Đừng biến lòng tốt của nam sinh 10 năm cõng bạn thành cơ hội nhỏ nhen

07/10/2020 - 16:38

PNO - Ngô Văn Hiếu - nam sinh 10 năm cõng bạn đến trường - đang được dư luận đặt đứng trước cơ hội: đặc cách vào trường Đại học Y Hà Nội. Bạn nghĩ nên hay không?

Sau khi các trường đại học công bố kết quả xét tuyển, em Ngô Văn Hiếu (Thanh Hoá) nổi lên cùng câu chuyện cổ tích giữa đời thường: suốt 10 năm, Hiếu cõng cậu bạn khuyết tật cùng xóm Nguyễn Tất Minh đến trường, dù là ngày nắng gắt hay mưa dầm, đôi bạn vẫn dìu nhau chinh phục con chữ, theo đuổi ước mơ.

Tình bạn đẹp của Hiếu và Minh
Tình bạn đẹp của Hiếu và Minh

Nhưng, kết quả của cuộc sàng lọc điểm số lại không như mong đợi và để lại nhiều tiếc nuối: Minh đậu đúng ngôi trường mơ ước ở Hà Nội, còn Hiếu vì thiếu 0,25 điểm nên trượt khỏi ĐH Y Hà Nội, đành ngậm ngùi với ưu tiên phụ vào ĐH Y Dược Thái Bình. Đứng trước sự lỡ làng của mình, Hiếu chỉ tiếc: sẽ không thể tiếp tục sát cánh cùng cậu bạn thân đến trường, chắc Minh sẽ gặp khó một chút. Nhưng em tin sẽ có nhiều bạn tốt, người tốt giúp đỡ Minh.

Từ đây, nhiều người bày tỏ sự bất bình đối với sự cứng nhắc của Trường ĐH Y Hà Nội. Hàng loạt chất vấn không ngừng tuôn ra: Tại sao không đặc cách cho một thí sinh có tấm lòng cao thượng vào trường y? Thiếu 0,25 điểm đâu phải to tát để đánh rớt một thí sinh có đạo đức tốt? Điểm ưu tiên vùng miền còn cao hơn, vì sao thiếu 0,25 điểm lại tước mất cơ hội cho một nhân cách tốt làm bác sĩ? Đặc cách cho Hiếu đâu có bất công với thí sinh khác?... Với ngần ấy lý lẽ, dư luận yêu cầu Trường ĐH Y Hà Nội và Bộ GD-ĐT nên xem xét đặc cách cho Hiếu vào ĐH Y Hà Nội.

Đúng, đặc cách cho Hiếu vào Trường ĐH Y Hà Nội không hề tước đi cơ hội của thí sinh khác, chỉ bất công…với Hiếu, tước đi cơ hội được sống đúng với năng lực của em. Tôi đồ rằng, hơn ai hết, Hiếu không muốn và cũng không cần cậy vào tình bạn đẹp, tận dụng sự ngưỡng mộ của mọi người để biến nó thành cơ hội nhận "tấm vé vớt" cho bản thân.

Tấm lòng của Hiếu, hành động của Hiếu đối với cậu bạn thân Nguyễn Tất Minh suốt 10 năm ròng là thứ tình cảm trong sáng xuất phát tận đáy lòng, không hề có chút toan tính lợi ích. Tại sao chúng ta lại muốn biến nó thành thứ cơ hội tranh thủ tủn mủn, nhỏ nhen và vị kỷ?

Muốn đặc cách cho Hiếu, không khó! Nhưng nếu thật sự đặc cách cho Hiếu vì câu chuyện 10 năm cõng bạn, tôi cho rằng người lớn chúng ta đang bóp méo tình bạn thuần khiết của hai người trẻ, đặc biệt là với Hiếu. Chúng ta hãy nhìn vào chính bản thân Hiếu, một nam sinh có thể cõng bạn đi học suốt 10 năm trời, là một học sinh giỏi ở trường, đồng thời điểm thi cũng “đỉnh” không kém với ba môn đạt 9,4; 9,75 và 9 điểm, thì sự bản lĩnh của Hiếu đâu chỉ vì không đậu nguyện vọng một mà lung lay, tương lai của Hiếu đâu chỉ vì thiếu 0,25 điểm mà không thể trở thành bác sĩ tốt.

Đó là chưa kể, xét đặc cách Hiếu với lý do gì? Vì lòng tốt, nghĩa cử cao đẹp? Xét tuyển đại học cũng là một sân chơi mà ở đó có luật chơi của nó. Hiếu, bạn, hay tôi, một khi chấp nhận bước ra sàn đấu đều phải tuân thủ luật chung.

Quy chế xét tuyển ngay từ đầu đã quy định tất cả các tiêu chí tuyển sinh đều phải được công khai trước ngày thí sinh đăng ký nguyện vọng. Và trong các tiêu chí đã được công khai hoàn toàn không có tiêu chí cộng điểm cho thí sinh có hành động đẹp hay đặc cách cho trường hợp tương tự.

Cứ cho rằng đây là khiếm khuyết của tiêu chí xét tuyển, nhưng muốn điều chỉnh hãy điều chỉnh một cách nghiêm túc, công khai để công bằng cho tất cả. Hơn nữa, sự công bằng trong thi cử đối với người trẻ không chỉ là chuyện điểm số, đậu rớt, mà đó còn là bài học cho sự công bằng xã hội sau này.

Quy chế vốn là luật chung để vận hành xét tuyển, không thể tạo nên luật riêng cho bất kỳ cá nhân nào, đó là một tiền lệ xấu tạo nên sự bất ổn lâu dài về sau.

Khi được trao câu chuyện đặc cách, Hiếu khẳng khái nói: “Nếu được đặc cách, em cũng xin từ chối. Em không muốn đánh đổi tình bạn và sự nổi tiếng để xin đặc cách vào trường ĐH Y Hà Nội. Em từng kỳ vọng đậu nguyện vọng 1 nhưng mục tiêu cuối cùng là trở thành bác sĩ chứ không nhất thiết học trường nào!”.

Đó không phải là sự khiêm tốn sáo rỗng, mà là bản lĩnh của một thanh niên 18 tuổi có tình cảm, năng lực, chính kiến và đầy sự tự tin. Không vào ĐH Y Hà Nội, em vẫn có thể học và trở thành bác sĩ giỏi ở một ngôi trường tốt.

Người ngoài cuộc chúng ta có ngưỡng mộ, có tiếc nuối cũng không nên chen sâu vào bắt em ấy đi bằng con đường hưởng đặc quyền ưu tiên trong khi em thừa sức đi bằng sự nỗ lực và chính thực lực của bản thân.

Gia Tuệ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Đặng Kham 10-10-2020 09:44:18

    “ Nếu được đặc cách em cũng xin từ chối...”
    Rất ngưỡng mộ đức tính liêm chính của Hiếu. Hy vọng sau này em sẽ giữ một chức vụ quan trọng trong ngành y tế.

  • Hai 08-10-2020 05:11:31

    Đồng tình với tinh thần bài viết, chỉ có một điểm: "... đành ngậm ngùi với "ưu tiên phụ" vào ĐH Y Dược Thái Bình", dễ bị người đọc hiểu nhầm, theo tôi, nên là "... đành ngậm ngùi với "nguyện vọng 2" vào ĐH Y Dược Thái Bình". Mặc khác, trong trường hợp cụ thể này, được hay không được đặc cách đều không sai, cách nào em Hiếu cũng xứng đáng được nhận cả!

  • Thư Vân 07-10-2020 19:53:21

    Tôi cũng nghĩ như tác giả bài viết này. Rõ ràng là thiếu 0,25 đ thì quá tiếc cho một học sinh đầy năng lực nhưng để vào trường với ý nghĩ Hiếu được nhận vào trường vì nghĩa cử cõng bạn một chặng đường dài thì còn tiếc hơn nữa. Chắc chắn sự ưu tiên ấy còn khiến lòng tự trọng của Hiếu tổn thương hơn nữa ! Những điều em làm cho bạn đẹp thế cơ mà và em hoàn toàn có thể thành công bằng chính năng lực của mình !

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI