Tiến sĩ Hoàng Mai Khanh, Trưởng khoa Giáo dục Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM, mở đầu cuộc trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM như vậy về tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra hết sức đau lòng hiện nay.
Phóng viên: Những vụ bạo lực của giáo viên (GV) với học sinh (HS) đang ngày càng nhiều với mức độ khó có thể chấp nhận được. Tiến sĩ có thể giải thích hiện tượng này?
Tiến sĩ Hoàng Mai Khanh: Tôi nghĩ GV thiếu hẳn hệ thống nền tảng về giáo dục, chưa được trang bị đầy đủ những phương pháp về cách tổ chức, quản lý lớp học cho đến giáo dục nhân cách HS.
Nếu theo mục tiêu tạo ra những con người mà giáo dục phổ thông đang hướng đến, GV sẽ có cách cư xử khác với những HS có hành vi chưa phù hợp. Chúng ta chủ yếu tập trung vào việc “đánh” hành vi không phù hợp mà không nghĩ đến việc phát triển môi trường để thay đổi hành vi đó.
|
Tiến sĩ Hoàng Mai Khanh, Trưởng khoa Giáo dục Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM |
Nhiều nghiên cứu cho thấy, thay vì chú trọng vào lỗi lầm, ta hãy khuyến khích trẻ nhìn thấy điểm tích cực nơi mình. Khi điểm mạnh được khuyến khích phát huy, dần dà điểm chưa tốt sẽ bị thay thế. Hiện tại, ngay cả nhà trường chứ không phải chỉ GV chúng ta vẫn chú tâm vào việc tìm ra, nhìn ra những lỗi của HS, từ đó dẫn đến những cách ứng xử không hay.
* Theo tiến sĩ, có thể bồi dưỡng cái đang thiếu đó cho GV? Chuyện một HS còn nói bậy, chửi thề có phải là điều ghê gớm?
- Tôi nghĩ là cả ngành giáo dục cũng đang thiếu. Tôi đã tham gia rất nhiều cuộc tập huấn, nhưng nội dung hầu hết không đi từ nền tảng. Phương pháp, cách thức chúng ta đã và đang làm vẫn là đi từ phần ngọn. Ví dụ, khi thay đổi cách đánh giá HS từ chấm điểm sang lời phê thì GV chỉ được tập huấn cách phê như thế nào, trong khi nền tảng cần thiết là làm sao để giúp HS học theo cách như vậy thì chưa có.
Ở đây, tôi muốn nhắc đến một vấn đề liên quan đến xã hội học. Đó là khía cạnh tiểu văn hóa trong một nhóm văn hóa. Văn hóa gia đình - nơi HS đang sống và văn hóa nhà trường vẫn có một khoảng cách. Môi trường sống mà mở miệng ra những ngôn từ không hay thì chuyện một đứa trẻ nói tục là bình thường, không phải lỗi ở nó.
Cô giáo ở tỉnh Long An vừa bị đình chỉ công tác 15 ngày để xem xét kỷ luật vì đánh học sinh khuyết tật lớp Một bầm tím nhiều chỗ
|
Tuy nhiên, điều đó không được chấp nhận trong văn hóa nhà trường. Cách ứng xử của nhà trường, GV là cho các em nhìn thấy một văn hóa khác và thu hẹp khoảng cách của hai tiểu văn hóa đó bằng cách giúp các em điều chỉnh hành vi của mình. Đừng tự đặt ra những nội quy bắt HS phải tuân thủ mà không cho chúng nhìn thấy mình trong đó. Hãy cộng tác để trẻ cùng tham gia trong việc đặt ra mục đích cho chính mình. Khi đó, các em sẽ chấp nhận những tiêu chí, tiêu chuẩn để chính mình đạt được mục đích.
Còn với nội quy và hình phạt như hiện nay, không thể có chuyện chúng ta dạy được những đứa trẻ phát triển tự do mà chỉ có những đứa trẻ chỉ biết tuân thủ vì sợ sệt. Mà cái sợ đó cũng chỉ nhất thời nên mục tiêu giáo dục từ ban đầu cũng không đạt được. Phải để tự do của HS gắn với trách nhiệm. Khi HS tự do chọn lựa, các em sẽ thấy trách nhiệm của việc lựa chọn đó.
* Hiện nước ta có khoảng mười trường đại học sư phạm và các viện quản lý - nghiên cứu về giáo dục (chưa kể các khoa sư phạm - giáo dục thuộc trường đại học). Đề tài nghiên cứu khoa học mỗi năm ở các trường này phải lên đến hàng trăm, nhưng có vẻ người ta ngại đụng đến những vấn đề dạy HS làm người với các đức tính nhân văn, trung thực, có chính kiến độc lập?
- Không phải người ta ngại đụng đến vấn đề này, bởi những đề tài về quản lý hoạt động giáo dục và giáo dục đạo đức vẫn được trao đổi rất nhiều và cũng đưa ra được những vấn đề cần giải quyết.
Tuy nhiên, một thực tế là những nghiên cứu đó được đưa ra bàn bạc xong thì cất vào tủ mà không được áp dụng, vì vướng phải nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế. Kế đến, những nghiên cứu cũng chưa đi đến tận cùng khi đề ra giải pháp nhưng giải pháp có áp dụng được không thì không thấy bàn đến. Nói cách khác, những nghiên cứu để triển khai giải pháp chưa có. Nguyên nhân của vấn đề này, nhìn nhận một cách thực tế, vì nền giáo dục của chúng ta hiện nay vẫn thiếu lực lượng có khả năng nghiên cứu.
* Tiến sĩ đánh giá thế nào về việc giáo dục đạo đức trong trường phổ thông hiện nay?
- Bản thân môn học này cũng có vấn đề. Chương trình giáo dục đạo đức trong trường phổ thông vẫn đang thực hiện một cách chắp vá bởi những hoạt động rời rạc và hình thức. Nó đòi hỏi sự thống nhất từ môi trường giáo dục. Không thể lời nói như thế này nhưng hành động lại khác. Khi xã hội chưa có nơi để HS thực hành những bài học thì nhà trường hãy tạo ra môi trường khuyến khích HS thực hiện những điều được dạy. Chúng ta xây dựng được môi trường như thế từ trường học thì dần dần trẻ sẽ điều chỉnh, thay đổi hành vi của mình. Trong đó, sự làm gương của thầy cô hết sức cần thiết. HS không thể không bạo lực khi GV dùng bạo lực để giáo dục HS.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
Thu Lê (thực hiện)