Dừng bước hải hồ

10/03/2016 - 10:16

PNO - Ông bảo đời mình chẳng mê gì nhà cao xe đẹp, chỉ ước thêm một lần được phiêu bạt hải hồ cho thỏa mắt ngắm “bồng lai tiên cảnh”.

Nhập cư thành thị gần 10 năm; mở mắt là ngó thấy những tòa nhà chọc trời; một chân, một xe đạp đã len lỏi bao ngõ ngách thành phố… nhưng ông bảo đời mình chẳng mê gì nhà cao xe đẹp, chỉ ước thêm một lần được phiêu bạt hải hồ cho thỏa mắt ngắm “bồng lai tiên cảnh”.

Cập bến neo bờ

Xứ “bồng lai tiên cảnh” - miền nhớ của ông Lê Văn Đực - là cảm giác đã đời của gã giang hồ lênh đênh giữa tứ bề sông nước, đêm ngửa mặt thấy sao, ngày xem mây vờn gió; là tiếng cá búng, tiếng sóng xô mạn thuyền ru giấc người ngư phủ… Từng sống một cuộc đời tự tại như thế, thì nỗi nhớ ấy, mong ước kia, với người đàn ông tóc hoa râm này là chuyện quá bình thường.

Giá trị của nỗi nhớ - ông Đực bảo: “Là tương lai của Diễm My, con tôi và cho vợ tôi bớt khổ”. Đó là năm 2007, Diễm My chào đời, nghĩ cuộc sống của con không thể mãi trôi theo những chuyến lãng du của cha mẹ, và bà Vĩnh - người đàn bà của mình đang khổ sở chịu cảnh “ở cữ” trên con thuyền, ông quyết định lên bờ.

Dung buoc hai ho
Mỗi chiều, ông Đực đều đạp xe đi xin nước

Từ nơi chôn nhau cắt rốn là huyện Bình Đại nằm trên cù lao An Hóa (tỉnh Bến Tre), ông Đực xuôi thuyền theo dòng Ba Lai qua các nhánh sông, rạch đưa gia đình thẳng tiến về Sài Gòn. Mất vỏn vẹn hai ngày, hai đêm, thuyền ông cập bến bên mé Rạch Bàng, ngay dưới chân cầu Rạch Bàng 2, thuộc Q.7, TP.HCM. Chưa biết cuộc lên bờ sẽ ra sao với một bên chân đã bỏ lại trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam; bước đầu, ông Đực tìm nhặt những tấm bạt ni lông, mấy thanh gỗ bỏ về gia cố con thuyền, biến thành một ngôi nhà nhỏ bên mé rạch.

Ông Đực bảo, khi định cư nơi mới, quanh ông con nước vẫn quấn quýt và ngôi nhà có mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ thênh thang, bên kia là dãy nhà chọc trời, điện thành phố chiếu sáng tận tổ ấm của ông. Ông đưa ra vài lát cắt lạc quan trong cuộc nhập cư thành thị của gia đình như thế; còn mảng màu phía sau với rắn rết thi thoảng bò lên nhà, mùi hôi thoảng lên từ con rạch hay muỗi mòng rác rưởi - ông phẩy tay: “Quen rồi, nhập gia thì phải tùy tục! Rắn bò lên tôi bắt chớ gì đâu”.

Ông Đực năm nay 61 tuổi. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Vĩnh ở tuổi 52. Nhìn vợ chồng ông ở tuổi ấy, rồi nhìn cô bé Diễm My nhỏ thó, gầy nhom, ít người nghĩ đó là cô con gái “trời ban” của hai người. Bà Vĩnh thẹn thùng cắt nghĩa: “Về làm vợ ổng hơn chục năm, đâu nghĩ đến chuyện sinh con chung. Chẳng ngờ, một ngày cấn thai như lộc của ông trời cho tuổi già vợ chồng bớt cô quạnh”. “Mà cũng lo, tụi tôi cứ sợ mình rời đời khi con chưa kịp lớn, tương lai sẽ dở dang tội nghiệp” - ông Đực chậc lưỡi, tiếp lời vợ.

Ngày trở về từ cuộc chiến, ông Đực kết hôn với cô gái cùng làng. Năm người con chào đời, lớn lên theo những chuyến giăng câu, thả lưới lẫn buôn bán lặt vặt của cha. Cuộc sống bươn bả trong khó nghèo nhưng đầm ấm, ổn định cho đến ngày vợ ông đổ bệnh qua đời. Nuôi các con trưởng thành, gả chồng dựng vợ; ông Đực một mình dong thuyền rời Bình Đại, lang bạt kỳ hồ qua khắp miền sông nước. Một chuyến cập bờ ghé thăm quê, ông gặp bà Vĩnh. Trong cái nhìn đầu tiên, ông thương hoàn cảnh bà từng đổ vỡ hôn nhân, 20 năm một nách nuôi con gái; bà thương ông hiền lành, chân chất. Hết con cái đến làng xóm vun vào, họ nên duyên chồng vợ. Từ đó, bà Vĩnh theo ông Đực sống cuộc đời ngao du sông nước.

"Khí chất" hải hồ

“Cập bến” TP.HCM, vốn liếng vỏn vẹn 500.000đ, ông Đực tìm đến một đại lý vé số xin đóng cọc rồi nhận vé đi bán. Thời gian đầu, tiền lời ít ỏi mỗi ngày chỉ đủ lo cơm nước đạm bạc; sau này, đồng cảm cái nghèo, một chị ve chai tặng chiếc xe đạp giúp ông len lỏi sâu hơn, xa hơn những cung đường thành phố. Vé số bán được nhiều hơn, ông Đực trích tiền lời dành dụm mở một quán nước nhỏ ngay trước nhà , mua dăm ba cái khẩu trang để vợ vừa chăm con vừa buôn bán. Ấy vậy, canh cánh trong lòng vợ chồng ông bao năm qua là do không có tạm trú, năm con lên sáu, ông đành gửi vào một lớp học tình thương cho biết chữ đúng tuổi.

Mãi đến đầu năm 2015, khi chính quyền qua quá trình theo dõi, biết vợ chồng ông sống hiền lành, lương thiện, đặc biệt mé rạch dưới chân cầu kể từ khi gia đình ông định cư không còn những thanh niên đến tụ tập hút chích - đã cấp cho một cuốn sổ tạm trú. Nhờ vậy, Diễm My, năm học 2015-2016, tám tuổi, chính thức trở thành học sinh lớp 1 Trường tiểu học Phan Huy Thực, Q.7. “Tôi mừng rớt nước mắt. Cuối cùng, con tôi cũng được khoác chiếc áo học sinh” - ông Đực bồi hồi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI