Tôi có hai đứa con trai thì một đứa là gay. Từ nhỏ, nó đã ăn nói nhỏ nhẹ và rất ngoan, chẳng bao giờ khiến ba mẹ phiền lòng. Những lần con về quê, rồi những lần tôi lên Sài Gòn thăm con đang học, tôi để ý thấy con mình có gì đó kín đáo, hơi ngại với mình và không bộc lộ hoàn toàn suy nghĩ của nó.
Có một lần, đưa con ra bến xe, tôi hỏi thật: “Nào, yêu đương gì chưa?”. Nó bảo chưa. Tôi hỏi tiếp: “Có phải con không thích con gái đúng không?”. Anh chàng chết đứng giữa bến xe. Tôi tiếp tục: “Nói mẹ nghe!”. Nó đáp: “Phải, con không thích”.
|
Chị Tạ Thị Phi Hà và các con trong một chuyến đi chơi |
Chỉ có bấy nhiêu thôi rồi anh chàng đi. Hồi đó, anh chàng viết blog, tôi hay vào đọc. Anh chàng cũng không giấu, “nhả” ra từ từ cho mẹ biết. Kể chuyện ở bến xe trên blog, anh chàng bảo đó là chuyện không bao giờ có thể mở lời với ba mẹ, chưa kể, anh sợ mất hình tượng trong mắt thằng em. May mắn, mẹ là người mở lời.
Đọc xong, tôi hiểu ngay câu chuyện. Bản thân cũng từng nghe chuyện này trên báo, đài nên khi chuyện diễn ra trong nhà mình, tôi thấy cũng không có gì phải đau khổ cả. Gay hay không gay, có quan trọng gì! Quan trọng là con mình sống có đạo đức, có là người tốt hay không?Sau đó, tôi đi làm “cách mạng tinh thần” cho từng người một, từ em trai nó, dì nó, rồi họ hàng bên nội.
Có người nói, sao tôi không la nó, bảo tôi nuông chiều quá nên nó làm tới, nó làm bộ đó. Có người xúi tôi bắt nó về nhà nhốt lại, không cho học đại học nữa. Nhà nội nó thì bắt nó lấy vợ… Ở quê, người ta kỵ lắm. Đám bạn tôi hỏi bóng gió rằng, con tôi có như thế phải không? Một số người thì xì xầm sau lưng.
Tính tôi rất đơn giản và rất thẳng. Tôi nói lại: “Phải, con tớ là gay. Nếu các bạn cảm thấy việc con tớ là gay mà ảnh hưởng xấu tới các bạn, các bạn đừng chơi với tớ nữa”. Với những người trong nhà, tôi nói rằng, nếu đây là cuộc chơi, sẽ có lúc nó dừng.
Còn nếu đó là bệnh, thì chính ba mẹ nó làm cho nó bệnh chứ nó có tội tình gì, huống chi nó chẳng có bệnh tật gì hết. Con mình lại đàng hoàng, tử tế, ga-lăng, chiều mẹ, có gì đáng trách? Mình thương nó còn không hết.
Tôi nghĩ, những người mẹ có con LGBT phải luôn giữ cho mình “thần kinh thép”. Khi chẳng có ai bảo vệ những đứa con của mình, họ phải là người đứng ra bảo vệ, ôm lấy con. Sao lại phải đau khổ, phải khóc?
Tôi không rõ với người khác, thế nào là hạnh phúc. Với tôi, con hạnh phúc thì tôi hạnh phúc. Tôi làm bạn và chơi với tất cả những người bạn của con. Thỉnh thoảng, có đứa bảo: “Mẹ chỉ cách nào để con sống nhẹ nhàng đi!”.
Tôi bảo: “Người bị say cà phê mà muốn tập uống thì có một cách là hôm nay uống một ít, ngày mai tăng thêm một ít. Một tháng sau, con sẽ uống được cà phê. Không thể ngay hôm đầu tiên uống một phát hết cả ly to được. Cây để trong nhà mãi, muốn đưa ra ngoài trời cũng vậy, đưa ra ngay nó héo liền”.
Tôi hay nói với hai đứa con của mình: “Ở trong nhà, mẹ có thể là một người hiền từ nhưng ra ngoài xã hội, mẹ phải là “con gà mái” chính hiệu. Ai mà động tới con mẹ, là mẹ “xù lông" lên che chắn con mình; thậm chí, nếu cần thiết, mẹ còn mổ lại đấy”. Con là số một trong lòng mình và mình cũng là số một trong lòng con. Hiện nay, tôi, đứa em, nó và người yêu nó sống cùng với nhau dưới một mái nhà rất vui vẻ.
Tạ Thị Phi Hà (59 tuổi)
Anh Huỳnh Minh Thảo, Giám đốc Truyền thông Trung tâm ICS: Những người mẹ cũng cần được bảo vệ
Hiện nay, cộng đồng LGBT đang gặp nhiều vấn đề. Về pháp luật, hôn nhân cùng giới không bị cấm nhưng chưa được thừa nhận tại Việt Nam. Luật cho người chuyển giới được thông qua vào năm 2015 và thừa nhận quyền của người chuyển giới nhưng luật cụ thể dành cho chuyển đổi giới tính đang soạn thảo và dự định năm 2019 mới thông qua.
|
Anh Huỳnh Minh Thảo |
Trong Luật Lao động, có điều khoản về chống phân biệt đối xử nhưng hiện nay chưa có điều khoản liên quan tới đa dạng tính dục - là điều liên quan tới cộng đồng LGBT. Về giáo dục, vấn đề đa dạng giới và tính dục chưa được đưa vào nhà trường một cách chính thức như các vấn đề sinh học khác. Về việc làm, so với các bạn gay hay les, những bạn chuyển giới vẫn gặp khó khăn khi xin việc làm, vì bị định kiến nhiều.
Về y tế, khi nhắc tới sức khỏe của người LGBT, ngoài nhóm MSM (nam quan hệ tình dục với nam), được xếp vào nhóm có nguy cơ cao trong việc lây nhiễm HIV và đã được Nhà nước quan tâm từ sớm thì còn có nữ, người chuyển giới nữa. Hiện nay, các bạn đi phẫu thuật chuyển giới rất nhiều, không ít trường hợp tự tiêm chích hoóc-môn, gây tổn hại đến sức khỏe.
Dịch vụ chuyển giới mỗi năm mang về hàng tỷ USD cho những nước lân cận, như Thái Lan chẳng hạn. Nếu Việt Nam làm công khai thì sẽ an toàn và đỡ tốn kém cho các bạn. Về gia đình, thông qua truyền thông, các phụ huynh thay đổi nhận thức khá nhiều. Tuy nhiên, có một thực tế, hầu hết họ chấp nhận con người khác đồng tính nhưng không chấp nhận con mình như vậy…
Đối với những bà mẹ của người thuộc cộng đồng LGBT, họ đang phải chịu nhiều định kiến. Có những trường hợp, khi biết con đồng tính, người chồng sẵn sàng ly hôn vợ ngay, bảo rằng, không biết dạy con.
Có trường hợp còn bị đánh đập, chì chiết, mắng mỏ. Kể cả khi người chồng hiểu và đồng cảm thì họ vẫn phải chịu áp lực khi công khai điều đó với gia đình hai bên, nhất là gia đình nhà nội, chưa kể ở nơi làm việc của họ. Có những trường hợp vì không chịu được áp lực và ánh mắt kỳ thị nơi công sở, người mẹ đã phải xin nghỉ việc. Những người thuộc cộng đồng LGBT cần được bảo vệ và những người mẹ của họ cũng cần được bảo vệ.