Cơ quan, giờ nghỉ trưa, nếu băn khoăn chưa biết nói chuyện gì cho hấp dẫn chị em văn phòng, hãy tự tin mang “cái thằng cân” ra, đảm bảo không ai đứng ngoài câu chuyện. Trong đầu, trong tim mỗi nàng đều có một cái cân chạy không ngừng nghỉ, một nỗi ám ảnh to đùng: tăng cân.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Cứ sau một kỳ nghỉ ngơi, các phòng tập, công viên đông đúc người tập thể dục, mong trút bớt vài cân lạng đã lỡ tăng. Nhưng có ai thực sự nếm trải nỗi niềm nặng ký này mới biết: thịt cá, chè, bánh… dễ biến thành mỡ thừa chứ mỡ thừa nào có dễ biến mất. Hễ lơi lỏng cảnh giác, vui miệng nhóp nhép một chút thôi là đã thấy lưng quần, eo váy chật. Đi bộ, nhảy dây, thể dục nhịp điệu, chạy bộ đổ mồ hôi như tắm mà cơ thể không ngót đi được bao nhiêu.
Chị Nhã - nhân viên ngân hàng - than thở: "Mỗi năm tăng vài ký, có lên không có xuống". Mấy tháng cuối năm ngoái, chị đã đề ra một chiến dịch ăn thực phẩm thô hữu cơ, hạn chế tất cả những thứ bột đường dầu mỡ gây tăng cân, không bánh ngọt, không đồ chiên… nói chung là lành mạnh.
Nhưng mỗi bữa, nhìn mâm cơm nhà thấy nghèo khổ quá, thiếu thốn quá, thấy tội nghiệp chồng con, mà thiệt tình là nhìn bữa cơm rất “hoàn cảnh”. Vậy là phải nới tay, mở thực đơn theo những món mà chồng con yêu thích. Bữa cơm tiếp theo thấy bàn ăn xôm tụ, chồng con mặt mày háo hức, không khí gia đình ấm áp lên thấy rõ.
Nguyên cả quý đầu năm, nào là lý do sinh nhật con, nào kỷ niệm ngày cưới, nào 8/3… cha mẹ con cái bữa nào cũng nấu nấu dọn dọn ăn ăn, thiệt là vui vẻ hết sức. Tới lúc nhìn cả nhà đã hơi tròn trĩnh, dù ông chồng với thằng con trai nhất định không chịu bước lên cân, chị lật đật siết lại. Nhưng ngay khi tái lập trật tự bữa ăn ít năng lượng, 2 cha con mặt mũi ỉu xìu liền, tới bữa ngồi gắp qua gắp lại mấy con cá kho, miếng rau luộc, dòm nản lòng hết sức.
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
Tính đếm cho kỹ ra, chị em đã tốn không biết bao nhiêu công sức, thời gian cho giảm cân. Thái độ lo lắng, đề phòng đối với cân nặng đã trở thành thường xuyên, ảnh hưởng sâu đến niềm vui sống của mình. Cứ nghĩ hạnh phúc nhiều khi đơn giản chỉ là một bữa ăn ngon, mình dễ dàng tạo ra hạnh phúc ấy, chồng con mình vui vẻ tận hưởng hạnh phúc ấy, vậy chuyện mập ốm tăng cân để “từ từ tính sau” được không?
Chuyện tăng cân là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với các bà nội trợ, từ đó lan sang cả các thành viên còn lại. Vẫn biết cân nặng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thật - hàng loạt căn bệnh gắn liền với chứng thừa cân, nhiễm mỡ; nhưng phần ảnh hưởng cực kỳ lớn thực tế đang bắt nguồn từ truyền thông. Hình ảnh các cô nàng mảnh mai eo ót đang gây áp lực lớn lên chị em.
Thẳng thắn mà nói, nỗi sợ hãi tăng cân đang bị lạm dụng, khai thác quá đà để bán các dịch vụ khác, từ thực phẩm ít năng lượng, thực phẩm thô, đến dịch vụ giảm béo, thời trang và thực phẩm chức năng… Mối lợi béo bở bao nhiêu người hưởng, còn bản thân chị em chỉ đương đầu với lo lắng, căng thẳng và tốn kém. Cứ thử đặt các hình ảnh truyền thông qua một bên, để nhìn nhận đúng bản chất của câu chuyện, sẽ có thể có cách hành xử đúng đắn và thoải mái cho cả nhà.
Ăn là sinh tồn, ăn là nguồn hạnh phúc cổ xưa và cơ bản nhất của con người. Trong những ngày đấu tranh sinh tồn khốc liệt, có được bữa ăn đồng nghĩa với có thêm sức mạnh và trí khôn để tồn tại, vậy nên khi ăn thức ăn vào người, cả bao tử và não bộ con người đều cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ, tích cực. Để duy trì sự sống tối thiểu, phải ăn. Để duy trì hạnh phúc tối thiểu, cũng phải ăn.
Vậy nên không có gì là phi lý khi niềm vui của chúng ta cũng gắn liền với no đủ, ăn uống vui vẻ tích cực. Chị em đừng quá tập trung vào thỏa mãn cái “thị hiếu gầy” mà phụ lòng đồ ăn thức uống.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Cũng xin nhắn nhủ với các ông chồng: đừng bao giờ chê vợ mập. Các ông nghĩ chê vợ mập sẽ khiến vợ lo lắng, vợ sẽ tập tành, kiêng khem và giảm cân, nhưng thực tế không phải vậy.
Phân biệt mập ốm, dù chỉ là một nhận xét nhỏ xíu, sẽ được lưu rất sâu vào bộ nhớ của các bà vợ, mặc cảm tự ti sẽ khiến chị em co mình lại, những “chất gây mập” trong lục phủ ngũ tạng của các nàng sẽ xuất hiện, làm cho các nàng càng… mập hơn.
Đừng để cái cân gây áp lực, biến thức ăn thành kẻ tội đồ, biến niềm vui ăn uống thành căng thẳng. Bà nội trợ hãy dũng cảm không sợ “cái thằng cân”. Mà nếu lỡ có lên cân, hãy vui vẻ bắt đầu một kế hoạch sống vui, sống khỏe để tập tành tích cực, coi đó như một niềm vui nặng ký, có sao đâu.
Hoàng Mai