Đừng bắt con 'chín ép'

07/12/2018 - 08:59

PNO - Lớp Một nói riêng và cả chặng đường học tập của trẻ nói chung không phải là cuộc đua giữa các bé mà là chặng đường khám phá thế giới, khám phá bản thân và vượt qua những giới hạn của bản thân.

Chưa bao giờ vấn đề “giáo dục sớm” cho con trẻ lại thu hút sự quan tâm đặc biệt từ phụ huynh như hiện nay. Tuy nhiên, vì quá lo nhưng lại chưa hiểu đúng về giáo dục sớm nên đã xảy ra nhiều bất cập, nhất là đối với những phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp Một. 

Tôi đã nghe không biết bao lần những băn khoăn của phụ huynh: có nên giáo dục sớm cho con? Có phải giáo dục sớm là phải dạy chữ, dạy đọc, dạy viết cho con trước khi vào lớp Một? Hình như tôi đã sai khi không cho con học chữ trước, khiến con rất khó khăn để theo kịp các bạn?

Dung bat con 'chin ep'
Cần cho trẻ độ tuổi mẫu giáo tiếp xúc với chữ viết, phép toán thông qua những trò chơi có tính tương tác làm tăng hứng thú

Giáo dục sớm thật ra là phương thức áp dụng cho trẻ từ trong bào thai đến sáu tuổi nhằm phát huy những tố chất tốt đẹp, xây dựng nên tính cách, làm cơ sở cho sự phát triển con người sau này, dựa trên khả năng nhận biết vô tận của não trẻ em trong giai đoạn này.

Trọng tâm là làm phong phú đời sống tinh thần, xây dựng môi trường trí tuệ, môi trường thẩm mỹ - vận động phù hợp với trẻ, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc nhận biết mặt chữ và tính toán. Những nội dung cơ bản của giáo dục sớm là xây dựng cơ thể khỏe mạnh thông qua việc khuyến khích trẻ vận động khám phá, hình thành thói quen tốt qua việc rèn luyện hành vi hằng ngày, phát triển kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng tính toán, đồng thời xây dựng lòng đam mê và có tình yêu với những điều tốt đẹp. 

Tôi nhận thấy có hai nhóm phụ huynh: nhóm thứ nhất không cho con học chữ sớm vì muốn con được phát triển một cách tự do, đầy đủ nhất hoặc sợ con có tâm lý nhàm chán khi đến lớp. Nhóm thứ hai nghĩ rằng, nên dạy con biết chữ sớm và dùng sách giáo khoa lớp Một để dạy trẻ, cố tập cho con đọc thông viết thạo, buộc trẻ phải tập trung ngồi gò chữ, thuộc bảng cửu chương…

Bất cập của nhóm đầu là cha mẹ đã bỏ qua giai đoạn vàng trong sự phát triển của trẻ, từ đó khiến trẻ gặp khó khăn và trở ngại khi bước vào lớp Một, bởi mọi thứ đều mới mẻ, khiến con khó thích nghi. Nhóm thứ hai đã sai lầm khi đem chương trình và những yêu cầu của lớp Một áp dụng cho lứa tuổi mẫu giáo. Làm như vậy, khi vào lớp Một, học lại quyển sách ấy, cùng ngữ liệu ấy, sao các em không chán? 

Giáo dục sớm cho trẻ là điều rất nên làm. Nhưng làm như thế nào? Riêng việc cho bé nhận biết mặt chữ và làm quen với các phép toán, có những nguyên tắc mà phụ huynh cần biết để tránh cho con rơi vào tình trạng “chín ép”. Điều này chắc chắn không mang lại kết quả tốt đẹp.

Nguyên tắc đầu tiên là phụ huynh đừng đem sách giáo khoa hay bất kỳ ngữ liệu nào bé sẽ học trong chương trình lớp Một để nhồi nhét cho trẻ mẫu giáo. Hành động này có thể gây ra những tổn thương lâu dài mà chúng ta không ngờ tới, chưa kể phải học đi học lại những quyển sách đã cũ gây cảm giác nhàm chán. Việc đến trường với các em sẽ không còn hứng thú. 

Thứ hai, mọi thứ xung quanh với trẻ nhỏ hơn sáu tuổi đều thú vị và hấp dẫn. Hãy cho trẻ tiếp xúc với chữ viết, phép toán thông qua những trò chơi có tính tương tác làm tăng hứng thú. Không nên bắt trẻ ngồi cả tiếng để đọc hay viết cả trang giấy, rèn nét thanh nét đậm, bởi làm như vậy, chúng ta sẽ tạo cho trẻ tâm lý sợ học. 

Các bậc phụ huynh tuyệt đối phải bỏ suy nghĩ “tôi phải cho bé học trước để mai mốt bé học kịp các bạn”. Đừng cố để làm sao “con mình bằng con nhà người ta”. Phụ huynh phải hiểu rằng, lớp Một nói riêng và cả chặng đường học tập của trẻ nói chung không phải là cuộc đua giữa các bé mà là chặng đường khám phá thế giới, khám phá bản thân và vượt qua những giới hạn của bản thân. Có như thế, giáo dục sớm mới tạo nền tảng cho trẻ bước vào thế giới tri thức và những điều kỳ diệu. 

Phạm Hồ Hoàng Điệp
(giáo viên tiểu học Trường Quốc tế Canada)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI