Đừng biến phố đi bộ thành... 'đại lộ' làm tiền!

23/10/2017 - 07:56

PNO - Đừng hồ hởi “tự sướng” những sự kiện đình đám, tốn kém như thế có thể giúp quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch.

Ngành công nghiệp không khói đang cần những chiến lược bền bỉ hơn, bởi đó là một phần rất lớn của nền kinh tế.

Dùng bién phó di bọ thành... 'dại lọ' làm tièn!
Một gian hàng nằm trong khu vực lễ hội

Trong 3 ngày 20-22/10, toàn bộ phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) biến thành sàn catwalk khổng lồ dài gần 700m với các màn trình diễn thời trang từ truyền thống đến “bùng nổ trong kỷ nguyên công nghệ”. Song song đó, quảng trường trước trụ sở UBND thành phố “xôm tụ” với các gian hàng triển lãm, mua sắm, trình diễn 3D Mapping, nhạc nước, EDM được nện bởi các DJ nổi tiếng…

Chi hơn triệu đô, có ngay… sặc sỡ và xập xình

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, “Lễ hội Thời trang và Công nghệ 2017 - Fashionology Festival 2017” là sự kiện văn hóa du lịch hiện đại, kết hợp giữa thời trang và công nghệ trình diễn tương tác kỹ thuật số với công chúng nhằm tạo thêm không gian văn hóa, nghệ thuật phục vụ đời sống, tinh thần của người dân và thu hút khách du lịch. Những hoạt động mới lạ nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch trong nước và quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam.

Fashionology Festival 2017 có sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp, 40 nhà thiết kế thời trang Việt Nam và quốc tế, 300 người mẫu… mong muốn góp phần kích cầu cho ngành công nghiệp dệt may và thiết kế thời trang của thành phố phát triển hơn nữa.

Dùng bién phó di bọ thành... 'dại lọ' làm tièn!
Văn hóa Việt, thẩm mỹ thuần phong Việt ở đâu để có thể giới thiệu, kết nối cùng bạn bè, du khách quốc tế khi vô tư hở - mỏng - phơi một cách xấu xí, thô thiển ngay tại không gian văn hóa tiêu biểu của thành phố? Sở Du lịch TP.HCM và khách hàng của họ là Golden Communication Group chịu trách nhiệm về sự bày biện nhếch nhác, phản cảm này.

Có trang mạng đã ca tụng Fashionology Festival 2017 là “giấc mơ có thật của người yêu thời trang” (?). Người ta liệt kê nào là “đại lộ thời trang” giúp bất kỳ ai cũng có thể tham gia và chiêm ngưỡng. Hoặc lần đầu tiên, lễ hội cho phép người yêu thời trang “see now, buy now” - vừa xem các bộ sưu tập trình diễn trên sân khấu và có thể mua ngay tại chỗ nếu thích…

Thật ra những hoạt động trên không mới, nếu so với các thành phố lớn khác trên thế giới. Đặt chân tới Quảng trường Times (New York, Hoa Kỳ), ai mà không ao ước được một lần hòa vào biển người chờ giây phút đếm ngược trong đêm giao thừa hằng năm. Hay chí ít cũng miên man nghĩ đến các sự kiện street catwalk thường niên nổi tiếng trên những con phố tại quảng trường này, như Express Fashion Show, Project Runway…

Dùng bién phó di bọ thành... 'dại lọ' làm tièn!
Đưa mắt khỏi sàn diễn xập xình là hình ảnh chị trung niên với đôi quang gánh

Len lỏi qua biển xe giờ cao điểm để tới được khu vực trung tâm TP.HCM, chúng tôi đứng quan sát các cô gái, chàng trai người mẫu Fashionology Festival 2017 trình diễn các trang phục “lạ mắt” trên sàn Nguyễn Huệ và cũng có nhiều ước ao. Nữu Ước được bao bọc bởi không gian và hạ tầng đô thị được quy hoạch bài bản, quá sức hiện đại và người dân hay du khách thực sự được thưởng lãm nghệ thuật trong không gian đó.

Đưa mắt khỏi sàn diễn xập xình, bất giác có hình ảnh cô gái phục vụ quán bar, những em bé bán hoa hồng tình nhân, chị trung niên với đôi quang gánh nép sâu trong góc ngã tư băng ngang phố đi bộ hoành tráng, thỉnh thoảng ngó lên sân khấu nhìn người mẫu. Họ gói nhọc mệt trong nụ cười với khách khiến một khách du lịch tóc vàng hiểu ngay: nụ cười là thời trang không cần mua, là ngoại ngữ không cần học. Thực trạng quả là quá phân hóa so với những gì mà nhà tổ chức lễ hội muốn trình bày về hình ảnh của mình. Bất giác lần nữa khi nghĩ đến những ông tây, bà đầm đang chễm chệ trên các rooftop-bar ở các tầng gác cao ốc nhìn xuống cả khúc đại lộ đang rực rỡ thời trang, và xung quanh, những con đường không lối thoát cho xe cộ.

Nghiên cứu xã hội học về thời trang chỉ ra rằng, thời trang vừa là một cơ chế kiểm soát, đồng thời cũng là cơ chế để thay đổi xã hội. Giá mà các đêm trình diễn do Sở Du lịch chủ trương, không chỉ có các bộ cánh “độc, lạ” phản cảm, mà còn có thể thu hút được tâm trạng của thời đại.

Hãy “nhúng” du lịch trong văn hóa, cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái

Theo Báo Quân Đội Nhân Dân, lễ hội tiêu tốn gần 30 tỷ đồng (tương đương 1,3 triệu USD) và sẽ là sự kiện được tổ chức hằng năm để quảng bá du lịch. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng của ngành du lịch Việt Nam, có thể thấy ngay, việc thu hút, phát triển nó không thể chỉ đặt vào, thậm chí chưa đúng thời điểm, để tổ chức những sự kiện đình đám, tốn kém, mà đang rất cần những chiến lược bền bỉ hơn.

Các trang chia sẻ kinh nghiệm du lịch quốc tế đều đưa ra con số đáng buồn, 85-95% du khách cho biết mình sẽ không quay lại Việt Nam. Nomadic Matt - tác giả bài viết “Tại sao tôi không trở lại Việt Nam?” từng gây xôn xao dư luận - viết rằng: “Câu trả lời đơn giản là không ai muốn trở lại nơi họ cảm thấy bị đối xử tồi tệ”. Ở Việt Nam, du khách bị xem là đối tượng hai giá: bị tính giá cao hơn khách trong nước hoặc đôi khi bị “chặt đẹp”.

Dùng bién phó di bọ thành... 'dại lọ' làm tièn!
 

Matt cho biết, mình liên tục bị làm phiền bởi hàng rong, phải đối phó với cánh taxi luôn tìm cách cho nhảy counter meter. “Lúc tìm mua áo thun tại Hội An, ba người phụ nữ cố gắng giữ tôi trong cửa hàng của họ cho đến khi tôi phải mua một thứ gì đó, mới thôi”, Matt chia sẻ.

Dù kết thúc bài viết của mình, ngoài lời thề không quay trở lại, Matt cố hết sức không đưa ra bất cứ “phán quyết” nào về Việt Nam. Anh cho rằng, có thể có khác biệt trong kinh nghiệm của mình và còn khuyên bạn bè nên đi một lần cho biết để có trải nghiệm thực sự. Thế nhưng, tác giả đã có nhận định khá đau đớn: "Hầu hết những người có ấn tượng tốt là do đã đi du lịch sang trọng, trong khi khách ba lô thì khác. Những ai tiêu tiền nhiều dường như được đối xử khá tốt".

Tương tự, nhưng thực tế hơn, Steven chia sẻ trên một diễn đàn “25 điều cần biết trước khi đi du lịch tại Việt Nam”. Trong đó, có những điều khá đau, mặc dù anh chàng nói rõ: “Tôi yêu đất nước này, đây là quốc gia đáng được thưởng nhất ở Đông Nam Á. Tôi chỉ muốn cảnh báo du khách để cảnh giác trước những sai lầm thường gặp tại Việt Nam”.

Anh lưu ý khi gặp những người bán dừa dạo trên đường phố ở Q.1, phải hỏi giá trước và lấy các mệnh giá tiền ra cho người bán hàng xác nhận. “Bởi bạn sẽ nghe họ nói mười lăm (fifteen) nghìn, nhưng sau khi bạn cầm lấy quả dừa và trả tiền, họ sẽ bảo năm mươi (fifty) nghìn. Người bán hàng lý luận bạn nghe nhầm”, Steve kể.

Những gì Matt và Steve chia sẻ ở trên, mới chỉ phản ánh khía cạnh văn hóa đang nhấn chìm du lịch. Đa số du khách lại hết sức “oải” trước tình trạng giao thông của Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn. Cả Matt và Steve đều dùng chữ “kinh hoàng” để mô tả việc di chuyển của họ.

Theo một kiến trúc sư tại TP.HCM, một đô thị có trên năm triệu dân, buộc phải xây dựng hạ tầng giao thông công cộng tốt để “trấn áp” xe cá nhân. Giải pháp “bền đẹp” chính là hệ thống metro. Vậy mà, một thành phố hơn 10 triệu dân như Sài Gòn vẫn đang phải dang dở với các tuyến metro, vẫn đang ngổn ngang với tình trạng ngập nước… và muốn dùng các sự kiện lòe loẹt để tự huyễn hoặc rằng sẽ thu hút du khách!
Đó là chưa kể, vấn đề ô nhiễm môi trường, trong khi nền kinh tế nào cũng phải được “nhúng” trong hệ sinh thái tốt nếu muốn phát triển bền vững. Quốc gia nào dường như cũng đã xác định du lịch là một phần khổng lồ của nền kinh tế và nó gắn kết mật thiết với môi trường.

Với TP.HCM, một trong những nguyên tắc cơ bản để phát triển bền vững, đó là du lịch phải tạo việc làm cho những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Trước đòi hỏi của mỏ vàng du lịch - qua lời minh chứng của Steve “nơi đáng thưởng thức nhất Đông Nam Á” - cần phải có chiến lược để du lịch tiến lên song song với văn hóa, cơ sở hạ tầng và môi trường sinh thái. Khi đó, lễ hội lớn nhất sẽ được tạo ra bởi chính triệu triệu du khách đến, đi và trở lại. 

"Nghiên cứu xã hội học về thời trang chỉ ra rằng, thời trang vừa là một cơ chế kiểm soát, đồng thời cũng là cơ chế để thay đổi xã hội. Giá mà các đêm trình diễn do Sở Du lịch chủ trương, không chỉ có các bộ cánh “độc, lạ” phản cảm, mà còn có thể thu hút được tâm trạng của thời đại”.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI