Đừng chủ quan với nguy cơ đột tử khi chơi thể thao

29/03/2024 - 07:04

PNO - Để rèn luyện sức khỏe, nhiều người đã chọn chạy bộ vì sự tiện lợi, dễ thực hiện. Tuy nhiên, nếu chủ quan, xem nhẹ các cảnh báo của cơ thể, người chạy phong trào và cả các vận động viên chuyên nghiệp cũng có thể đối mặt với nhiều nguy cơ chấn thương, kiệt sức, thậm chí tử vong.

Tử vong khi đang chạy

Hiện phong trào chạy đang rất phát triển trên cả nước, nhất là tại TPHCM. Liên tục có các cuộc thi chạy được tổ chức ở nhiều tỉnh thành, thu hút đông đảo người dân thuộc nhiều độ tuổi tham gia. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là bên cạnh những người đã tập luyện, tích lũy kỹ thuật, thể lực đúng cách, có rất nhiều người chỉ mới tập chạy, thiếu kinh nghiệm và nền tảng thể lực nhưng vẫn hăng hái đăng ký tham gia các giải chạy. Không ít người cũng chưa đăng ký kiểm tra y tế toàn diện, dẫn đến nhiều nguy cơ chấn thương, kiệt sức thậm chí đã có người tử vong.

Một nữ vận động viên kiệt sức trong một cuộc thi chạy phong trào tại TPHCM - Ảnh minh họa
Một nữ vận động viên kiệt sức trong một cuộc thi chạy phong trào tại TPHCM - Ảnh minh họa

Ngày 23/3 vừa qua, 1 vận động viên (VĐV) tham gia giải chạy Vietnam Ultra Marathon ở tỉnh Hòa Bình bất ngờ có biểu hiện xấu, ngất xỉu trên đường chạy và tử vong ngay sau đó. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: nạn nhân được xác định kiệt sức trên đường chạy, dẫn đến đột quỵ. Đầu tháng Ba, 1 nam sinh lớp Chín tại tỉnh Quảng Bình cũng mệt mỏi, tím tái rồi tử vong sau khi tham gia chạy đua 200m tại hội khỏe Phù Đổng cấp huyện.

Ngoài 2 nạn nhân trên, các bệnh viện cũng đã ghi nhận không ít trường hợp người tham gia các giải chạy khác, hay tập luyện thể dục thể thao quá mức rồi rơi vào nguy hiểm. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Võ Hoàng Phúc (Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đại học y dược TPHCM) cho biết: tập thể dục hay chạy bộ là hoạt động giúp rèn luyện sức khỏe, gia tăng sức bền cho hệ cơ xương khớp, hệ tim phổi… Tuy nhiên, nếu việc tập luyện không đúng cách sẽ phản tác dụng, không giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, mà còn dẫn đến nhiều nguy cơ gây hại. Nhẹ thì có thể gây mất nước, mệt mỏi kéo dài, căng cơ, trật khớp… Nặng thì bị chấn thương, sốc nhiệt, hay ảnh hưởng đến tim mạch…

Theo bác sĩ Hoàng Phúc, khi tập luyện, cơ thể sẽ sinh ra lượng nhiệt lớn, thân nhiệt cũng tăng cao. Cơ thể bắt đầu ra mồ hôi để điều hòa nhiệt độ, chúng ta càng cố gắng, mồ hôi chảy càng nhiều hơn, dẫn đến rối loạn hoặc mất nước và điện giải… Nếu không uống bù đủ nước, điện giải hoặc cố chịu đựng thì nguy cơ sốc nhiệt, trụy tim mạch, đột quỵ, đột tử rất cao.

Những ngày qua, TPHCM và các tỉnh thành phía Nam đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài. Người tập thể dục, thể thao nếu không có sự chuẩn bị tốt dễ rơi vào nguy hiểm. Thậm chí, các VĐV chuyên nghiệp cũng có khả năng bị chấn thương nếu như chủ quan trước nắng nóng. Thông thường, khi tập luyện ở môi trường nắng nóng, người tập có thể bị chóng mặt, mệt mỏi, choáng, ngất xỉu, hạ huyết áp, mất ý thức tạm thời. Nặng hơn thì rối loạn thân nhiệt, nhiệt độ cơ thể tăng cao, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn nhịp tim, thậm chí có thể dẫn đến co giật, suy hô hấp. Nếu không được phát hiện, cấp cứu kịp thời, người tập có thể tử vong.

Lắng nghe cơ thể để kịp điều chỉnh

Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh (Hội Bệnh mạch máu Việt Nam) cho biết: các trường hợp tử vong trên đường chạy nói riêng và chơi thể thao nói chung đa phần liên quan vấn đề tim mạch. Trong đó, hơn 70% trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người đã có bệnh lý tim mạch. Có người biết bản thân mắc bệnh nhưng nghĩ bệnh nhẹ, chủ quan khi tự thấy bản thân chơi thể thao đều đặn mà chưa từng xảy ra tình huống nguy kịch. Có bệnh nhân mang bệnh tim tiềm ẩn, chưa phát hiện vì không đi khám, hoặc đã khám nhưng vì một số nguyên nhân vẫn chưa thấy bệnh.

“Đến khi chạy bộ, chơi thể thao cường độ cao, nhịp tim của người này đập nhanh hơn, kéo theo huyết áp cũng tăng lên đột ngột gây ra các cơn thiếu máu lên não. Nếu may mắn, nghỉ ngơi kịp lúc, người tập luyện sẽ trở lại trạng thái bình thường. Sự mệt mỏi, suy hô hấp này là dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ có thể xảy ra. Ngược lại, khi gắng sức, người bệnh có nguy cơ rơi vào ngừng tim, hay các hội chứng cấp tính khác dẫn đến tử vong” - ông nói.

Ngoài ra, với các trường hợp chạy đường dài, chạy marathon, các môn thể thao tiếp sức, người chơi có thể đối mặt với nhiều tình trạng nguy hiểm như hạ đường huyết, mất nước, đuối sức. Tuy nhiên, tâm lý đang thi đấu làm cho các VĐV không muốn dừng lại, không bù nước kịp, dẫn đến thiếu đường lên não, hệ tim mạch, cơ thể quá tải gây ra tình trạng choáng, sốc mất nước, nặng nề hơn là đột quỵ não, hay co thắt mạch vành tim dẫn đến thiếu máu cơ tim. Tình trạng này cũng gây thiếu ô xy tổ chức tim và não rất nguy hiểm.

Bác sĩ Hoàng Phúc khuyến cáo: khi tham gia các môn thể thao như chạy xe đạp, chạy bộ, chạy marathon…, mọi người cần có trang phục thoải mái, đi giày phù hợp, uống đủ nước. Trước khi tập luyện có thể ăn nhẹ, tránh ăn quá no. Quan trọng nhất là cần khởi động thật kỹ để hệ tim mạch, cơ xương khớp có sự thích nghi tốt nhất, cường độ tập tăng dần trước khi vào giai đoạn chính thức của bài tập, sau đó giảm dần cường độ trước khi kết thúc, đi bộ thả lỏng từ 5 đến 10 phút để cơ thể quay lại trạng thái bình thường.

Trong lúc hoạt động, chúng ta cần có tâm trạng thoải mái, luôn phải bổ sung đủ lượng nước mất qua mồ hôi, trong mỗi 20 phút tập luyện, có thể uống khoảng 200ml nước lọc, nước điện giải, nước trái cây, dùng oresol đóng chai sẵn hay sữa hộp… Không để cơ thể mất nước, mất điện giải ảnh hưởng hoạt động thần kinh, cơ bắp, tim mạch.

Với bất kỳ môn thể thao nào, chúng ta cũng cần có thời gian tập luyện nhất định, rồi nâng dần bài tập từ thấp đến cao, tích lũy sức bền, tránh ép mình phải chinh phục thử thách mà không có quá trình luyện tập đúng, đủ. Trong quá trình luyện tập, cần lắng nghe cơ thể để nhận ra các tín hiệu cảnh báo nguy hiểm, nhằm điều chỉnh cường độ, tần suất tập phù hợp.

Nếu cảm thấy bất thường, mệt mỏi, hồi hộp, khó thở tăng dần, chóng mặt, buồn nôn, đau nhức xương, khớp, căng cơ nhiều lần, nên tạm thời ngưng tập và trao đổi với bộ phận hỗ trợ y tế (khi đang tham gia thi đấu), hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.

Nhiều bệnh tiềm ẩn có thể bộc phát nếu gắng sức

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan - Phó chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam - cho biết: nhiều người - kể cả những VĐV chuyên nghiệp - tự tin rằng bản thân đã thực hiện các xét nghiệm tầm soát, khám tim mạch, khám hô hấp, tuyến giáp, điện tâm đồ gắng sức… rồi mới tập luyện. Khi tập luyện nhiều, tần suất cao mới khó thở, mệt mỏi, đi khám lại vẫn không thấy bệnh nên nghĩ cần “ép” cơ thể thích nghi các bài tập có cường độ cao, nâng sức chịu đựng, sức bền nhằm chinh phục mục tiêu cao hơn.

Người bệnh không biết rằng, khi bản thân gắng sức thì những bệnh tiềm ẩn như chứng nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, huyết áp tăng cao, hay tụt huyết áp, viêm phế quản, rối loạn chức năng dây thanh… mới xuất hiện. Lúc này, người bệnh sẽ thấy đau nhói ở ngực, tiếp theo là khó thở, mệt mỏi và tử vong do bệnh diễn ra cấp thời, rất khó xử lý tại chỗ.

Thời gian qua, trung bình mỗi tháng có ít nhất 1 cuộc thi chạy marathon đường dài. Hiện thời tiết đang rất nóng, những người đã tập luyện trong ít nhất 3 tháng, không có bệnh lý trước đó, được cho là ít nguy cơ hơn. Nhưng tập luyện khác thi đấu, trong quá trình chạy thi, người tham gia luôn cố gắng hoàn thành đường chạy thật nhanh để về đích với thành tích tốt nhất. Đây là lúc họ có thể rơi vào nguy hiểm nếu bệnh tiềm ẩn bộc phát.

Vì vậy, trước mỗi cuộc đua, ngoài việc khám sức khỏe khi đang nghỉ ngơi, người tham gia nên được kiểm tra, đo hô hấp gắng sức để nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo, tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc. Người dân có thể đến cơ sở y tế có chuyên khoa hô hấp để được bác sĩ tư vấn và tầm soát hô hấp gắng sức.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI