Từ một con nghiện phá gia chi tử, lang bạt, trộm cắp, cai rồi tái, tái rồi cai không biết bao nhiêu lần, Lê Trung Tuấn đã lội ngược dòng đầy ngoạn mục.
Không chỉ đoạn tuyệt với ma túy, anh Lê Trung Tuấn còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người, đặc biệt là con em các gia đình chính sách và người cai nghiện.
Anh sáng lập và điều hành Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy và bước đầu hình thành Bảo tàng Ma túy… Anh làm tất cả để người ta tránh xa ma túy - đó là cách anh trả nợ cuộc đời.
|
Anh Lê Trung Tuấn kết hợp với Trung tâm Giáo dục - Lao động Xã hội Phú Thọ tổ chức giao lưu và chia sẻ kỹ năng chống tái nghiện |
Hành trình cai nghiện đầy nước mắt
Lê Trung Tuấn (sinh năm 1977) từng nghiện đến độ người vợ đầu phải dứt áo ra đi vì không chịu được những lần “nghiện lại cai, cai lại nghiện” của chồng. Khi đã cai nghiện thành công hơn mười năm, người vợ sau của anh đi chợ, người ngoài vẫn ái ngại hỏi: “Tuấn đã hết nghiện thật chưa?”.
Tuấn là con nhà gia giáo, lớn lên ở thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam từng là nỗi ám ảnh của bà con trong vùng. Bố là sĩ quan quân đội, mẹ làm ở bệnh viện huyện, Tuấn được xếp vào hàng “công tử”. Nhưng Tuấn sa chân vào ma túy khi là chàng sinh viên trường cao đẳng Quản trị Kinh doanh (nay là Trường đại học Tài chính).
Tuấn tìm mọi cách moi tiền của bố mẹ để đổ vào những cuộc hút hít. Rồi Tuấn bỏ học, đi lang thang, nhập đám lưu manh, du thủ du thực kiếm tiền bằng trộm cắp, lừa lọc.
Bố mẹ gửi Tuấn lên rừng sống với cậu ruột để tránh xa bạn nghiện, nhưng suốt hai năm người cậu quản lý, giám sát, Tuấn vẫn nghiện. Về lại quê, Tuấn cũng quyết tâm cai, tự xích chân, bập khóa, vứt chìa… Cơn nghiện hành, Tuấn phá khóa, lê cả sợi xích ở chân đi tìm thuốc.
Tuấn lại trốn nhà, đi theo dân giang hồ hành nghề móc túi, xin đểu… dù lần nào thỏa cơn nghiện xong, nghĩ lại những hành vi của mình, Tuấn đều khóc. Một lần đi ngang trường tiểu học, thấy cháu bé lớp Ba đeo sợi dây chuyền trên cổ, Tuấn nghĩ ngay đến việc trấn lột.
“Khi tôi gí dao vào cổ đứa bé, mắt cháu nhìn tôi đầy hoảng hốt, sợ hãi. Tôi nhớ đến đứa cháu mình cũng bằng tuổi ấy, nhớ đôi mắt trong trẻo của nó và không thể xuống tay” - Tuấn kể về nỗi ám ảnh là một trong những động lực cho anh cai nghiện.
Thêm nhiều lần quyết tâm cai đến mức có lần tự vẫn để chấm dứt cái thân tàn ma dại, cuối cùng, Tuấn cũng từ bỏ được ma túy.
Đàn vịt trôi sông và tấm lòng ông bố vợ
Tuấn về quê rồi nên duyên với “cháu Bằng” (bố chị Bằng học cùng lớp với chị gái Tuấn). Vốn lập nghiệp của vợ chồng vỏn vẹn 600.000 đồng, là tiền công lao động Tuấn mang về từ Trung tâm cai nghiện ma túy. Tuấn sửa chữa xe máy, mua bán trao đổi xe máy cũ.
Khi có thêm vốn, vợ chồng dốc hết để đầu tư nuôi vịt. Đàn vịt của vợ chồng Tuấn có thời điểm lên đến năm ngàn con, nhiều hôm bảy xe tải nối đuôi nhau vào cân vịt, mang đi bán khắp các tỉnh. Tuấn thuê một đội quân chăn vịt, nuôi cơm ăn, trả lương tháng.
Rồi vợ chồng gom góp mua một cái xe ô tô tải cũ để vừa đi chăn vịt, vừa chở cám bã, thức ăn cho đàn vịt đông đúc của mình.
|
Một số hình ảnh, hiện vật được trưng bày trong Bảo tàng Ma túy |
Nghe người ta mách nước, Tuấn mang vịt ra các đầm bãi hoang ven sông Hồng thả cho chúng mò tôm cá, ăn giun dế, cỏ rác ven sông để đỡ tốn tiền mua cám. Sau trận mưa to gió lớn, vợ chồng đi kiểm tra đàn vịt thì tá hỏa, mấy ngàn con giờ đã đi đâu mất quá nửa.
Hóa ra, vịt hoang mà người dân bắt được là vịt nhà của vợ chồng Tuấn. Mưa lớn, nước sông dâng cao, đàn vịt cứ thế theo dòng nước mà xuôi về tận Thái Bình.
Mất vịt, tiếc của, Tuấn ủ dột cả tuần. Vợ anh nén nước mắt động viên chồng: “Anh từng đánh mất cả cuộc sống, cả danh dự của mình vì ma túy, em còn không buồn. Cả làng cả nước không ai tin anh, em vẫn tin anh. Anh đã quên được ma túy rồi. Đó là thành quả lớn nhất, niềm vui lớn nhất rồi. Sao phải buồn tiếc mãi mấy con vịt nhỉ…”.
Thấy chồng vẫn buồn, vợ Bằng cáu: “Anh thích thì em bảo bố mẹ em bán nhà cho anh làm vốn kinh doanh”.
Tưởng vợ nói khơi khơi để động viên chồng, chẳng ngờ bố vợ quyết định bán nhà thật. Ngôi nhà là toàn bộ gia sản, là mảnh đất hương hỏa mấy đời; là nơi gia đình bố vợ Tuấn đang sinh sống.
Quyết tâm cứu người lầm lạc
Sau mười năm hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực du lịch, vận chuyển… Hiện tại anh Tuấn điều hành tám công ty và hằng năm trích từ 35-50% lợi nhuận cho việc nghiên cứu phương pháp phòng chống và các hoạt động phòng chống ma túy.
Tám năm trước, Tuấn đã bắt đầu hành trình đi khắp các trại cai nghiện, trại tạm giam để giới thiệu Nẻo về - cuốn tự truyện được nhà báo Đỗ Doãn Hoàng hiệu chỉnh. Anh hy vọng, việc kể lại một cách chân thực nhất hành trình sa ngã và sáu năm chiến đấu với chính mình để hoàn lương sẽ phần nào giúp những người lầm lạc hướng về nẻo thiện.
Trước đó mấy năm, nhờ có sự ủng hộ hết mình của vợ, anh đã đổ lợi nhuận kinh doanh của gia đình vào việc nghiên cứu tâm lý người nghiện, quyết đi đến tận cùng để tìm lý do vì sao hầu hết những người cai nghiện đều tái nghiện.
Thành quả của công trình nghiên cứu ba năm ấy, không phải là một tiến sĩ danh dự Lê Trung Tuấn, mà hơn hết, là sự ra đời của Viện Nghiên cứu và hỗ trợ cai nghiện cho người nghiện (PSD). Lê Trung Tuấn còn lập Bảo tàng Ma túy tại huyện Ba Vì, TP.Hà Nội.
Anh cho biết đã sưu tầm được khoảng 5.000 hiện vật đến từ 40 quốc gia, tất cả đều liên quan đến ma túy, với đủ loại, từ việc các công cụ sử dụng ma túy, đến việc trồng trọt, thu hái, chế biến các loại ma túy rồi nhiều tài liệu về các thủ đoạn, cung đường, các ông trùm buôn bán ma túy đến việc xét xử các “đại án ma túy”…
Đó sẽ là “biên niên sử” về việc sử dụng ma túy cũng như tác hại đáng sợ của ma túy.
|
Một vật dụng tại Bảo tàng Ma tuý |
Anh tiết lộ: Bảo tàng Ma túy - Khu trưng bày tác hại của ma túy và đào tạo kỹ năng phòng chống ma túy của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy đã được xin ý kiến chuyển về Hà Nội để xây dựng.
Khi Khu trưng bày và đào tạo kỹ năng phòng chống ma túy này hoàn thành, thế hệ trẻ sẽ được “học” một cách bài bản nhất, để kiến thức tiếp nhận được như một liều vắc-xin phòng chống ma túy.
Khi lập PSD, không ít người nói Lê Trung Tuấn điên. Bởi không ai tin anh có đủ điều kiện để làm việc vừa phòng ngừa, nghiên cứu và cai nghiện cho cộng đồng như thế.
Nhưng với Tuấn, bằng tâm thế của người đã đi qua những năm nghiện ngập đằng đẵng và tột cùng đau khổ, hiểu những gì người nghiện đã và đang trải qua, cũng như thực tế tàn khốc của vấn nạn ma túy hiện nay, anh càng quyết tâm làm.
Ngọc Minh Tâm