Dùng cỏ mực sao cho đúng?

31/10/2023 - 13:12

PNO - Cỏ mực (cỏ nhọ nồi, hạn liên thảo) được nhiều người dân truyền tai nhau là trị được bệnh suy thận. Điều này thực hư như thế nào?

Cỏ mực là vị thuốc Nam quen thuộc có vị ngọt chua, hơi nhẫn, tính mát và điểm nhận diện đặc biệt là khi vò sẽ ra nước có màu đen như mực. Xưa nay, cỏ mực được người dân sử dụng để cầm máu và hạ nhiệt, hạ sốt. Vì có công năng đại bổ âm dịch, sinh tân đặc biệt ở hạ tiêu (can, thận) nên cỏ mực thường được nhắc đến như một vị thuốc mà đông y dùng để bổ thận (âm) trong các trường hợp thận âm hư, suy. Đây chính là điểm gây hiểu lầm, dẫn đến việc dùng sai công năng của cỏ mực; khiến vị thuốc này chịu hàm oan vì sự thiếu hiểu biết lẫn tùy tiện của người dùng. 

Tuy có cùng tên gọi nhưng bệnh lý suy thận trong tây y và đông y lại không giống nhau. Trong tây y, suy thận là một hội chứng chỉ tình trạng quả thận bị mất chức năng, dẫn đến khả năng lọc và loại bỏ chất thải của cơ thể bị suy giảm; khiến đạm trong nước tiểu tăng, đạm trong máu giảm, mỡ trong máu tăng... Nguyên nhân khiến chức năng lọc của quả thận bị suy giảm cũng đa dạng. Mỗi nguyên nhân lại có cách điều trị khác nhau.

Cây cỏ mực
Cây cỏ mực

Theo đông y, bệnh lý của thận liên quan đến rối loạn chức năng sinh trưởng, phát dục, sinh sản; chức năng hô hấp suy giảm; trao đổi thủy dịch thất thường; chức năng của não, tủy, xương cốt, tóc, tai, tiêu, tiểu… bị rối loạn. Thận còn được chia thành thận tinh, thận khí, thận âm, thận dương; khi mỗi phần bị rối loạn chức năng lại có hàng loạt biểu hiện triệu chứng phức tạp khác nhau. Khi thận âm hư suy sẽ khiến quá trình nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể bị rối loạn, sinh chứng đau lưng, mỏi gối, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, đổ mồ hôi khi ngủ, nóng sốt… 

Đối với chứng suy thận của tây y, nếu theo lý luận của đông y, nguyên nhân không chỉ do rối loạn ở một tạng, mà còn có thể từ nhiều tạng khác như: tạng tỳ (chủ về tiêu hóa, hấp thu, sinh khí huyết); hay tạng phế (chủ về hô hấp, điều phối thủy dịch); hoặc tạng can, tâm (điều phối và điều tiết các hoạt động về tinh thần, tình cảm; các hoạt động sống trong cơ thể, hệ thống khí, huyết, mạch…). Cần phải dựa vào triệu chứng cụ thể của từng người bệnh, thầy thuốc mới có cơ sở kê toa điều trị. Một bài thuốc bao giờ cũng đầy đủ các vị quân, thần, tá, sứ tương hỗ, tương trợ cho nhau nhằm đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. 

Do đó, chỉ riêng một vị thuốc cỏ mực với những tác dụng như đã kể trên không thể điều trị được một hội chứng bệnh phức tạp như suy thận. Đặc biệt với trường hợp suy thận mà công năng điều tiết thủy dịch trong cơ thể suy giảm, nếu dùng cỏ mực, đưa thêm âm dịch vào thì bệnh sẽ càng trở nặng nhanh.

Người dân chỉ nên sử dụng cỏ mực trong các trường hợp như sau: chảy máu cam, ho khạc ra máu, đại tiện kiết lỵ ra máu; hoặc bị vết thương ngoài da gây mất máu; nóng trong người nổi mụn nhọt, nhiệt lở miệng; sốt xuất huyết… Lượng dùng khoảng một nắm lá cỏ mực tươi (12 - 20g/ngày), rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống. Nếu sốt phát ban, dùng khoảng 60g/ngày, sắc và chia 2-4 lần uống trong ngày. Lưu ý: Nếu triệu chứng không giảm thì cần nhanh chóng đến khám tại các cơ sở y tế. 

 Hà Nguyễn (Hội Đông y quận Phú Nhuận)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI