Đừng bao giờ tin 'gái có công, chồng chẳng phụ'

11/11/2018 - 07:00

PNO - Giờ chị hết dại rồi, nhưng học phí cho khóa học dài mấy thập niên ấy đắt vô cùng. Chị phải trả giá bằng cả tuổi trẻ và bao nhiêu nước mắt, mồ hôi…

Giờ chị hết dại rồi, nhưng học phí cho khóa học dài mấy thập niên ấy đắt vô cùng. Chị phải trả giá bằng cả tuổi trẻ và bao nhiêu nước mắt, mồ hôi… 

Ngày xây nhà, tự tay chị chọn từng loại gạch, bố trí từng hạng mục đâu ra đó khiến đội xây dựng phải nể phục. Chủ thầu khen đã từng nhận không biết bao nhiêu căn nhà, nhưng chưa thấy bà chủ nào giỏi giang và khéo léo như chị. Điều làm họ nể nhất là chị tự tính toán nguyên vật liệu sát sao đến mức không dư ra một viên gạch hay xô cát nào.  

Mẹ chồng nhận xét chị “không có chỗ nào chê được” khi chỉn chu từ lời ăn tiếng nói, nết ở cho đến khoản chăm sóc chồng con. Mẹ chồng chị từng mến tài gói bánh của đứa con gái quê vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà. Chiếc bánh chị gói từ lá tươi, không cần hong nắng nhưng chiều nào ra chiều đó, đẹp như từ bàn tay một nghệ nhân. Bánh vớt ra lá còn xanh miết mà bên trong đã chín đều, nhìn là muốn ăn. 

Bà chấm chị ngay lần đầu tiên đến làm khách nhà bà sui tương lai là mẹ chị. Hai bà là bạn học thời trẻ, mãi sau mới có dịp gặp lại nhau. Bà ngạc nhiên vô cùng khi biết một mình chị phụ trách hết khâu nấu nướng của bữa tiệc hơn 100 khách mời. Món nào ra món đó, bài trí vô cùng khéo léo. Gặp chị, bà càng ưng ý hơn khi biết cô gái xinh đẹp còn đang là phó phòng kế hoạch một bệnh viện lớn.

Ngày cưới, ai cũng khen chồng chị có phước lắm mới rước được cả một kho báu về nhà. Bó hoa cầm tay do chính chị kết. Cũng chính chị tự trang điểm cho mình. Dù chỉ đơn sơ nhẹ nhàng, nhưng gương mặt vốn đã rất đẹp càng thêm thanh tú. 

Dung bao gio tin 'gai co cong, chong chang phu'

“Ham mê bóng sắc thì đã sao?”, chồng chị thẳng thừng. Anh ta còn “dạy” chị rằng: đừng nghĩ mình đẹp mà không cần phấn son. (Ảnh minh họa)

 

Thế nhưng ngay trong ngày cưới, chị đã ngờ ngợ khi chồng chị hỏi rằng, sao không thuê thợ làm tóc, làm mặt và sơn móng cho lộng lẫy? Chị chỉ cười, vì nghĩ anh muốn vợ mình đẹp hơn, chứ không nghĩ đến bản chất ham thích những gì lung linh phù phiếm nơi đàn ông. Cảm giác ngờ ngợ ấy rõ hơn sau kỳ trăng mật. Dù có vợ đẹp, anh vẫn không ngại ngoái nhìn một bóng hồng rực rỡ phấn son và ngào ngạt mùi nước hoa. Anh bị hấp lực từ những thứ đó đến mức ai cũng nhận ra, chứ không riêng gì chị.

Chị cứ nghĩ, mình hết lòng thương chồng, chăm lo cho gia đình, đối đãi thật tốt với nhà chồng… thì chẳng có ông chồng nào nỡ phụ vợ. Nhưng chị nhầm. Đối xử tốt với nhà chồng thì đã sao, vì khi chị còn là vợ của con trai họ thì còn là dâu con, nhưng một khi chị không còn là vợ anh thì mối quan hệ cũng nhạt dần. Còn công sinh dưỡng con cái, công chăm chút cho chồng từng miếng ăn giấc ngủ… không có chị thì người khác cũng làm được. Rốt cuộc thì gái có công, chồng vẫn phụ.

Chị còn chưa tin khi tận mắt nhìn thấy người đàn bà thường thường bậc trung ngồi trước mặt là nhân tình của chồng chị. Cô ta không có gì hơn chị ngoài gương mặt trang điểm rất kỹ lưỡng với đôi môi tô màu son đỏ chót mà chị chưa bao giờ nghĩ mình dám thoa lên môi. Còn chiếc áo ren trắng mỏng manh lộ nội y giống hệt màu son. Một ý nghĩ lướt qua đầu chị, trước cả nỗi đau và cảm giác ê chề, đó là: chẳng lẽ đàn ông lại ham mê bóng sắc đến thế sao?

“Ham mê bóng sắc thì đã sao?”, chồng chị thẳng thừng. Anh ta còn “dạy” chị rằng: đừng nghĩ mình đẹp mà không cần phấn son. Anh ta đổ thừa cho chị không biết ăn diện, không có những bộ váy áo thời trang, không thơm mùi nước hoa và không biết nói lời đường mật.

Ôi, hóa ra chị mới là người có lỗi. Chị chua chát cười: những kẻ tin rằng gái có công, chồng chẳng phụ thật ngây thơ. Chồng không phụ, chẳng qua vì anh ta không muốn đó thôi, chứ không phải vì cái công của người vợ đâu! 

Diễm Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI