Đừng chủ quan khi con cận thị!

31/12/2022 - 07:29

PNO - Độ cận thị của trẻ càng cao thì nguy cơ ảnh hưởng tới thị giác, thậm chí mù lòa khi trưởng thành càng lớn.

 

Với trẻ bị cận thị, chỉ đeo kính là chưa đủ (ảnh minh họa: internet)
Với trẻ bị cận thị, chỉ đeo kính là chưa đủ (Ảnh minh họa: internet)

Khi trẻ bị cận thị, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát tiến triển tăng độ cận. Thế nhưng, đa số phụ huynh vẫn còn chủ quan khi con bị cận thị, nghĩ rằng chỉ cần cho trẻ đeo kính là đủ. Để các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn về những phương pháp kiểm soát tật cận thị cũng như cách chăm sóc sức khỏe đôi mắt của trẻ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Minh Huy - giảng viên bộ môn mắt, Đại học Y Dược TPHCM, đại sứ của Viện Cận thị thế giới (International Myopia Institute) tại khu vực châu á - Thái Bình Dương.

Có khả năng mù lòa vĩnh viễn

Phóng viên: Thưa bác sĩ, tình trạng cận thị ở trẻ em Việt Nam hiện nay đang ở mức độ nào? Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ cận thị sẽ bị những ảnh hưởng ra sao?

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Minh Huy: Cận thị là một dị tật khúc xạ xảy ra do giác mạc bị cong quá mức khiến ánh sáng không lọt vào võng mạc mà lại tập trung ở phía trước giác mạc. Điều này khiến bệnh nhân nhìn các vật xa bị mờ. Tình trạng trẻ em bị cận thị ngày càng nhiều được cho rằng có liên quan đến việc trẻ sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại quá độ, ngồi học sai tư thế... Ngoài ra, cận thị còn có yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình, cha mẹ bị cận thị thì con cái cũng có nguy cơ bị cận thị cao hơn bình thường.

Tại Việt Nam hiện nay, ước tính khoảng 30% trẻ em trong độ tuổi từ 6-13 bị cận thị. Đối với khu vực thành thị, tỉ lệ này lên tới 45 - 50% do trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều thiết bị điện tử hơn trẻ ở vùng nông thôn. Không chỉ vậy, ở thành thị, số trẻ được đưa đi khám mắt khi phát hiện nhìn mờ nhiều hơn trẻ ở vùng sâu vùng xa, từ đó số lượng trẻ được phát hiện bị cận thị cũng nhiều hơn.

Khi bị cận thị độ nặng (trên 6 độ), về lâu dài, trẻ không chỉ gặp khó khăn trong sinh hoạt, học tập mà còn phải đối diện với những nguy cơ về mắt rất nặng nề. Một trong những nguy cơ đó là bệnh nhược thị (tình trạng suy giảm thị lực nghiêm trọng do não bộ không nhận biết được hình ảnh từ mắt truyền tới). Nếu người bị nhược thị được phát hiện và điều trị sau 12 tuổi thì dù phẫu thuật hay đeo kính cũng không thể hồi phục được thị lực 10/10, chưa kể còn có khả năng mù lòa vĩnh viễn.

Nguy cơ tiếp theo là thoái hóa võng mạc do độ cao trục nhãn cầu của người bị cận thị dài ra làm võng mạc bị kéo căng. Lâu dài, võng mạc sẽ dần mỏng đi, thoái hóa. Hậu quả của tình trạng thoái hóa võng mạc là rách, bong võng mạc, tràn dịch kính khiến bệnh nhân bị mất một phần hoặc mất hoàn toàn thị lực. Ngoài ra, cận thị nặng còn dẫn đến các nguy cơ: đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng… 

Các dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị cận thị

- Trẻ cúi gằm mặt rất gần sách vở khi đọc, viết

- Hay dụi mắt

- Ngồi rất gần khi xem ti vi

- Nheo mắt khi nhìn

- Lúc đọc sách hay bị lạc dòng

* Hiện nay, nhận thức của phụ huynh về bệnh cận thị ở trẻ ra sao?

- Trên những ca lâm sàng tôi khám, đa phần phụ huynh chưa nhận thức đúng về cận thị. Họ nghĩ trẻ con bị cận là điều bình thường, chỉ cần đo kính đeo là được. Đeo kính thôi chưa đủ. Đối với cận thị ở trẻ, quan trọng nhất là kiểm soát và làm chậm tiến trình tăng độ, bởi cứ mỗi độ cận tăng lên, trẻ sẽ phải đối diện các nguy cơ bị tổn thương mắt càng cao, thậm chí mù lòa. Đeo kính giúp chất lượng thị giác của trẻ tốt hơn, nhìn rõ hơn, nhưng đó chỉ là giải quyết phần ngọn. Khi trẻ nhỏ tuổi, độ cận sẽ tăng rất nhanh và ổn định dần lúc trẻ đạt mốc 18 tuổi.

Giai đoạn tối ưu để can thiệp và kiểm soát độ cận là khi trẻ từ 6-13 tuổi. Sở dĩ nên can thiệp khi trẻ từ 6 tuổi vì nếu nhỏ hơn mốc này, trẻ chưa hợp tác khiến việc đo đạc các thông số không chính xác. Còn sau ngưỡng 13 tuổi, tiến trình tăng độ lại giảm dần vì trẻ càng gần mốc 18 tuổi. Giai đoạn này, nếu can thiệp cũng không đem lại hiệu quả cao nữa. Nếu một đứa trẻ bị cận 1 độ khi 6 tuổi mà không can thiệp gì thì ước tính khi 18 tuổi, đứa trẻ đó sẽ cận 8 độ. Tuy nhiên, nếu được kiểm soát tốt, lúc trưởng thành, đứa trẻ này chỉ cận 4-5 độ. Đó chính là ý nghĩa của việc kiểm soát độ cận ở trẻ.

Có thể kiểm soát độ cận cho trẻ bằng việc nhỏ mắt

* Khi bị cận thị, trẻ cần được can thiệp thế nào?

- Hiện nay, một trong những phương pháp can thiệp, kiểm soát cận thị hiệu quả hàng đầu chính là nhỏ mắt bằng Atropine với các nồng độ 0,01%, 0,025%, 0,05%... tùy từng trường hợp. Phương pháp này giúp làm chậm tiến trình tăng độ cận. Nhiều thống kê trên thế giới cho thấy nhờ vậy mà trẻ cận thị giảm được 46% nguy cơ bị các tổn hại thị giác trong tương lai. Hiện tại, phương pháp nhỏ thuốc kiểm soát độ cận đã được triển khai ở nhiều cơ sở y tế như Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Mắt TPHCM, một số bệnh viện quận và vài cơ sở chuyên khoa mắt tư nhân khác.

Theo phác đồ điều trị của thế giới, trẻ bị cận thị sẽ dùng thuốc này nhỏ mắt mỗi ngày/lần trong khoảng 1-2 năm. Sau đó, tùy tốc độ tăng độ và mức đáp ứng với thuốc của bệnh nhân, bác sĩ sẽ hạ liều dần hoặc thay thế, kết hợp thêm các phương pháp khác để đạt hiệu quả điều trị cao nhất. Chẳng hạn, tại một trung tâm mắt, chúng tôi đang theo dõi và kiểm soát cận thị cho hơn 1.500 trẻ và ghi nhận hiệu quả điều trị bằng nhỏ Atropine giúp kiểm soát được 45 - 65% tiến trình tăng độ cận so với chỉ dùng kính cận.

* Theo bác sĩ, rào cản của phương pháp điều trị kiểm soát độ cận ở trẻ em bằng cách nhỏ Atropine là gì? 

- Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân chính là hầu hết phụ huynh chưa có nhận thức đúng về can thiệp, kiểm soát độ cận cho con. Họ vẫn theo thói quen đưa trẻ đi đo kính và nghĩ thế là đủ. Đặc biệt, hầu hết phụ huynh chưa được tư vấn nhiều về phương pháp nhỏ Atropine. Chi phí cho việc điều trị bằng cách nhỏ Atropine không mắc, mỗi lọ thuốc chỉ khoảng 160.000 đồng, dùng được 1 tháng. Bên cạnh đó, còn một rào cản nữa: ít đơn vị có đầy đủ máy móc để theo dõi tình trạng mắt của trẻ khi điều trị kiểm soát độ cận với Atropine.

Phương pháp kiểm soát độ cận bằng cách nhỏ Atropine đã được kiểm chứng về độ an toàn, hiệu quả trên thế giới từ lâu. Năm 2018, phương pháp này đã có mặt ở Việt Nam nhưng đến năm 2021 mới được triển khai rộng hơn ở một số cơ sở chuyên khoa mắt. Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ được nhỏ Atropine kiểm soát độ cận trong thời gian dài, tới mấy chục năm sau cũng không ghi nhận tác dụng phụ nào ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Qua đó, để tránh trẻ bị cận thị nặng, cha mẹ hãy lưu ý để nhận biết các dấu hiệu bất thường và đưa con đi khám kịp thời. Ngoài ra, cha mẹ cần nhắc nhở con ngồi học đúng tư thế, không cúi quá gần sách vở (để mắt cách vở từ 25 - 30cm), phải đủ ánh sáng khi học và đọc sách. Bên cạnh đó, trẻ nên hạn chế chơi game, giải trí bằng điện thoại, máy tính. Không nên để trẻ ngồi học quá lâu. Hãy cho trẻ nghỉ giải lao 45 phút/lần để tránh tình trạng mắt bị căng thẳng vì điều tiết quá mức.

Phụ huynh cần khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoài trời sau giờ học. Ở không gian rộng, mắt sẽ nhìn được xa hơn, tốt cho thị lực. Tham gia các hoạt động ngoài trời còn giúp giảm thời gian trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử gây hại cho mắt.

* Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ. 

Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI