Đừng chủ quan khi trẻ chảy máu cam

02/08/2016 - 09:33

PNO - Khi thấy con bị chảy máu cam thường xuyên, cha mẹ không được chủ quan mà cần theo dõi kỹ, kịp thời đưa trẻ đến bác sĩ (BS) để tránh hậu quả đáng tiếc.

Chảy máu cam tuy là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhưng có khi còn là tín hiệu báo động của một bệnh lý nguy hiểm nào đó. Vì thế, khi thấy con bị chảy máu cam thường xuyên, cha mẹ không được chủ quan mà cần theo dõi kỹ, kịp thời đưa trẻ đến bác sĩ (BS) để tránh hậu quả đáng tiếc.

Biến chứng thành viêm xoang

Tại phòng khám Tai-Mũi-Họng của BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, thường xuyên có nhiều phụ huynh đưa con đi khám vì chảy máu cam. Mỗi ngày phòng khám tiếp nhận khoảng 150-200 trường hợp, thì có từ 10-20 bé liên quan tới chảy máu cam. Chị Nguyễn Thị Thảo, 34 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM là “khách quen” của phòng khám vì tháng nào bé Phạm Văn Đức, con chị, cũng bị chảy máu cam từ ba-năm lần. “Cháu đang chạy chơi, có khi ngủ dậy lại đổ máu cam. Do bận rộn, lại nghĩ bệnh không nghiêm trọng tôi trễ nãi không đưa con đi BS. Khám bệnh xong mới biết, cháu hay bị chảy máu cam là do mũi bị viêm kéo dài, giờ biến chứng thành viêm xoang”, chị Thảo chia sẻ.

Theo BS Nguyễn Tuấn Như, Phó trưởng khoa Tai-Mũi-Họng, BV Nhi Đồng 1, chảy máu cam là một bệnh lý hay gặp ở trẻ em độ tuổi từ hai-năm, gặp nhiều ở bé trai hơn bé gái. Nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ chia ra làm hai dạng: do cơ thể và do tác động từ bên ngoài. Nếu do cơ thể, có thể vì bé bị viêm mũi, viêm xoang tái phát nhiều lần làm hốc mũi tăng sinh mạch máu. Thành mạch của bé đang phát triển chưa hoàn chỉnh, độ bền vững kém nên dễ vỡ, gây chảy máu cam. Khi trẻ bị chảy máu cam do viêm nhiễm, cha mẹ sẽ thấy có triệu chứng ho, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt xì.

Ngoài ra, khi bị các bệnh lý nguy hiểm như rối loạn đông máu, suy giảm miễn dịch, u trong hốc mũi trẻ cũng có thể bị chảy máu cam. Tình trạng chảy máu cam do yếu tố bên ngoài tác động thường là do ngoáy mũi (hay xảy ra ở những bé bị viêm mũi dị ứng, thấy nhột nhạt nên ngoáy mũi làm trầy xước niêm mạc hốc mũi); nằm máy lạnh khiến niêm mạc mũi bị kích thích gây chảy máu… Theo ghi nhận của BS Như, lượng trẻ khám chảy máu cam gia tăng nhiều vào mùa hè và mùa xuân. Mùa hè trẻ dễ bị viêm nhiễm mũi, họng, mùa xuân thời tiết khô, lạnh cũng là yếu tố kích thích niêm mạc mũi.

Dung chu quan khi tre chay mau cam
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Khi nào cần  bác sĩ?

Theo BS Như, chảy máu cam có ba mức độ: nhẹ (chảy dưới năm phút, chặm bông gòn chỉ dính chút xíu máu), trung bình (chảy máu từ 10-15 phút, máu thấm ướt cục bông), nặng (thời gian chảy lâu hơn 15 phút, máu chảy ồ ạt khoảng 1/2 chén ăn cơm). Trong trường hợp nhẹ, phụ huynh có thể xử lý ở nhà bằng cách hướng dẫn trẻ dùng ngón tay ép chặt cánh mũi bên chảy máu, ngồi cúi đầu về trước. Nếu cả hai bên mũi đều chảy máu thì dùng hai ngón tay ép chặt cả hai cánh mũi vào giữa, thở bằng miệng. Dùng tay đè như vậy trong ba phút, bỏ tay ra xem máu ngưng chảy chưa, nếu còn chảy thì đè tiếp ba phút nữa. Tuyệt đối không nằm hoặc ngửa cổ ra sau vì sẽ không kiểm soát được lượng máu chảy. Với trẻ hai-ba tuổi, ngửa cổ ra khi chảy máu cam còn rất nguy hiểm vì dễ khiến bé bị sặc.

Nếu tình trạng chảy máu vẫn kéo dài, trẻ cần được đưa tới bệnh viện để được đặt bông cầm máu có tẩm thuốc, hoặc đốt laser điểm chảy máu. Khi khám cho trẻ bị chảy máu cam, BS sẽ xác định điểm chảy máu. Điểm chảy máu ở vị trí thông thường thì không gây nguy hiểm, nhưng nếu chảy trên vòm (đằng sau mũi) thì phải nghĩ đến một khối u gây xuất huyết. Lúc này, trẻ sẽ được chỉ định làm xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng đông máu, viêm nhiễm, cũng như tầm soát các bệnh lý về huyết học liên quan nhằm có hướng điều trị thích hợp.

Bệnh chảy máu cam chỉ có thể phòng tránh các nguyên nhân tác động từ bên ngoài như phụ huynh cần chú ý không cho trẻ ngoáy mũi, tránh nằm máy lạnh nhiều, môi trường sống thoáng đãng, sạch sẽ. Khi trẻ bị viêm mũi phải điều trị dứt điểm. Nếu tình trạng chảy máu cam không được điều trị kịp thời, trẻ sẽ bị thiếu máu mãn tính (luôn xanh xao, ốm yếu, chậm phát triển). Chảy máu cam do viêm mũi kéo dài dễ biến chứng thành viêm xoang, viêm amiđan, ngủ ngáy, ngạt thở lúc ngủ. Nếu chảy máu cam bởi nguyên nhân khối u hay bệnh lý rối loạn đông máu sẽ gây mất máu cấp, trẻ có nguy cơ tử vong cao nếu không phát hiện kịp thời.

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI