Dùng chất làm chín trái: Người nói được, kẻ bảo không

30/12/2015 - 09:33

PNO - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật từng khẳng định chưa cấp phép loại thuốc ủ chín trái cây ethephon nhưng một số nhà khoa học cho rằng, được phép lưu hành.

"Chất độc nhẹ"

Trong lần trao đổi gần đây với báo Phụ Nữ TP.HCM, Cục trưởng Cục BVTV, Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Hồng, cho rằng, thuốc làm trái chín thuộc nhóm điều hòa sinh trưởng nên bắt buộc phải đăng ký tại Cục BVTV, nhưng cơ quan này chưa hề cấp phép kinh doanh loại thuốc này.

Một thời, dư luận xôn xao với thông tin “dùng thuốc ủ chín trái cây là độc hại”. Nhưng nay, các nhà khoa học trong nước lại khẳng định rằng chất ủ chín trái cây có ethephon không gây hại. Giải thích sự “lệch pha” này, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên cán bộ Trung tâm Nghiên cứu đất-phân bón và môi trường phía Nam giải thích, chất này nằm trong danh mục phân bón lá, không nằm trong danh mục quản lý của cơ quan BVTV.

Ethephon thuộc nhóm năm chất điều hòa sinh trưởng nên nằm trong danh mục chất dinh dưỡng cây trồng do Cục Trồng trọt quản lý. Cơ quan quản lý không nắm rõ cơ sở khoa học và do áp lực từ truyền thông, sợ bị chất vấn nên lựa chọn cách cấm để “an toàn” nhất, khiến dư luận hoang mang.

Dung chat lam chin trai: Nguoi noi duoc, ke bao khong
Sử dụng thuốc làm chín trái cây không đúng tiềm ẩn nguy cơ độc hại

TSKH Trần Hạnh Phúc, Viện Sinh học nhiệt đới, tác giả dự án “Sản xuất thử nghiệm ethephon - Dự án cấp Viện KH&CN Việt Nam” khẳng định, ethephon, hoạt chất phổ biến trong các loại thuốc thúc chín trái cây hiện nay không độc. Điều này đã được nghiên cứu tại nhiều nước trên thế giới và chuyển giao từ Nga về Việt Nam từ 20 năm trước. Ethylen trong các loại thuốc thúc chín trái cây trên thị trường hiện nay được sản sinh từ ethrel (ethephon).

Theo GS-TS Nguyễn Quang Thạch. Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Sinh học nông nghiệp, từ nhiều thế kỷ trước, trong quá trình vận chuyển chuối xanh từ Nam Mỹ về châu Âu, trong các khoang chứa chuối cùng với táo, người ta phát hiện những buồng chuối chín nhanh hơn rất nhiều.

Sau quá trình tìm hiểu, các nhà khoa học phát hiện trong trái táo tự sản sinh ra loại khí ethylen, một loại hormon nội sinh giúp trái cây chín nhanh. GS Thạch cho hay, từ lâu các nước trên thế giới đã sử dụng rộng rãi ethephon trong ngành trồng trọt cả trong và sau thu hoạch để kích thích sự chín đều và đồng loạt các loại quả, tạo điều kiện tốt cho công nghệ sau thu hoạch.

Thử nghiệm trên chuột không có bằng chứng cho thấy có khả năng gây ung thư ở nồng độ ethephon 70,6-72,1%. “74% sản lượng chuối trên toàn thế giới được thúc chín bằng loại hóa chất này”, ông Thạch cho hay.

TS Nguyễn Văn Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp trang trại nông thôn Việt Nam cung cấp thêm, ethrel có những độc tính nhất định và chỉ xếp vào loại chất độc nhẹ, không phải là một chất cực độc hay cực nguy hiểm.

Một số nước như Úc, New Zealand và Hà Lan cũng cho phép sử dụng. Cục Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ xác định, ethrel đi vào cơ thể qua thực phẩm chỉ an toàn nếu liều lượng mỗi ngày không vượt quá mức cho phép 0,05mg/kg cân nặng cơ thể.

TS Minh cho rằng, trước đây bà con nông dân có thói quen dùng đất đèn để ủ chín trái cây, nhưng đất đèn sản sinh khí acetylen, arsenic và phosphorus - độc hại hơn ethylen rất nhiều nên đã bị cấm sử dụng. Sử dụng ethrel an toàn hơn.

Trong thực tế, khí ethylen được tạo ra từ việc đốt nhang cũng là cách để ủ chín quả chuối, lê. Khi ethylen được sinh ra sẽ xâm nhập vào quả và làm chín quả. Những loại quả có thể được ủ chín bằng ethylen là xoài, đu đủ, hồng, dưa lưới, chuối, cà chua, bơ, mít, sầu riêng.

Độc hại do dùng sai cách

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, sử dụng ethylen không đúng, không khoa học có thể gây độc hại. Cần phải dùng đúng liều lượng để đảm bảo an toàn.

Theo các nhà khoa học, việc sử dụng khí ethylen được giải phóng từ ethrel hoặc ethephon là an toàn nhất. Cách làm này được tiến hành trong phòng kín, thường phải bổ sung chất kiềm vào ethephon/ethrel để giải phóng khí ethylen. Nên việc tính toán lượng ethrel/ethephon cũng như chất kiềm cần dùng cho diện tích nhất định để giải phóng một lượng ethylen cho quá trình ủ chín. Đồng thời căn cứ vào nhiệt độ, độ ấm của phòng ủ trái cây.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI