Đừng bỏ rơi các góa phụ

06/04/2024 - 07:16

PNO - Khoảng 38 triệu góa phụ trên toàn cầu đang sống trong cảnh đói nghèo cùng cực. Hơn bao giờ hết, họ cần được lắng nghe và giúp đỡ.

Cuối tháng 2 vừa qua, giới thể thao thương tiếc Kelvin Kiptum – vận động viên marathon tài năng người Kenya vừa bỏ mạng do một tai nạn thương tâm.

Sau tang lễ, vợ anh - Asenath Rotich - và 2 người con của họ được nhận hàng loạt bảo trợ thiết thực từ chính phủ. Một ngôi nhà và công việc phù hợp giúp đảm bảo tương lai cho gia đình Rotich. Thế nhưng, hơn 8 triệu phụ nữ mất chồng ở Kenya không may mắn như thế.

“Gồng gánh” muôn vàn áp lực

Thực tế, hầu hết góa phụ tại Kenya nói riêng và nhiều nước châu Phi nói chung đang bị “bủa vây” bởi các rào cản không dễ vượt qua.

Đối lập với trường hợp của Rotich là Silvia, sống tại Hạt Siaya (Tây Kenya). Người phụ nữ góa chồng 39 tuổi mất nhà cửa sau một vụ tranh chấp đất đai. Cùng 5 đứa con nhỏ, Silvia phải tiếp tục chịu đựng tình cảnh bấp bênh – không nhà cửa, dẫu truyền thông và công chúng đã nỗ lực lên tiếng tìm lại công lý giúp cô.

Asenath Rotich cùng người thân tiễn đưa chồng cô, Kelvin Kiptum, trong ngày tang lễ của vận động viên thể thao xấu số. (Ảnh: AFP)
Asenath Rotich cùng người thân tiễn đưa chồng cô - Kelvin Kiptum - trong ngày tang lễ của vận động viên thể thao xấu số. (Ảnh: AFP)

Ở khu vực Đông Phi – khi thực trạng bất ổn kinh tế, xung đột xã hội vẫn ám ảnh đời sống thường nhật, số lượng góa phụ đang tăng lên với tốc độ đáng ngại.

“Nhưng họ đang không được hưởng những quyền lợi chính đáng. Sự phân biệt đối xử, như điều xảy ra với Silvia, là một minh chứng đáng buồn” - nhà hoạt động nhân quyền người Kenya - Roseline Orwa - chia sẻ.

Orwa nhấn mạnh, các lễ nghi truyền thống áp đặt cho góa phụ “để tôn trọng người chồng đã khuất và thể hiện niềm tiếc thương của người vợ”, lại khiến phụ nữ bị “gạt ra lề xã hội”, chịu tổn thương về tinh thần lẫn thể chất.

Theo báo cáo thống kê của Quỹ Loomba (tổ chức phi chính phủ được LHQ công nhận, chuyên bảo trợ góa phụ và trẻ em trên toàn cầu): khắp thế giới hiện có đến 258 triệu góa phụ, chăm sóc cho 585 triệu đứa trẻ. Trong số này, 38 triệu phụ nữ góa bụa thuộc diện nghèo đói cùng cực.

Đại dịch COVID-19 vừa qua càng gia tăng sức ép đến nhiều góa phụ, nhất là những ai sống tại Syria, Gaza và hàng loạt quốc gia khác thuộc châu Phi đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh.

“Là một phụ nữ gốc Phi đã góa chồng 16 năm, tôi thấu hiểu các thử thách lẫn bất công mà góa phụ phải trải qua. Bị tước quyền thừa kế tài sản, bị xem thường, bị cưỡng ép tham gia những nghi lễ mang tính xâm hại nhân quyền... Tất cả trải nghiệm đó thúc giục tôi tìm kiếm một ‘lối thoát’”, Orwa bày tỏ.

Đấu tranh thầm lặng

Quỹ Rona Orwa sáng lập 12 năm trước, đã tạo ra “lối thoát” không chỉ vì cô, mà còn vì rất nhiều chị em phụ nữ chung cảnh ngộ. Là một tổ chức nhân quyền hoạt động năng nổ ở Kenya, Quỹ Rona đang tích cực triển khai các chương trình tư vấn pháp lý, hỗ trợ kinh tế cũng như sáng kiến cứu trợ khẩn cấp, vì mục tiêu trao quyền - chắp cánh ước mơ cho góa phụ và trẻ mồ côi.

Nhà hoạt động nhân quyền Roseline Orwa. (Ảnh: RonaFoundation)
Nhà hoạt động nhân quyền Roseline Orwa. (Ảnh: RonaFoundation)

“Phần lớn phụ nữ tìm tới tổ chức chúng tôi là nạn nhân của những hủ tục tàn nhẫn nhắm vào góa phụ, của sự phân biệt đối xử về phương diện kinh tế lẫn xã hội”, Orwa bộc bạch. “Ở nhiều nơi, họ không được hưởng ngay cả phúc lợi căn bản, lẫn bảo hiểm cho người lao động. Điều này càng khiến góa phụ trở nên yếu thế trước nhiều biến cố”.

Các tổ chức đấu tranh từ cấp cơ sở như Quỹ Rona, vừa tham gia “cuộc chiến” chống lại tư duy kỳ thị phụ nữ, vừa nỗ lực tự củng cố nền tảng.

Orwa tiết lộ: “Thẳng thắn mà nói, không ít tổ chức, hội nhóm như chúng tôi phải ‘chết yểu’ bởi kinh phí, nguồn lực có hạn. Ổn định mọi thứ để tồn tại lâu dài, để giúp đỡ thêm người cần được giúp là điều không đơn giản”.

Dù vậy, nhà hoạt động nữ quyền chưa từng đánh mất hy vọng. Ủy ban về Địa vị Phụ nữ (Cơ quan trọng yếu trực thuộc LHQ với vai trò thúc đẩy bình đẳng giới) và Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) đã chính thức lên tiếng kêu gọi bảo vệ các góa phụ.

“Giờ đây, họ được xếp vào nhóm ‘nguy cơ cao’, tức những người thường xuyên đối diện tình trạng nghèo đói, bạo lực”, Orwa lý giải.

“Sự công nhận và kêu gọi hỗ trợ từ những tổ chức uy tín thế giới chính là thành quả của nhiều năm vận động, đấu tranh”. Những cố gắng ấy - như công việc Orwa kiên trì theo đuổi, dẫu diễn ra thầm lặng giữa bối cảnh còn nhiều khó khăn, vẫn không ngừng lan tỏa giá trị tốt đẹp.

Như Ý (theo TheGuardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI