HCM) hài hước cho biết: “Trong thịt heo tươi sống không có hàn the. Vậy mà nhiều khách cứ lấy giấy quỳ để kiểm tra hàn the trong thịt. Khi thấy trên giấy không có gì thay đổi, khách mới cho rằng thực phẩm an toàn…”.

Thậm chí, có khách còn nghĩ giấy quỳ rất đa năng nên lấy giấy quỳ đo độ pH trong nước để kiểm tra hàn the trong thịt. Trong khi đó, Theo TS Nghĩa, từng loại kit test đều có cách tiến hành khác biệt, nếu không am hiểu, người mua chỉ tốn tiền mà không có kết quả như mong muốn. 

Dung cu kiem tra an toan thuc pham: Da loan, cang loan

Nhiều người dùng chuộng máy đo và các kit test trôi nổi được quảng cáo là của Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc… Song những sản phẩm này đều không có nhãn phụ tiếng Việt nên chỉ sử dụng theo hướng dẫn của người bán.

Ví dụ với máy đo “S.” nói trên, mỗi loại rau, củ sẽ có thang đo khác nhau nhưng nhiều khách hàng đã sử dụng thang đo lẫn lộn khiến kết quả không trung thực.

Tình trạng bát nháo về thực phẩm đã kéo theo thị trường dụng cụ kiểm tra an toàn thực phẩm đã loạn càng loạn. Để tránh tình trạng mất tiền và công sức trong cuộc “chạy đua vũ trang” mua những dụng cụ này, chúng ta cần lắm một thị trường thực phẩm an toàn, đừng để người tiêu dùng mất niềm tin rồi phải phòng vệ bằng các thiết bị trôi nổi.

Và ở góc độ tiêu dùng, thay vì lo sợ thực phẩm bẩn, sao chúng ta không chủ động chọn thực phẩm sạch có xuất xứ rõ ràng? 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI