Một trò chơi rèn luyện tính cách khéo léo làm việc theo nhóm của các em tham gia Học kỳ IQ-EQ tại Trung tâm ATY - Ảnh: ATY
Mùa hè = mùa củng cố kiến thức?
Đến dự Hội thảo Chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 được tổ chức cuối tuần qua, đông đảo phụ huynh (PH) đã dắt con theo để kiểm tra khả năng toán học. Chị Hải Như - một PH - tiết lộ kế hoạch của mình dành cho đứa con đang học lớp 3 là: “Hè này tôi cho cháu tham gia khóa tiếng Anh hè tại SEAMEO. Chiều tối học lớp toán tư duy Mathnasium. Ngoài ra, cháu vẫn học đàn tuần hai buổi tối. Tôi còn dự định cho cháu học bơi tại CLB Yết Kiêu. Đọc báo, thấy trẻ con chết đuối nhiều quá mình cũng lo!”. Nói chuyện về con hồi lâu, chị bảo: “Chưa nghe nhà trường phổ biến kế hoạch học hè. Nếu trường không dạy hè thì tôi cũng sắp xếp cho con đến học nhà cô. Sợ nhất là vào năm học con mình không theo kịp chúng bạn”.
Dù đã thi cuối năm xong, nhưng hàng ngày cháu Bảo Việt, Q.9, vẫn khổ với chuyện học. “Sao không bảo mẹ cho nghỉ hè?” - tôi hỏi. Cháu nhìn tôi lấm lét, còn chị Kim Ngân, mẹ cháu phật ý: “Chú cứ bắc thang cho cháu nó leo. Năm nay tôi chỉ cho nghỉ đi Đà Lạt ba ngày vào đầu tháng Chín. Còn lại thì phải tranh thủ học để tự tin mà vào lớp 5”.
Dù mùa hè chưa đến, nhưng những kế hoạch hè đầy “tham vọng” như thế đã hiện diện sẵn ở nhiều bậc PH, bất chấp điều kiện sức khỏe, khả năng tiếp thu và mong muốn của con. Họ dường như không “cảm” được nỗi khổ của con khi phải gắng sức học hành triền miên.
Cô Nguyễn Thị Kim Ân - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5) cho biết: năm học chưa kết thúc nhưng nhiều PH HS khối lớp 4, lớp 5 đã đưa con học thêm hè ở các trung tâm luyện thi ở Q.1. Các PH này đều mong con thi đậu vào Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, hoặc chí ít là vào các trường “điểm” khác. Ai cũng có quyền kỳ vọng vào tương lai con cái, nhưng kỳ vọng đến mức gây áp lực quá sức cho con thì chẳng khác nào hại con. Các nhà tâm lý khuyến cáo: khi cha mẹ đặt ra những ước mơ quá tầm, trẻ gắng sức mà vẫn không vươn tới, lại bị rầy la…, sẽ dễ rơi vào trạng thái hụt hẫng, suy nghĩ và hành động nông nổi.
Cha mẹ hãy tìm cách gỡ bỏ bớt áp lực cho con. Khả năng của mỗi đứa trẻ là khác nhau, cha mẹ không nên ép con mình phải “bằng chị bằng em”. Tiến sĩ Trần Thị Lan Hương - một chuyên viên tâm lý trẻ em, khuyên: “Cha mẹ đừng bao giờ so sánh con mình với những đứa trẻ khác mà hãy giúp trẻ trở thành chính mình”.
Nhiều chuyên gia tâm lý và giáo dục cũng nhìn nhận: điểm số mà con trẻ đạt được ở trường chỉ là tương đối, không đánh giá được hết thực lực của trẻ. Thực tế nhiều năm theo nghề dạy học, cô Kim Ân quả quyết: Những HS học giỏi ở tiểu học, thậm chí là HS giỏi trong suốt những năm phổ thông, thủ khoa ĐH và là sinh viên giỏi... cũng chưa hẳn đã là những người thành công khi vào đời. Khi vùi đầu vào việc học, HS sẽ đạt điểm cao nhưng lại thiếu đi sự nhạy bén với cuộc sống - một nhân tố quan trọng để thành công.
Học sinh tham gia lễ hội bột màu và huấn luyện trên biển với moon walk và những thiết bị huấn luyện mới tại Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á - Thái Bình Dương
Hãy để con mình là “đứa trẻ may mắn”
Đón chào mùa hè, thế giới bên ngoài lớp học có biết bao hoạt động phong phú, bổ ích. Lắng nghe nỗi lòng con trẻ “xin đừng bắt con học hè”, Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3 chủ trương không mở lớp dạy chữ mà quan niệm “dạy những điều khác biệt ngoài nhà trường”. Đầu tháng Sáu này, trường sẽ khai giảng lớp phát triển năng khiếu, kỹ năng sống với những hoạt động thiết thực. Buổi sáng, trẻ sẽ được học cầu lông, bóng rổ, võ thuật, cờ vua…; buổi chiều, các em có thể tham gia những kỹ năng tự phục vụ, học cách sắp xếp quần áo, đồ dùng, kỹ năng giao tiếp với người lạ, nhận biết kẻ xấu, cách xử lý tình huống khi “ở nhà một mình”, cách chế biến món ăn đơn giản…
Những đứa trẻ được đắm mình vào thế giới tuổi thơ được coi là may mắn khi cha mẹ quan tâm đến nhu cầu “nghỉ xả hơi” của con. “Thời gian hè, PH nên cho con tham gia các khóa học kỹ năng sống để các em được thư giãn, vừa chơi mà vẫn được học. Học một cách thoải mái, thích thú và thực tế đã chứng minh là sau những giờ học được trải nghiệm cuộc sống mới với các khóa kỹ năng sống, HS đã có nhiều thay đổi trong suy nghĩ, cách sống”, bà Trần Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam nhận định.
Truyền thông vẫn “kêu” là trẻ đang gánh áp lực học tập kiến thức sách vở quá lớn trong khi lại thiếu trầm trọng những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Năm nay, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam đa dạng hóa các lớp kỹ năng sống để đáp ứng nhu cầu cho con học dài ngày, ngắn ngày hoặc những buổi học theo dạng chuyên đề như chương trình mới Ba giờ khác biệt dành cho HS 9-16 tuổi đang ở giai đoạn thay đổi tâm sinh lý.
Tuy nhiên, không phải cứ tham gia vào các khóa huấn luyện thì lập tức “đá” sẽ hóa “vàng”. Thị trường dạy kỹ năng sống đang nở rộ, PH cần thận trọng lựa chọn một chương trình chất lượng và phù hợp để gửi con. Ông Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cao cấp Trung tâm đào tạo tài năng trẻ châu Á - Thái Bình Dương cho rằng: Không phải học kỹ năng sống là chiếc đũa thần, kể cả chương trình học kỳ quân đội cũng không thể “hô biến” từ “không” thành “có”. Nhiều PH ngộ nhận cứ nghĩ đăng ký cho con học xong chương trình này thì con sẽ thay đổi, biết tự lập, biết yêu thương... Một tuần, một tháng không thể thay đổi hoàn toàn nhận thức của các em. Nếu sau khóa học trở về, PH vẫn tiếp tục chiều chuộng, chăm sóc và bảo bọc quá đáng thì đâu cũng vào đấy. Vì vậy, việc học kỹ năng sống là một quá trình liên tục, không phải chỉ là phong trào học vài bữa rồi thôi.
Minh Nhật - Tiêu Hà