Dừng chương trình Cambridge phải minh bạch để dân không thiệt thòi

09/08/2014 - 17:18

PNO - PNO - Ngày 9/8, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2014 - 2015. Tại đây, việc dừng tuyển sinh chương trình tiếng Anh Cambridge và triển khai chương chương trình tiếng Anh tích...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chưa thể triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp ngay

Tại hội nghị, Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Trong năm học 2014 - 2015, ngành giáo dục TP sẽ huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng mới, mở rộng mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại; xây dựng các trường tiên tiến, hiện đại, hội nhập khu vực và quốc tế; tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp.

Ngoài ra, phía Sở GD-ĐT cũng đề nghị UBND TP chấp thuận một số chủ trương mà ngành giáo dục thành phố đề xuất cho năm học mới, trong đó có việc nhanh chóng cho triển khai thí điểm đề án đổi mới dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến theo hướng tích hợp.

Dung chuong trinh Cambridge phai minh bach de dan khong thiet thoi

Học sinh theo học chương trình quốc tế Cambridge ở một trường tiểu học tại TP.HCM - Ảnh: Trần Huy

Trước đề xuất này, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng chưa thể triển khai ngay chương trình tiếng Anh tích hợp khi chưa có sự đánh giá kết quả của chương trình tiếng Anh Cambridge đã dừng thí điểm trước đó.

Ông Hứa Ngọc Thuận nói: "Qua nhiều thông tin của công luận, trước kỳ họp HĐND thay mặt UBND Thành phố, tôi đã yêu cầu phải dừng đề án này lại. Vì khi muốn chấm dứt một chương trình thí điểm, phải sơ kết để thấy được việc thí điểm chương trình đó được gì và chưa được gì. Chúng ta phải nói rõ vì sao Cambridge không tiếp tục cung cấp chương trình này. Chúng ta phải giải thích cụ thể cho người học, phải rõ ràng minh bạch cho phụ huynh học sinh biết, hiểu và không thấy thiệt thòi".

Theo ông Thuận, cũng từ đó mới rút kinh nghiệm, để chuyển sang chương trình tích hợp. Trong khi chưa sơ kết mà đã chuyển qua thí điểm một chương trình khác thì chắc chắn phụ huynh sẽ không hài lòng. Theo chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy, HĐND, nếu việc gì liên quan đến đa số người dân thì phải lấy ý kiến của nhân dân rộng rãi và công khai.

Trong tuần tới UBND TP.HCM sẽ làm việc với ngành giáo dục và các bên liên quan, để đánh giá lại chương trình Cambridge. “Chúng tôi sẽ mời cả Hội đồng Anh sang làm việc, để họ nói rõ cho chính quyền thành phố là vì sao lại dừng chương trình. Có phải vì chạy theo lợi nhuận không? Có phải vì thấy rằng việc thí điểm dần có thị trường nên muốn nâng giá lên không? Ngành giáo dục thành phố phải tiếp tục theo dõi và chờ chủ trương của Thành phố”, ông Thuận nói thêm.

Hệ thống trường ngoài công lập phát triển nhanh

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã trao quyết định công nhận TP.HCM đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Năm học vừa qua, Sở cũng tham mưu thực hiện 22 dự án đầu tư xây trường mầm non tại 12 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng quỹ đất gần 46.500m2, đáp ứng khoảng 5.500 chỗ gửi trẻ cho công nhân.

Trong những năm gần đây, hệ thống trường ngoài công lập tại TP.HCM phát triển nhanh. Tỉ lệ trường ngoài công lập ở bậc mầm non chiếm 53,80% tổng số trường lớp ở bậc học này; và bậc THPT là 45,16%. Hiện TP.HCM có 1.929 đơn vị trường học; 740 trung tâm ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ.

Hệ thống trường tư phát triển góp phần xã hội hóa giáo dục, góp phần đáp ứng chỗ học cho con em người dân nhưng cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề. Trước những lùm xùm vừa qua tại các trường ĐH ngoài công lập trên địa bàn gần đây, ông Hứa Ngọc Thuận cho rằng trong quá trình quản lý phân cấp theo Nghị định 115 còn vướng nhiều vấn đề, nếu xử lý không khéo thì hầu hết các trường tư thục sẽ râm ran như ĐH Hùng Vương, ĐH Hoa Sen. Do vậy, chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM là giao Sở nội vụ làm rõ lại để có báo cáo Bộ GD - ĐT trình Chính phủ.

Ông Thuận nói: "Ngoài sự kiện ĐH Hùng Vương TP.HCM, tòa hai lần bác kiến nghị của hiệu trưởng thì đến nay lại xảy ra vấn đề của ĐH Hoa Sen. Chúng tôi thấy rằng sau khi đã họp thì có những điểm cần kiến nghị lại với Bộ GD - ĐT báo cáo Chính phủ vì chúng ta nói giáo dục chứ không nói đến thương mại hóa giáo dục. Nhưng khi cho thành lập lại là công ty cổ phần và hoạt động theo điều lệ, cổ đông như những công ty cổ phần. Cổ đông có nhiều vốn cũng như đầu tư thương mại thì họ được quyền chi phối và những ý nghĩa của giáo dục không còn nữa. Ví dụ như Ủy ban đang chuẩn bị báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy làm rõ vấn đề đại hội cổ đông, vấn đề kiện tụng, tranh chấp… trước mắt nếu đây là một công ty kinh doanh vì sao thuế suất cho các trường là 25% như doanh nghiệp, như vậy là thương mại chứ không phải là giáo dục…".

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI