Thời gian gần đây, bác sĩ ghi nhận nhiều bệnh nhân đã điều trị bệnh mạn tính ổn định nhưng khi quay lại tái khám thì tình trạng lại khó kiểm soát, tiến triển nặng. Những bệnh nhân này đã mắc COVID-19 nhưng thiếu sót ở chỗ chỉ quan tâm làm sao cho mau âm tính mà quên mất bệnh nền của mình.
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, vừa tái khám cho chị P.T.D. (33 tuổi, ngụ quận 12). Chị D. bị viêm mạch hoại tử, đang điều trị tại bệnh viện này ổn định suốt 5 năm nay. Khoảng một năm nay, các dấu hiệu bệnh đã thoái lui, bệnh nhân gần như hoàn toàn hồi phục. Lẽ ra phải tái khám mỗi tháng nhưng bẵng đi ba tháng bác sĩ không thấy tăm hơi bệnh nhân.
Cách đây hai ngày, chị D. đến khám trong tình trạng các vết loét hoại tử xuất hiện nhiều, rải rác từng mảng to như bàn tay ở vị trí cẳng chân, lưng và bàn chân. Viêm mạch gây xuất huyết, hoại tử thành mạch và mô, chèn ép lên các thụ thể thần kinh khiến người bệnh đau nhức tới mức không thể tự đi lại, phải ngồi xe lăn. Bệnh nhân chia sẻ, sở dĩ mình bỏ bê tái khám là do mới mắc COVID-19. Trong thời gian đó, chị tự cách ly và điều trị tại nhà. Chị tập trung thuốc liên quan tới các triệu chứng của người mắc COVID-19, loay hoay test xem mình âm tính hay chưa mà quên bẵng đi căn bệnh viêm mạch hoại tử của mình. Không riêng gì chị D., trong cùng một buổi sáng, bác sĩ Vân Thanh ghi nhận thêm hai ca viêm mạch hoại tử trở nặng sau COVID-19 như vậy.
Nhiều người bị bệnh mạn tính do chờ khỏi COVID-19 hoàn toàn mới đi khám điều trị nên bệnh chuyển biến nặng (trong ảnh: Người đi khám bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thường rất đông sau khi dịch COVID-19 lắng xuống)
Ngoài ra, bác sĩ Vân Thanh cũng tiếp nhận không ít bệnh nhân bị lupus ban đỏ trở nặng sau khi mắc COVID-19. Trường hợp điển hình là chị Đ.T.V. (43 tuổi, ngụ quận 7). Trước đó, chị V. đang theo dõi bệnh lupus ban đỏ hệ thống có biến chứng suy thận. Bẵng đi vài tháng, bệnh nhân quay lại tái khám trong tình trạng mệt mỏi, sưng phù hai bàn chân, những mảng ban đỏ thương tổn rải rác toàn thân. Kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng tiểu đạm và hồng cầu trong nước tiểu của chị V. đều tăng so với lần tái khám trước đó. Bệnh nhân cũng vừa xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 được vài ngày. Điều đáng nói, bệnh nhân và người nhà nghĩ rằng đã tiêm đủ ba mũi vắc xin COVID-19 thì không sao cho dù có bệnh nền. Lúc mắc COVID-19 lại không liên lạc với bác sĩ đang điều trị bệnh nền của mình để được tư vấn và điều chỉnh thuốc kịp thời.
Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân P.H.Y. (17 tuổi, ngụ quận Tân Bình) được mẹ đưa tới bệnh viện khám trên nền viêm da cơ địa bùng phát sau khi mắc COVID-19. Y. bị nhiều thương tổn ban đỏ lan rộng toàn thân, tróc vảy, chảy dịch đục. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị chàm có bội nhiễm, cho dùng kháng sinh và thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian ngắn. Theo người mẹ, Y. bị viêm da cơ địa từ bé. Vừa rồi, Y. mắc COVID-19, gia đình cũng chỉ tập trung làm sao để con gái test mau về một vạch. Thấy con bị nổi mẩn ngứa, phụ huynh cũng chủ quan cho rằng không quan trọng bằng việc điều trị sớm về âm tính.
Qua các trường hợp kể trên, bác sĩ Vân Thanh cảnh báo những bệnh nhân có bệnh mạn tính nói chung và người mắc bệnh tự miễn nói riêng dù đã tiêm đủ ba mũi vắc xin ngừa COVID-19 vẫn luôn phải thận trọng, cố gắng giữ cho mình khỏi các nguồn lây nhiễm bệnh từ môi trường chứ không chỉ đối với dịch COVID-19. Nếu chỉ chăm chăm vào COVID-19 thì các bệnh nền sẽ bị bỏ lơi, từ đó bệnh âm thầm nặng lên mà không hay.
Chính vì thế, khi những bệnh nhân có bệnh nền bị mắc COVID-19, ngoài việc thông báo với cơ sở y tế địa phương thì một việc cần thiết phải làm song song là giữ liên lạc với bác sĩ đang điều trị bệnh mạn tính cho mình. Những bệnh nhân có bệnh nền trong lúc mắc COVID-19 rất cần được bác sĩ tư vấn, canh chỉnh thuốc cho phù hợp. Nếu cứ chờ khi nào khỏi COVID-19 mới đi khám để điều trị tiếp các vấn đề của bệnh nền thì lúc đó tình trạng đã chậm trễ, nặng nề.
Bị tổn thương niêm mạc miệng trong và sau khi mắc COVID-19
Rất nhiều trường hợp xin tư vấn từ xa hoặc sau khi mắc COVID-19 đã đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám do bị các tổn thương niêm mạc vùng miệng, xuất hiện các triệu chứng trong khoang miệng. Gần đây nhất, ngày 23/3, bác sĩ Lê Thái Vân Thanh đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân 45 tuổi bị tổn thương vùng niêm mạc miệng sau khi mắc COVID-19 được hai tuần. Tình trạng của bệnh nhân là đau rát miệng, đôi lúc xuất huyết trong miệng, hạch dưới hàm hai bên sưng to. Sau khi bác sĩ cho điều trị bằng thuốc, hướng dẫn cách chăm sóc thì tình trạng của bệnh nhân cải thiện rõ rệt.
Từ đầu tháng Ba tới nay, riêng bác sĩ Vân Thanh đã ghi nhận tám trường hợp bị các bệnh lý vùng miệng trong hoặc sau khi mắc COVID-19, gồm: viêm lưỡi (có đường hằn, lưỡi bản đồ, mất gai lưỡi dạng đốm), viêm niêm mạc miệng. Các bệnh nhân được điều trị bằng thuốc, hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách, bổ sung vitamin và khoáng chất. Theo bác sĩ Vân Thanh, khoang miệng là ngõ vào, nơi sinh sôi và nguồn lây nhiễm virus. Khi ta mắc COVID-19 sẽ có sự tương tác giữa virus SARS-CoV-2 với các vi khuẩn thường trú trong khoang miệng. Mặt khác, những yếu tố thúc đẩy tình trạng tổn thương niêm mạc miệng ở người mắc COVID-19 phải kể tới là: vệ sinh răng miệng kém, nhiễm trùng cơ hội hoặc cơ thể đáp ứng quá mẫn thứ phát sau khi bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.