Trẻ nhỏ quá không mắc sỏi thận?
Nhiều ngày liên tục, bé P.Đ.N.Y. (7 tuổi, ở TP.HCM) nói bị đau hông, lưng, ăn uống kém, thường buồn nôn nên được người nhà đưa đến bệnh viện nhi ở TP.HCM thăm khám. Sau khi khám bệnh, làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận bé Y. bị sỏi thận bên phải, to khoảng 9 x 10mm cần phẫu thuật xử lý. Nghe bác sĩ nói, người nhà bé Y. ngỡ ngàng, bởi ai cũng nghĩ bé còn nhỏ không thể mắc sỏi thận.
|
Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân đang phẫu thuật xử lý lấy sỏi thận cho bé K. |
Mẹ của bé cho biết, bé Y. thường than đau bụng, đi tiểu gắt, đôi khi bé nói bị đau hông. Những lúc như vậy, chị lại ra tiệm thuốc tây mua thuốc cho bé uống. Sau khi uống thuốc khoảng vài ngày, bé Y. đau trở lại. Gần đây, bé bị sốt liên tục nên chị đưa con đi khám mới biết bé đau là do sỏi thận. Bé Y. được chuyển đến Bệnh viện Bình Dân TP.HCM để phẫu thuật.
Bị sốt, đau bụng, nôn ói thường xuyên, bé N.P.T. (6 tuổi, ở Đức Hòa, tỉnh Long An) được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khám tiêu hóa. Tuy nhiên, khi bác sĩ hỏi thăm bệnh sử, người nhà nói gần đây bé hay đau khi đi tiểu, nước tiểu có màu sậm. Khi làm xét nghiệm, siêu âm cho bé, bác sĩ phát hiện bên thận trái của bé có viên sỏi kích thước khá to (1,1cm) buộc
phải mổ.
Tuy mới 3 tuổi nhưng bé V.N.K. (ở TP.HCM) thường có triệu chứng đau hông lưng vị trí có sỏi thận. Bé quấy khóc nhiều, ăn uống kém, thường sốt từng đợt. Dù được bác sĩ của bệnh viện trước đó theo dõi và điều trị bằng thuốc thường xuyên nhưng các triệu chứng không thuyên giảm, kèm theo sỏi thận ngày càng to. Bệnh nhi được người nhà đưa đến một bệnh viện nhi để khám, sau đó được chuyển tiếp lên Bệnh viện Bình Dân TP.HCM nhờ can thiệp lấy sỏi thận.
Chất oxalate có nhiều trong các loại trái cây như nho, kiwi, dâu tây, mâm xôi…
Các loại rau chứa nhiều oxalate bao gồm đậu bắp, củ cải, cải bó xôi, các loại đậu, dưa chuột, rau muống, khoai lang, rau diếp cá… Ngoài ra, chocolate, ca cao và trà cũng là những thực phẩm có lượng oxalate cao.
Chất phosphate có nhiều trong ngũ cốc, đậu nành, đậu xanh, xúc xích, chả lụa, thịt hộp, tôm cá đông lạnh, phô mai, sữa chua, nước ngọt…
|
Qua thăm khám, các bác sĩ ghi nhận bé K. có hai sỏi nhỏ nằm ở thận trái, với kích thước 21 x 20mm. Nhận định đây là dạng sỏi thận gây biến chứng cần được điều trị triệt để, các bác sĩ khoa Phẫu thuật sỏi thận chuyên sâu, Bệnh viện Bình Dân đã hội chẩn và quyết định mổ nội soi bằng phương pháp mới ít xâm lấn.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Anh Toàn, khoa Phẫu thuật điều trị sỏi thận, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, do bé K. còn quá nhỏ nên để ca mổ diễn ra suôn sẻ, các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân phối hợp với bác sĩ gây mê của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.
Đầu tiên, bệnh nhi được mở một đường mổ dưới da khoảng 5mm, dùng máy tán sỏi laser thông qua đường hầm siêu nhỏ này để tiến vào thận dưới hướng dẫn của máy X-quang C-arm, giảm thiểu tối đa xâm lấn cho bé. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã hoàn tất ca mổ, loại bỏ sỏi thận cho bệnh nhi.
Cha của bé K. chia sẻ, gia đình anh có nhiều người bị sỏi thận: ông nội bé K. từng phẫu thuật mổ mở lấy sỏi; bản thân anh cũng được phẫu thuật nội soi hông lưng lấy sỏi thận tại Bệnh viện Bình Dân từ hơn 10 năm trước. Giờ, đến con anh cũng bị sỏi thận.
Cũng trong thời gian này, Bệnh viện Bình Dân còn mổ nội soi lấy sỏi thận cho bé N.T.T.N. (6 tuổi, ở Cần Thơ), có sỏi cỡ 9 x 13mm ở thận trái.
Người lớn lưu ý khi trẻ than đau lưng, bụng
Theo bác sĩ Đỗ Anh Toàn, nhiều người cho rằng sỏi tiết niệu nói chung chỉ gặp ở người lớn là không đúng. Trên thực tế, sỏi tiết niệu vẫn có ở trẻ em, dù hiếm gặp hơn người lớn. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến hình thành sỏi tiết niệu ở trẻ em bao gồm di truyền, một số bệnh rối loạn chuyển hóa, dị tật hệ tiết niệu…
Gần đây, số lượng trẻ em mắc sỏi tiết niệu tăng hơn so với trước, có thể do trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh có hàm lượng muối, đạm cao, không uống đủ nước, ít vận động.
Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị sỏi tiết niệu là đau âm ỉ vùng hông lưng, tiểu ít, tiểu ra máu, buồn nôn, nếu nhiễm khuẩn có sốt và vã mồ hôi. Trẻ nhỏ bị sỏi thận thường có biểu hiện quấy khóc, tiểu gắt buốt, sốt lạnh run, chậm tăng cân. Trong một số trường hợp, bệnh nhi không có triệu chứng đau nhưng được phát hiện sỏi thận tình cờ qua siêu âm bụng khi khám sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho hay, ở trẻ em, sỏi thận chiếm khoảng 0,1%, thường gặp ở độ tuổi từ 3-10. Những trẻ có cơ địa thừa cân béo phì, cơ thể hấp thu chất oxalate, phosphate, trẻ ít vận động… nguy cơ mắc sỏi thận cao.
Do trẻ em còn nhỏ, không thể diễn tả rõ các cơn đau, vị trí thường xuyên đau nhức nên phụ huynh có thể bị nhầm lẫn với các bệnh về tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu trẻ đau bụng, biếng ăn, đau lưng tái đi tái lại, kèm theo tiểu khó, nước tiểu ít, đục, có khi tiểu ra máu, trẻ sốt, lạnh run… cần cho trẻ đi siêu âm, xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra.
Cha mẹ cần xem lại chế độ ăn của trẻ, không chiều theo sở thích của con mà cho trẻ ăn một món ăn lặp đi lặp lại trong khoảng 3 ngày. Cha mẹ nên thường xuyên đổi thực đơn cho trẻ, nhất là những loại thực phẩm chứa oxalate, phosphate bởi cơ thể dung nạp quá nhiều các chất này sẽ kết hợp với một số chất có gốc kim loại như canxi, magie… kết tủa “lắng cặn”. Nếu để lâu, kết tủa này sẽ tạo thành sỏi, có thể gây sỏi thận, sỏi túi mật hay sỏi bàng quang.
Bên cạnh đó, người lớn tập cho trẻ thói quen uống nước lọc, cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm thức ăn; hạn chế ăn mặn, thức ăn nhanh, nước ngọt; tránh táo bón, nhắc trẻ đi tiểu đều đặn; tập cho trẻ quen với việc đi vệ sinh chỗ lạ ngoài nhà ở như trường học, nhà văn hóa… tránh nhịn tiểu, thường xuyên tập thể dục cũng giúp trẻ giảm nguy cơ sỏi thận.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo, trẻ mắc sỏi thận, mặc dù đã được phẫu thuật xử lý nhưng vẫn có nguy cơ tái phát, vì vậy phụ huynh không nên chủ quan khi trẻ than đau nhức vùng nguy cơ.
Nếu nghi ngờ trẻ mắc sỏi thận, cha mẹ phải đưa con đến các cơ sở y tế ngay để được bác sĩ khám bệnh. Bên cạnh đó, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm được bệnh, kích thước sỏi nhỏ sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn, ít xâm lấn, tránh để lâu sỏi sẽ gây nhiễm trùng, áp-xe ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí hư thận.
Tùy theo kích thước, vị trí của viên sỏi và mức độ tắc dòng nước tiểu mà triệu chứng bệnh sỏi thận có biểu hiện khác nhau. Khi bị sỏi thận, triệu chứng thường gặp là đau vùng hông lưng, tiểu ít, tiểu ra máu. Nhiều trường hợp bị buồn nôn, người nhợt nhạt và ra nhiều mồ hôi. Đối với những trẻ có tiền sử gia đình mắc, những biểu hiện này sẽ rõ ràng hơn. Đa số trẻ mắc bệnh thường dễ bị kích thích, nhất là mỗi lần đi tiểu, khiến cho trẻ quấy khóc, khó chịu, nhiễm trùng đường tiểu…
Trẻ bị sỏi thận thường đau bụng, đi tiểu ra máu từ màu hồng nhạt đến đỏ sậm, nếu sỏi kẹt ở niệu đạo có thể có vài giọt máu sau khi rặn đi tiểu xong (chiếm khoảng 33 - 99%).
Theo các chuyên gia y tế, sỏi được tạo ra do nhiều nguyên nhân và thường do sự phối hợp của nhiều nguyên nhân. Thông thường là do các bệnh gây rối loạn chuyển hóa như rối loạn enzyme, hội chứng ống thận… (sỏi calci-phosphat, sỏi cystinuria)…
Với những trẻ có sẵn bệnh lý rối loạn chuyển hóa, nguy cơ càng cao hơn. Ngoài ra, điều kiện thuận lợi hình thành nhanh sỏi hay gặp với những trẻ bị nhiễm trùng đường tiểu, có bất thường những chỗ hẹp tự nhiên của đường tiết niệu như hẹp khúc nối bể thận - niệu quản, hẹp khúc nối bàng quang - niệu quản hoặc trẻ có bệnh lý bàng quang thần kinh…
|
Phạm An