Đừng bỏ quên giáo dục khi duyệt dự án địa ốc

28/08/2024 - 06:07

PNO - Từ nhiều năm trước, các nhà quy hoạch đô thị, nghiên cứu giáo dục, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến trường lớp ở TP Hà Nội, TPHCM luôn quá tải học sinh là do quy hoạch và thực hiện quy hoạch thiếu đồng bộ.

Dòng người chờ đợi để được mua hồ sơ lớp Một ở trường tiểu học Thực hành Sài Gòn (quận 3) vào tháng 6/2024- Ảnh: T.T.
Dòng người chờ đợi gần 24g để được mua hồ sơ lớp Một ở trường tiểu học Thực hành Sài Gòn (quận 3) vào tháng 6/2024 - Ảnh: T.T.

Mùa tuyển sinh năm ngoái, phụ huynh xếp hàng xuyên đêm để nộp hồ sơ cho con vào lớp Một, Trường tiểu học Vạn Bảo - trường công lập ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Tình trạng tương tự cũng từng xảy ra ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Đây là những phường có tốc độ đô thị hóa và tăng dân số nhanh nhưng tốc độ phát triển trường học thì chậm. Ở TPHCM, quận huyện nào có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc có nhiều khu công nghiệp thì sĩ số học sinh mỗi lớp đều cao.

Từ nhiều năm trước, các nhà quy hoạch đô thị, nghiên cứu giáo dục, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến trường lớp ở TP Hà Nội, TPHCM luôn quá tải học sinh là do quy hoạch và thực hiện quy hoạch thiếu đồng bộ. Sự điều chỉnh quy hoạch các khu đô thị cũng chỉ hướng đến mục đích xây dựng nhà ở, khiến dân số tăng nhanh nhưng cơ sở hạ tầng xã hội, dịch vụ công lại không tăng tương ứng.

Lẽ ra, cần phải có sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong điều chỉnh đồng bộ quy hoạch để hạ tầng giáo dục, y tế và các hạ tầng xã hội khác cùng phát triển theo tốc độ tăng của công trình địa ốc, dân số. Lẽ ra, phải phân bổ công bằng giữa đất cho dự án khu đô thị, dân cư và đất cho xây dựng trường học. Lẽ ra, cần giám sát, quy rõ trách nhiệm của các đơn vị không hoàn thành đầy đủ hạng mục cần có của khu đô thị mới… Nhưng thực tế, mọi thứ đều diễn ra ngược lại.

Trong hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 diễn ra ngày 19/8, Bộ GD-ĐT cũng chỉ rõ tình trạng thiếu trường, lớp ở một số địa phương, đặc biệt là ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất. Nguyên nhân là việc quy hoạch phát triển các khu công nghiệp không đồng bộ với quy hoạch phát triển hệ thống trường, lớp cho con em công nhân, người lao động. Hệ quả là mỗi lớp học có tới 50-60 học sinh chen chúc, vượt gấp nhiều lần so với sĩ số tiêu chuẩn của thế giới.

Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và các nghị định hướng dẫn thi hành luật đều quy định, phải xây dựng nhà ở (thương mại) và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án theo đúng quy hoạch, tiến độ đã được phê duyệt; chỉ được bàn giao nhà ở cho người sử dụng sau khi đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng xã hội.

Do đó, các nhà quản lý cần giám sát chặt chẽ, chỉ cho phép vận hành khu đô thị khi đã có đầy đủ các công trình công cộng. Nếu không thực hiện được thì chính các nhà quản lý phải cùng nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trên thực tế, từng có không ít khu đất vốn được quy hoạch thành các công trình công cộng nhưng sau đó lại trở thành những tòa chung cư, khu đô thị. Ngược lại, cũng có nơi mà chính quyền địa phương quyết tâm giữ đất cho các công trình công cộng, như UBND quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Nhờ đó, quận này có nhiều trường học được xây dựng trên các khu “đất vàng”, giúp sĩ số trung bình cấp tiểu học của quận trong năm học này dừng ở 37 học sinh/lớp, gần sát với tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT.

Với những địa phương có tỉ lệ học sinh tăng đột biến theo tốc độ tăng số dân nhập cư, có thể tính đến những biện pháp trước mắt như tận dụng các công trình công cộng có sẵn như nhà sinh hoạt cộng đồng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên đang bỏ trống hoặc hoạt động cầm chừng… để làm lớp học.

Nhưng giải pháp lâu dài và cơ bản là phải xây trường, lớp mới đạt được tỉ lệ tương ứng với sự gia tăng số dân. Muốn vậy, không được bỏ quên công trình phục vụ giáo dục - tức trường học - khi phê duyệt, nghiệm thu các dự án xây khu đô thị, khu dân cư, tòa cao ốc, chung cư, khu công nghiệp.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI