Dùng chiêu cảnh báo lừa đảo để… lừa đảo

27/03/2024 - 11:50

PNO - Bị lừa lấy 65 triệu đồng qua mạng, chị D. nhờ người của fanpage (trang trên mạng xã hội Facebook) “Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05” lấy lại số tiền này. Kết quả, chị bị lừa lấy thêm 5 triệu đồng.

Kịch bản y như thật

Fanpage trên có hình đại diện là logo của Bộ Công an, chủ trang tự giới thiệu trang này là nơi tiếp nhận hồ sơ khiếu nại của người dân, hỗ trợ khắc phục hậu quả, lấy lại niềm tin cho nhân dân, đồng thời gắn con số “đã có 19.897 khiếu nại” ngay dưới hình bìa.

Còn fanpage “Cổng thông tin - Học viện Cảnh sát nhân dân” thường xuyên đăng video ngắn, trong đó 1 người mặc đồng phục công an ra rả cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến phổ biến hiện nay, sau đó khuyên người dân mạnh dạn tố giác tội phạm.

Nhiều trang trên Facebook lấy logo của ngành công an làm ảnh đại diện,  đăng ảnh mặc đồng phục công an… để lừa đảo người dân
Nhiều trang trên Facebook lấy logo của ngành công an làm ảnh đại diện, đăng ảnh mặc đồng phục công an… để lừa đảo người dân

Trong vai là nạn nhân bị lừa 40 triệu đồng, chúng tôi liên hệ các trang trên thì gặp kịch bản giống nhau. Tất cả đều giới thiệu tên, xưng là cán bộ công an, cán bộ ngân hàng. Cụ thể, một người tự nhận là “Phó cục trưởng Cục A05 Triệu Mạnh Tùng” yêu cầu chúng tôi gửi thông tin về tài khoản đã chuyển tiền để người này tra xét. Chúng tôi cung cấp một dãy số tài khoản không có thật, nói là của ngân hàng Quân Đội (MB) nhưng “phó cục trưởng” này khẳng định “số tài khoản trên được mở tại phòng giao dịch MB Khánh Hội (quận 4, TPHCM)” sau đó kết nối cho chúng tôi gặp “Giám đốc phòng giao dịch MB Khánh Hội”.

Vị “giám đốc” này trấn an, số tiền bị lừa đảo đã được ngân hàng phát giác, phong tỏa kịp thời, nay có nạn nhân khiếu nại, ngân hàng sẽ mở phong tỏa. Vị “giám đốc” này lại kết nối cho chúng tôi gặp thêm 2-3 người khác thuộc các bộ phận khác nhau của MB để chúng tôi tin rằng đang có bộ phận của MB xử lý vụ việc. Sau đó, người tự xưng Lê Minh Tuấn - nhân viên tín dụng của MB - gửi cho chúng tôi xem hình ảnh (thực chất là ảnh đã chỉnh sửa) số tiền 40 triệu đồng đang bị treo trên hệ thống MB với nội dung: “Sai thông tin tài khoản nhận tiền, nghi ngờ giả mạo lừa đảo, tạm thời đóng băng”. Tuấn nói phí hỗ trợ giải ngân là 5 triệu đồng, nếu chúng tôi đồng ý thì Tuấn lên hồ sơ và trình qua “Phó cục trưởng Cục A05” và “Giám đốc MB” phê duyệt.

Là nạn nhân của kịch bản tương tự, chị Trần Thị D. (quận 7, TPHCM) - kể: khi được nhờ lấy lại 65 triệu đồng mà chị bị lừa, người của fanpage “Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05” cũng vờ kiểm tra và gửi cho chị ảnh chụp màn hình, cho thấy số tiền của chị đang bị treo và yêu cầu chị chuyển 5 triệu đồng “phí hỗ trợ giải ngân”. Nhưng sau khi chị chuyển tiền, người của fanpage báo “nhập sai số tài khoản” nên 65 triệu đồng của chị tiếp tục bị phong tỏa trên hệ thống.

Ảnh giả mạo  mà nhóm lừa đảo gửi cho chúng tôi xem về số tiền đang treo trên hệ thống ngân hàng
Ảnh giả mạo mà nhóm lừa đảo gửi cho chúng tôi xem về số tiền đang treo trên hệ thống ngân hàng

Để chứng minh, họ lại gửi ảnh về số tiền bị phong tỏa, lý do phong tỏa và yêu cầu chị tiếp tục chuyển tiền. Lúc này, người của fanpage cho chị nghe đoạn ghi âm điện thoại của một người khác với giọng quát nạt, nói chị đã chuyển tiền sai cách. Đây là kiểu thao túng tâm lý nạn nhân để nạn nhân càng tin tưởng, chuyển gấp tiền. “Cũng may lúc đó, người nhà tôi cản lại. Nếu không, họ sẽ tiếp tục báo lỗi và ép tôi chuyển tiền nhiều lần” - chị D. kể.

Hết chiêu này, bày chiêu khác

Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - công tác ở Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết người Việt Nam đang nằm trong tốp bị lừa đảo qua mạng nhiều nhất trên thế giới. Đó là do tình trạng lộ thông tin cá nhân quá phổ biến, các đối tượng lừa đảo dựa vào thông tin này để đưa nạn nhân vào các kịch bản hoàn hảo.

Theo ông, tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng, dụ cho hưởng hoa hồng rồi lừa lấy tiền là hình thức lừa đảo phổ biến nhất ở Việt Nam. Do các nạn nhân luôn có nhu cầu lấy lại số tiền bị lừa nên các đối tượng lừa đảo lại bày ra dịch vụ “hỗ trợ thu hồi tiền bị treo do xử lý đơn hàng” để tiếp tục lừa tiền. Sau khi chiêu thức “hỗ trợ thu hồi tiền” bị lật tẩy, bọn xấu nghĩ ra cách lập fanpage mạo danh cơ quan công an, đăng nội dung khuyến cáo về các chiêu thức lừa đảo trên mạng xã hội, khuyên nạn nhân mạnh dạn tố giác tội phạm, hứa hẹn sẽ giúp nạn nhân “khắc phục hậu quả”. Các bài viết này được chạy quảng cáo rầm rộ trên Google và Facebook. Khi liên hệ tố giác và mong lấy lại khoản tiền bị lừa, nạn nhân sẽ tiếp tục bị lừa với cùng kịch bản “nhập sai cách”, bị yêu cầu chuyển tiền lần thứ hai, thứ ba.

Theo ông Ngô Minh Hiếu, cơ quan chức năng rất khó giúp nạn nhân thu hồi khoản tiền bị lừa đảo do kẻ xấu sử dụng tài khoản ngân hàng ảo, chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng trong thời gian ngắn. Do đó, cách tốt nhất là người dân nên cảnh giác trước các đề nghị hỗ trợ của người không quen biết hay các đề nghị chuyển tiền, cung cấp hình ảnh, thông tin cá nhân.
Ông Lê Hoàng Việt Lâm - giảng viên Trường đại học An ninh nhân dân - hướng dẫn thêm: trước khi nhắn tin cho một fanpage, người dùng nên kiểm tra tính chính thống của trang. Các fanpage lừa đảo thường không có thông tin gì về người lập trang, thời gian tồn tại của trang rất ngắn, bài viết trên trang thường sai chính tả, ngữ pháp, các bình luận dưới mỗi bài viết na ná nhau.

Theo Bộ Công an, trong năm 2023, công an các cấp đã khởi tố 1.500 vụ án lừa đảo trên không gian mạng nhưng đã đình chỉ điều tra và gia hạn điều tra 1.200 vụ (trên 75% số vụ) do không xác định được thủ phạm.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI