Đừng chủ quan khi trẻ nôn ói

02/09/2017 - 09:00

PNO - Trẻ bị nôn ọe là dấu hiệu cảnh báo từ nhiều bệnh lý, có thể nguy hiểm tính mạng nếu bị bỏ qua.

Các biểu hiện của ói, tùy theo chứng bệnh mà có triệu chứng đi kèm khác nhau, cha mẹ cần chú ý để đưa con đến bác sĩ (BS) khi thấy có diễn tiến xấu.

Con bị dị tật thực quản, cha mẹ cứ tưởng con… giả vờ 

Chị L.T. D., 34 tuổi (Q.2, TP.HCM) vẫn còn xót xa khi kể lại lần mình chủ quan với biểu hiện nôn ói của con gái tên N.A.N., 3 tuổi. Ban ngày đi học bé vẫn ăn ngủ bình thường, tối về nhà thì bé bị nôn ọe thường xuyên. Thấy con không đau bụng, tiêu chảy, cũng chẳng sốt, chị D. cho là bé cố tình làm nũng mẹ, thậm chí bực bội la mắng con.

Dung chu quan khi tre non oi
 

Tình trạng này kéo dài cả tuần lễ, ói xong mặt mũi bé phờ phạc, sợ hãi, không giống như cố tình ói để gây sự chú ý. Lúc này, chị D. mới có cảm giác không ổn và đưa con đi khám. BS kết luận bé bị phình trướng, mất giãn thực quản (Achalasia) - là một bệnh lý bẩm sinh, sẽ biểu hiện rõ ràng khi trẻ từ 3 tuổi trở lên.

Bị mất giãn thực quản, trẻ thường ói vào buổi tối hoặc đêm. “May mà phát hiện và điều trị kịp thời. BS nói, nếu chậm trễ thêm bé có thể bị trào ngược dịch thức ăn vào phổi, nguy hiểm tính mạng”, chị D. kể. 

Dễ tử vong nếu nôn ói vì lồng ruột 

Chị P.T.B., Q.Gò Vấp, đang nuôi con bệnh tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1, chia sẻ về trường hợp của con trai 5 tuổi. Chiều qua, con trai chị đột ngột ói mửa và đau bụng đến phải khóc thét, rồi lả dần.

Gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu, BS xác định bé bị lồng ruột; nếu chậm trễ có thể biến chứng thành tắc ruột, nguy cơ tử vong cao. BS Phạm Trung Dũng - Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, dù là bệnh lý cấp cứu nhưng ngày nào khoa cũng tiếp nhận khoảng 3 - 4 ca.

Dung chu quan khi tre non oi
Một bệnh nhi đang được khám tại phòng khám tiêu hóa vì hay nôn ói


BS Dũng lưu ý, phụ huynh không được chủ quan khi thấy trẻ bị nôn ói. Phải quan sát kỹ những đặc điểm đi kèm khi trẻ nôn ói để kịp thời đưa đi cấp cứu khi cần thiết.

- Bệnh lý thường gặp và nguy hiểm nhất khi trẻ nôn ói là lồng ruột. Khi lồng ruột, trẻ nôn ói kèm đau bụng dữ dội, đau đến khóc thét, môi tím tái. Trẻ sẽ ói ra nước màu vàng và ngủ lịm đi sau các cơn ói. Bệnh lý này nếu được cấp cứu trong vòng 12 tiếng khả năng hồi phục cao, có khi chỉ cần dùng hơi thổi để gỡ ruột lồng. Sau thời gian trên, tiên lượng điều trị xấu, trẻ có thể bị tắc ruột phải phẫu thuật cắt bỏ ruột, nghiêm trọng hơn là tính mạng sẽ bị đe dọa.

- Nếu trẻ ói ra nước vàng, một hai ngày sau xuất hiện tiêu chảy thì đó là dấu hiệu của bệnh đường tiêu hóa.

- Nếu bị trào ngược dạ dày thực quản, trẻ thường ói sau khi ăn thức ăn lỏng, đặc biệt là sữa. Để lâu không điều trị bệnh sẽ diễn tiến thành viêm thực quản, nôn ói kéo dài, khiến trẻ bị suy kiệt.

- Trẻ bị viêm ruột thừa, viêm đường mật, sỏi mật, tiết niệu cũng có thể bắt đầu bằng triệu chứng nôn ói.

- Bị táo bón cũng gây nôn ói ở trẻ do đường ruột không thông thương.

- Nôn ói không chỉ xuất phát từ đường tiêu hóa mà còn liên quan đến những bệnh lý nhiễm trùng như viêm họng, viêm màng não, sốt xuất huyết. Tuy nhiên, đôi khi trẻ nôn ói do cách chăm sóc của người mẹ chưa hợp lý,  các cữ ăn quá gần nhau.

 Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI