Đừng chỉ dạy con sống có trách nhiệm với bản thân mình

20/11/2018 - 07:30

PNO - Việc cha mẹ dạy con "chỉ cần có trách nhiệm với bản thân con là đủ” không có gì sai, nhưng hệ lụy của nó thì không phải ai cũng thấy.

Nhân chuyện một người mà tôi biết đăng đàn chỉ trích người khác về cách dạy con, chợt thấy có quá nhiều vấn đề đằng sau việc giáo dục một đứa trẻ về trách nhiệm, văn hóa ứng xử và đạo đức của một con người trong xã hội có quá nhiều vấn đề phải bận tâm như ngày nay. 

Cô dạy con cô rằng, phải học để mai này tự lo lấy bản thân. Nếu chỉ thế thôi thì có lẽ không ai bàn cãi. Cô chỉ trích những người dạy con khi lớn khôn hãy biết lo cho ông bà, cha mẹ. Ơ, nếu thế thì, một người chỉ cần có trách nhiệm và tình yêu thương dành cho bản thân mình thôi là đủ ư? Con người ta không cần phải biết yêu thương và có trách nhiệm với gia đình hay xã hội ư? 

Tất nhiên, chúng ta không áp đặt gánh nặng trách nhiệm lên vai một đứa trẻ mà là giáo dục hướng đến cái thiện, đến những điều đẹp đẽ và tích cực. Tôi luôn tin rằng, một người biết yêu thương và có trách nhiệm với người thân sẽ thấm nhuần hơn bao giờ hết giá trị của bản thân và trách nhiệm với chính cuộc đời mình.

Dung chi day con song co trach nhiem voi ban than minh

Xã hội càng hiện đại thì dường như người ta càng sống xa rời gia đình và những người trẻ càng ít có trách nhiệm với ông bà, cha mẹ mà chỉ biết có bản thân. (Ảnh minh họa)

 

Tôi từng đọc về nỗi cô đơn ám ảnh của những thế hệ người già ở Nhật cũng như vài nước phát triển khác. Họ chết đi trong sự cô độc và thờ ơ ghẻ lạnh không phải từ những người xa lạ, mà chính từ những người thân yêu nhất - con cháu của mình. 

Có những người già đã chọn cách cố tình phạm tội như ăn trộm đồ trong siêu thị hay ăn cắp tiền của người khác, thậm chí gây rối nơi công cộng… để được ngồi tù. Vì trong tù, họ có cơ hội gặp và nói chuyện với người khác để cảm thấy bớt cô đơn. 

Tôi vẫn dạy con mình bài học vỡ lòng về trách nhiệm với bản thân, rằng con phải biết tự chăm lo và nuôi sống được chính mình. Kế đến là phải biết yêu thương, quan tâm đến ông bà nội ngoại, cha mẹ và những người thân khác. Sau nữa, con hãy chia sẻ với những người khó khăn hơn mình. Nếu nói theo kiểu cô ta, tôi đã sai trong cách dạy con? Tôi chỉ nên dừng lại ở vế thứ nhất là đủ?

Tôi có vị sếp người Mỹ, ông từng tâm sự với tôi rằng, dường như xã hội càng hiện đại thì người ta càng sống xa rời gia đình và những người trẻ càng ít có trách nhiệm với ông bà, cha mẹ mà chỉ biết có bản thân. Ông nói, ông vẫn dạy con bài học sống động từ chính cha mẹ chúng. Ông vẫn sống cùng cha mẹ già và cụ nội gần một trăm tuổi. 

Ông là tình nguyện viên, đồng thời là một trong những người đóng góp nhiều nhất cho nhà dưỡng lão địa phương nơi ông sống. Ông cũng đã đi nhiều nơi và tìm hiểu về cuộc sống của người già. Ông nói, họ chấp nhận cô độc vì cuộc sống riêng tư và sự tự do của con cháu, chứ thực tế gần như tất cả người già đều muốn được sống cùng con cháu, được chăm sóc và yêu thương như cách mà họ đã từng làm cho con cháu của mình.

Một người bạn của tôi rất thành công với luận án tiến sĩ xã hội học ở Hà Lan: “Nền tảng gia đình và những đứa trẻ ích kỷ chỉ biết có bản thân”. Cô chỉ ra rằng, việc giáo dục “con chỉ cần có trách nhiệm với bản thân con là đủ” vẫn tạo nên những con người thành đạt, thậm chí là vượt bậc trong xã hội… nhưng hệ lụy của nó thì không phải ai cũng thấy.

Trở lại câu chuyện của cô gái đăng đàn chỉ trích những kẻ “thừa hơi” dạy con nuôi ông bà, cha mẹ khi về già, tự hỏi không hiểu vì sao có người còn khen cô ta “có tâm, có đức”? Thiết nghĩ, bài học trách nhiệm, trước tiên nên là trách nhiệm với bản thân, sau đó là gia đình và cuối cùng là với xã hội. Phải chăng, đó cũng chính là bài học nhân quả? 

Phạm Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI