Đừng chờ mụn tuổi dậy thì tự khỏi

08/09/2024 - 06:29

PNO - Mụn trứng cá ở tuổi dậy thì không chỉ là vấn đề về da mà còn là vấn đề về tâm lý. Quan niệm cho rằng mụn sẽ tự khỏi là một sự đánh giá thấp về những tác động tiêu cực mà mụn gây ra.

Trong giai đoạn nhạy cảm này, khi trẻ đang tìm kiếm bản thân và xây dựng hình ảnh, mụn có thể trở thành một gánh nặng tâm lý lớn. Việc sống chung với mụn trong nhiều năm không chỉ ảnh hưởng đến sự tự tin mà còn có thể gây ra những tổn thương tâm lý lâu dài, ảnh hưởng đến việc học tập, các mối quan hệ xã hội, thậm chí cả sự nghiệp.

Hành trình âm thầm vật lộn với mụn trứng cá

Phó giáo sư, bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cảnh báo, nhiều phụ huynh mang tâm lý chủ quan, cho rằng mụn trứng cá tuổi dậy thì sẽ tự khỏi nên mặc kệ. Điều này khiến trẻ phải gánh chịu ảnh hưởng thể chất và ám ảnh tâm lý suốt những năm tháng quan trọng nhất của cuộc đời trong khi đây là giai đoạn vô cùng quan trọng, quyết định hình thành tính cách, thói quen, mối quan hệ xã hội của một con người.

Một trường hợp đang được chiếu ánh sáng  hỗ trợ trị mụn tại Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học y dược TPHCM  - Nguồn ảnh: Bệnh viện Đại học y dược TPHCM
Một trường hợp đang được chiếu ánh sáng hỗ trợ trị mụn tại Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - Nguồn ảnh: Bệnh viện Đại học y dược TPHCM

P.T.H. (16 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) bước vào phòng khám với gương mặt đầy lo lắng. Làn da của em chi chít vết thâm, sẹo rỗ, mụn viêm sưng đỏ. Từ năm 11 tuổi, mặt em đã bắt đầu xuất hiện mụn nhưng mẹ em luôn trấn an đó chỉ là hiện tượng bình thường của tuổi dậy thì và sẽ tự khỏi. Thế nhưng, tình trạng mụn chẳng những không thuyên giảm mà còn lan rộng, trở nặng.

Tự ti với gương mặt đầy mụn, H. tự mình tìm cách điều trị. Em nhịn ăn sáng để dành tiền mua các loại thuốc trị mụn, kem trị mụn quảng cáo trên mạng xã hội. Em tự nặn mụn và ám ảnh tới mức nghiện nặn mụn khiến tình trạng da ngày càng tệ hơn. Suốt 5 năm qua, H. sống trong mặc cảm, tự ti, không dám giao tiếp với bạn bè. Em luôn che giấu gương mặt bằng cách phủ tóc xuống và đeo khẩu trang. Không còn đủ nhẫn nại để chờ tới lúc mụn tự khỏi như lời mẹ nói, H. đề nghị mẹ cho mình đi khám để điều trị.

Em T.V.K. (17 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) được mẹ đưa tới bệnh viện để khám mụn.

Trong suốt thời gian chờ khám, em luôn cúi đầu, lảng tránh ánh mắt của mọi người. Mẹ K. chia sẻ con trai chị đã sống khép kín suốt nhiều năm qua bởi tự ti về làn da mụn. Chính ba mẹ K. cũng chủ quan, chưa nhận thức hết hậu quả của vấn đề. Vợ chồng chị thường tặc lưỡi bảo rằng đàn ông con trai có mụn chút cũng không sao, đâu phải như phụ nữ mà cần đẹp. Tuy nhiên, qua vài năm, thấy tâm tính con thay đổi, co rút như con rùa trong lớp mai phòng thủ, lầm lì, vô cảm, người mẹ mới sực tỉnh. Lần này, chị chủ động thuyết phục con đi khám mụn. Tại phòng khám, K. tỏ ra bất hợp tác, không muốn chia sẻ về tình trạng của mình. Khi được bác sĩ thăm khám, hỏi han, em vùng vằng, tỏ thái độ phản kháng, không muốn ai nhìn vào gương mặt đầy mụn của mình. Sau một hồi trò chuyện, K. mới mở lòng và tâm sự với bác sĩ rằng em cảm thấy rất xấu hổ và tự ti khi đối diện với mọi người vì làn da đầy mụn. Em sợ bị bạn bè trêu chọc và xa lánh.

Thêm một trường hợp nữa là em P.T.K.D. (15 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM). Ngày theo mẹ tới khám với gương mặt chi chít mụn và sẹo rỗ, em luôn cúi đầu và không dám nhìn thẳng vào bác sĩ. Khi được bác sĩ hỏi, em nói lí nhí, thậm chí không trả lời. Mẹ em cho biết, từ khi bị mụn, con chị trở nên ít nói, chẳng muốn giao tiếp với ai. Em thường xuyên từ chối tham gia các hoạt động vui chơi cùng bạn bè. Sau một thời gian điều trị, làn da của D. đã có những cải thiện rõ rệt. Điều đáng mừng hơn là cô bé đã trở nên tự tin hơn rất nhiều. Lần tái khám gần nhất, D. chủ động chào hỏi bác sĩ và chia sẻ về những thay đổi tích cực trong cuộc sống. Em nói rằng nhờ được điều trị mụn, em đã có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa và làm quen với nhiều bạn mới.

Để tự khỏi mụn trứng cá phải mất mười mấy năm

Theo bác sĩ Vân Thanh, đúng là mụn trứng cá có thể tự khỏi nhưng quá trình ấy mất đến mười mấy năm. Mười mấy năm là một quãng thời gian rất dài của đời người. Chưa kể, đây là giai đoạn quyết định hình thành tính cách, diện mạo, các mối quan hệ xã hội của một con người. Nếu cha mẹ cứ để trẻ một mình chịu đựng thì khi khỏi mụn trứng cá cũng sẽ để lại vết thương lòng kèm những di chứng sức khỏe không thể lường.

Với mụn trứng cá tuổi dậy thì,  đừng chủ quan chờ tự khỏi  - Ảnh minh họa: Internet
Với mụn trứng cá tuổi dậy thì, đừng chủ quan chờ tự khỏi - Ảnh minh họa: Internet

Đâu phải chỉ ở tuổi dậy thì trẻ mới bắt đầu xuất hiện mụn. Ngày nay, không ít bé xuất hiện mụn trứng cá ở độ tuổi lớp Ba - lớp Bốn, do chế độ ăn nhiều chất béo, đường. Tới tuổi tiền dậy thì (khoảng cuối tiểu học) trở đi, có tới 90% trẻ em bị mụn trứng cá ở các mức độ khác nhau.0,01% trong số đó bị nặng (mụn bọc và mủ). Phải tới khoảng 28 tuổi, chúng ta mới chính thức ổn định và không còn bị nổi mụn như tuổi dậy thì.

Như thế, khoảng thời gian từ tuổi thiếu nhi cho tới 28 tuổi là 17 năm trời sống chung với mụn. Trẻ cần được cha mẹ theo dõi, đồng hành để kiểm soát tốt tình trạng nổi mụn. Đừng để trẻ tự vật lộn, tự chịu đựng. Mụn trứng cá nặng gây ra phản ứng viêm của cơ thể. Phản ứng viêm kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng chuyển hóa của trẻ.

Chưa kể khi bị nổi mụn, trẻ sẽ tốn nhiều tâm trí cho việc này, loay hoay tự tìm cách chữa. Điều trị sai làm tình trạng thêm nặng, đau, để lại sẹo. Sẹo không thể chữa khỏi được 100%, dù cố gắng khắc phục cũng không thể trả lại làn da nguyên vẹn như ban đầu.

Trong quá trình thăm khám cho trẻ bị mụn trứng cá tuổi dậy thì, bác sĩ Vân Thanh nhận thấy nhiều phụ huynh còn tâm lý e dè, không thích toa thuốc kê có kháng sinh. Điều trị mụn trứng cá như thế nào sẽ tùy theo độ tuổi và tình trạng hình thái thương tổn, mức độ lan tỏa của mụn. Thiếu nhi chỉ cần rửa mặt bằng dung dịch trị mụn, bôi thuốc.

Các trường hợp nặng hơn sẽ cần uống thêm các yếu tố vi lượng, bôi rửa giảm nhờn, thậm chí kết hợp kháng sinh. Có rất nhiều loại kháng sinh phù hợp với tình trạng của từng đối tượng, cha mẹ không nên lo lắng. Ngay cả trẻ sơ sinh, thai phụ cũng có kháng sinh phù hợp khi cần thiết mà không gây hại. Với độ tuổi từ thanh thiếu niên trở đi, ngoài bôi, uống thuốc, có thể kết hợp thêm các kỹ thuật cao để can thiệp điều trị mụn. Điều trị mụn không phải là liên tục mà chia thành các đợt tấn công, duy trì, ngưng thuốc và chăm sóc…

Điều trị mụn có hiệu quả hay không phần lớn phụ thuộc vào ý thức phối hợp từ chính trẻ và gia đình. Mỗi ngày, trẻ tốn khoảng 5 phút để phối hợp điều trị mụn (rửa mặt đúng cách, bôi thuốc, uống thuốc). Khi được can thiệp, điều trị mụn đúng cách, trẻ sẽ không bị phân tâm, tổn hao nhiều thời gian vì mụn, từ đó có nhiều tâm trí hơn cho những hoạt động xã hội khác.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI