Đừng bỏ lỡ cơ hội ứng phó đại dịch trong tương lai

26/01/2024 - 06:09

PNO - Đó là lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào cuối tháng 12/2023 đối với các quốc gia trên toàn cầu, sau khi kết thúc 3 năm đại dịch COVID-19 khiến hơn 7 triệu người tử vong.

Tiến sĩ Tedros - Tổng giám đốc WHO - nói: Vẫn còn những lỗ hổng cần phải ngăn chặn để ứng phó với đại dịch tiếp theo của thế giới. Vì thế, thế giới cần chuẩn bị với tình huống khẩn cấp. "Năm 2024 mang đến cơ hội duy nhất để giải quyết những khoảng trống này khi các quốc gia đang đàm phán thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về các mối đe dọa đại dịch. Hiệp định đại dịch đang được thiết kế để thu hẹp khoảng cách trong hợp tác và công bằng toàn cầu” - ông nói.

Tom Patterson - giáo sư tâm thần học đã nghỉ hưu tại UC San Diego - suýt mất mạng do bị nhiễm “Iraqibacter”, một loại vi khuẩn kháng thuốc từ vùng sa mạc ở Iraq - Nguồn ảnh: IPATH
Tom Patterson - giáo sư tâm thần học đã nghỉ hưu tại UC San Diego - suýt mất mạng do bị nhiễm “Iraqibacter”, một loại vi khuẩn kháng thuốc từ vùng sa mạc ở Iraq - Nguồn ảnh: IPATH

Tuy nhiên trong phát biểu ngày 21/1/2024, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus lo ngại: “Tôi lo các quốc gia thành viên có thể không đáp ứng cam kết đó và có một số vấn đề tồn đọng cần giải quyết. Theo tôi, việc không thực hiện được thỏa thuận về đại dịch và các sửa đổi IHR (Quy định y tế quốc tế) sẽ bỏ lỡ cơ hội và các thế hệ tương lai có thể không tha thứ cho chúng ta”.

Song song đó, trước tình trạng mầm bệnh chống lại thuốc kháng sinh xuất hiện ngày càng nhiều, chuyên gia từ Trung tâm Ứng dụng và Điều trị bằng liệu pháp thể thực khuẩn (IPATH), thuộc Khoa Y dược của Đại học California, San Diego (Mỹ) cũng cảnh báo về nguy cơ siêu vi khuẩn lan rộng sau này. Nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm Steffanie Strathdee - đồng giám đốc của IPATH - cho biết: “Các đồng nghiệp của tôi ước tính rằng, đến năm 2050 sẽ có 10 triệu người chết mỗi năm vì nhiễm siêu vi khuẩn, tức trung bình cứ 3 giây lại có một người tử vong”.

Bà Strathdee trích dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, đã xảy ra cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ở Mỹ do siêu vi khuẩn kháng thuốc trong thuốc nhỏ mắt. Theo đó, các trường hợp nhiễm trùng mắt xuất hiện từ tháng 5/2022. Đến tháng 1/2023, ít nhất 50 bệnh nhân ở 11 tiểu bang đã bị nhiễm siêu vi khuẩn sau khi sử dụng thuốc nhỏ mắt không có chất bảo quản. Đến tháng 5/2023, đợt bùng phát đã lan sang 18 tiểu bang, khiến 4 người thiệt mạng, 4 người phải phẫu thuật tách bỏ nhãn cầu, 14 người bị mất thị lực và hàng chục người bị nhiễm trùng ở nhiều bộ phận cơ thể.

CDC cho biết, thủ phạm là một chủng pseudomonas aeruginosa kháng thuốc hiếm gặp, chưa từng được xác định ở Mỹ, trước khi dịch bệnh bùng phát. Tại quốc gia này có hơn 2,8 triệu ca nhiễm khuẩn kháng thuốc xảy ra mỗi năm. CDC cảnh báo, những ca bệnh như vậy là “mối đe dọa khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu”, giết chết 5 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới.

Bà Strathdee cho biết, một trường hợp bệnh nhân nhiễm siêu vi khuẩn kháng thuốc điển hình chính là chồng của bà - ông Tom Patterson - giáo sư tâm thần học tại Đại học California, San Diego đã nghỉ hưu. Ông Patterson bị nhiễm “Iraqibacter” - loại vi khuẩn kháng thuốc từ vùng sa mạc ở Iraq - và bị suy đa tạng, cận kề cái chết. Bà Strathdee đã xoay xở tìm được loại thể thực khuẩn có thể tìm diệt “Iraqibacter” và cung cấp chúng cho các bác sĩ của Patterson.

Bà Strathdee cho biết, do quá trình tiến hóa, nhiều vi khuẩn ngày nay dù kháng được vô số thuốc nhưng vẫn có kẻ thù tự nhiên. Đó là những loại vi rút gọi là thể thực khuẩn được tự nhiên lập trình để chuyên tìm diệt vi khuẩn. Nữ chuyên gia dịch tễ chia sẻ, một số phòng thí nghiệm ở Mỹ đang phát triển và dự trữ các thư viện thể thực khuẩn. 

Từ bang Texas, Anthony Maresso - phó giáo sư tại Đại học Y Baylor ở thành phố Houston - cho biết: phòng thí nghiệm ở đây thậm chí còn đẩy nhanh quá trình tiến hóa và tạo ra thể thực khuẩn nhân tạo: “Thay vì chỉ tìm thể thực khuẩn mới từ môi trường, chúng tôi có một lò phản ứng sinh học có thể tạo ra hàng tỉ tỉ thể thực khuẩn”. 

An Chi (theo CNN, Reuters, WHO)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI