Những buổi chiều khi dắt con ra công viên, tôi gặp không ít người tất tả chạy theo canh cháu, đút cơm, đút nước cho cháu... Có người là bà nội, bà ngoại, hoặc cô giúp việc... tôi không thể phân biệt được. Nhưng, điểm chung mà tôi có thể nhìn thấy là nỗi lo canh cánh toát ra từ bên trong khóe mắt chớm nhăn. Tôi đoán là sẽ nhăn nhanh thôi, với cảnh tất tả chạy theo cháu, theo con.
Suy nghĩ, suy diễn và trò chuyện với nhiều người, trong đó có cả người thân trong gia đình, tôi nhận ra một số lý do như sau:
Thứ nhất, con trai, con dâu, con rể không có thời gian chăm con của mình, và dĩ nhiên, người mà các anh chị tin tưởng nhất là ông nội bà nội, hoặc ông ngoại bà ngoại. Trong cơ quan của tôi, có nhiều nữ đồng nghiệp quê ở tận Phú Yên, Nha Trang hoặc Cà Mau... đều rước bà ngoại/bà nội vào thành phố để phụ trông cháu.
|
Nếu chúng ta mệt, thì người lớn tuổi còn mệt gấp nhiều lần hơn. Ảnh minh họa |
Một lần ghé thăm cô em gái lập gia đình và thuê nhà trọ ở Bình Thạnh. Cô ấy vừa sinh con, mẹ ruột vào để trợ giúp trong vài tháng đầu đơn chiếc. Bà mẹ trẻ bế con một tay, một tay quạt phần phật cho đỡ oi nóng, bà ngoại thì lui cui dưới bếp nấu cháo cho con gái, bà tuôn một tràn như muốn nói mà chưa trút được với ai: thành phố sao chật chội, ngột ngạt lại ồn ào, bà chẳng ngủ được. Nhà cửa vườn tược ở quê có mỗi ông ở nhà, lo làm sao nổi... mà giờ không vào đây phụ con gái thì bà cũng không an lòng...
Lý do thứ hai khiến U50 sợ trông cháu là bất đồng trong gia đình về cách nuôi trẻ. Một người cô ruột của tôi cũng giận dỗi muốn bỏ nhà đi, rồi chóng mặt mấy phen vì trầm cảm, mà nguyên nhân chính yếu cũng là do... trông cháu nội. Con trai và con dâu của cô là nhân viên nhà nước, thời gian làm việc khá khắt khe nên khi cháu nội cô được hơn 5 tháng, cô đã phải nghỉ hưu non đề ở nhà trông cháu.
|
Công việc của ông bà chỉ là chơi với cháu. Ảnh minh họa |
Thời gian đầu, cô tôi - người lần đầu tiên làm bà nội đã rất phấn khởi, nhưng sức khỏe đã "lên tiếng", cô thường xuyên đau đầu vì cháu nội quấy khóc, con dâu lại vụng về. Những đêm cháu sốt là cô thức trắng đêm, và y như rằng hôm sau hai bà cháu tranh nhau bệnh nặng thêm. Vợ chồng con trai cô muốn chăm con theo kiểu hiện đại: không thuốc kháng sinh, không hát ru hay ẵm bồng... Cô thì lại nuôi cháu theo kinh nghiệm: bệnh thì chữa ngay bằng thuốc, ra đường quấn khăn kín từ cổ đến chân, ru cháu bằng võng...
Không ít lần mẹ chồng nàng dâu xích mích, con trai thì lại có ý bênh vợ khiến cô tuổi thân, mấy lần đòi bỏ nhà đi. Khi cháu đầu lòng 3 tuổi, con dâu cô lại mang thai. Khi nghe tin, cô nói cô mất ăn mất ngủ mấy ngày vì căng thẳng, không biết mình có gánh gồng nổi thêm vài năm nuôi đứa cháu khác nữa hay không...
Đó chỉ là một vài cảnh ngộ của các bà nội, bà ngoại rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, không dang tay ra cưu mang thì không được. Quả thật, cuộc sống là một guồng mưu sinh hối hả, khiến cho các ông bố, bà mẹ trẻ không thể cắt xén thời gian để lo cho con. Xã hội lại tồn tại những diễn biến an ninh phức tạp như trộm cướp, bắt cóc, nạn ấu dâm, hành hạ trẻ em... thì lẽ dĩ nhiên, ông bà nội ngoại là trợ thủ tin cẩn nhất.
Tuy nhiên, khi nhìn ngược lại. Những ông bà nội, bà ngoại U50, U60 vẫn trong độ tuổi làm việc, nếu không làm việc thì là khoảng thời gian sức khỏe còn cho phép ông bà được hưởng thu cuộc sống sau quá nhiều năm dành hết cho con, cho gia đình... thì phải chăng việc tiếp tục gánh cháu trên vai là bất công với ông bà?
|
Hãy dừng lại ở niềm vui chăm cháu của ông bà, đừng để ông bà rơi vào trầm cảm. Ảnh minh họa |
Nếu, ông bà chỉ đơn thuần là người trợ giúp, vui chơi cùng cháu thì lại là chuyện khác. Vấn đề ở đây là sự trợ giúp đã bị biến dạng thành "người nuôi trẻ, người giúp việc không công". Đôi khi, họ còn phải chen chân vào đất thành phố ngột ngạt để "làm ông, làm bà". Khi những người trẻ bận rộn, thì người già cũng đã và đang tiếp tục bận rộn gấp 3 lần người trẻ bây giờ.
Vì vậy, nếu không phải bất đắc dĩ, tôi vẫn hy vọng những ông bố, bà mẹ trẻ đừng vì cụm từ "gầy dựng cơ đồ" mà sinh con ra rồi phó thác hết cho ba mẹ của mình. Tôi cũng là mẹ, tôi cũng từng trăn trở về khoản chăm con, nhưng tôi đã cắt hết mọi khoản "ngoài giờ" để có thể ở bên con, dạy con ăn, dạy con ngủ. Sự nghiệp có thể lẹt đẹt theo sau bè bạn cùng trang lứa, nhưng điều đó thì làm sao quan trọng bằng sức khỏe và tình cảm giữa những người trong gia đình?!
Nếu bạn còn đắn đo về những điều tôi nói, hãy đến công viên vào những buổi chiều, hoặc âm thầm nhìn mẹ mình chăm sóc con mình suốt cả ngày qua khung cửa sổ, có lẽ bạn sẽ hiểu, vì bạn vừa là con, vừa làm bố, làm mẹ.
Minh Anh