Vào một buổi chiều đón hai đứa nhỏ của mình từ trường mẫu giáo về, bé Charlie một tuổi tuột khỏi tay tôi và bổ nhào vào nhà để tìm đến mấy khối lego, và bé Bailey 3 tuổi thì cũng chạy ùa vào theo chân con bé.
Charlie nhặt một hộp đầy lego rồi Bailey giật lấy nó. Charlie chạy đuổi theo và gào tướng lên khắp nhà. Tôi thở dài đầy bất lực vì đây là lần thứ n trong ngày mà hai đứa nhỏ chí chóe với nhau và nói, “Bailey, em con đang chơi mà”.
“Nhưng con cũng muốn”, thằng bé nói. Và thế là tiếng hét của Charlie cao thêm một nốt, vì thế tôi đành phải lấy lại cái hộp từ tay Bailey: “Con chỉ được chơi khi em con cho con chơi cùng thôi”.
“Không, con muốn chơi một mình cơ!”, thằng bé khăng khăng nhưng Charlie lại ôm lấy cái bát và Bailey hất nó ra khỏi vòng tay con bé.
“Bailey, con vừa đánh em đấy! Sao con hành xử một cách tồi tệ thế hả?”, tôi không kiềm chế được cơn giận dữ nữa.
Lúc ấy, trông Bailey giống như vừa bị tôi tát một cái. Con bé không khăng khăng giành lấy đồ chơi nữa, khóe miệng cũng theo đó mà trễ xuống.
“Con không xấu tính”, đôi vai nhỏ bé rũ xuống, “con là một bạn nhỏ tốt bụng mà”.
Lời cảnh cáo muộn màng
Khuôn mặt xụ xuống của con bé là lời cảnh cáo đối với tôi.
Sau đó, cả hai đứa nhỏ “đồng lòng”, cùng nhau khóc lóc ầm ĩ và tôi đã cố ép bản thân bình tĩnh lại. Tôi nhớ lại những gì đã xảy ra.
“Sao con hành xử một cách tồi tệ thế hả?”, tôi đã nói những lời đó với con mình. Nhưng tôi không có nói rằng con bé xấu tính. Tôi chỉ nghĩ thế thôi.
Trong đầu tôi hiện lên vô số những điều tôi muốn nói. Đáng nhẽ ra tôi nên nói là: “Con lấy đồ chơi của em con, rồi con đánh em. Đánh em là một hành động không ngoan, bây giờ Charlie rất buồn kia kìa. Con phải làm gì để làm hòa với em bây giờ?”.
Nhưng lúc đó tôi đã không nói được như thế, đôi vai bé nhỏ của Bailey run lên trong cơn nức nở. Charlie lấy luôn lego trong tay con bé mà con bé cũng chẳng thèm phản ứng nữa.
Tôi cắn lưỡi của mình. Đây không phải là thời điểm thích hợp cho tư duy logic.
Tuy nhiên, tôi không muốn thừa nhận điều ấy
Tôi đã nói một câu làm tổn thương con gái của mình khi nó chỉ làm những gì mà mọi đứa trẻ 3 tuổi đều sẽ làm. Điều này làm tổn thương con bé sâu sắc, phản ứng của con bé chính là minh chứng rõ ràng nhất. Điều này tôi chưa bao giờ nói với chồng tôi hay một ai đó khác.
“Mẹ chỉ nói là con đang hành xử một cách thô lỗ thôi”, tôi nói, “mẹ đâu có nói là con xấu tính”.
Con bé ngước đôi mắt đỏ lên nhìn tôi: “Con không xấu tính. Con là bạn nhỏ tốt bụng mà”, con bé lặp lại.
Điều này làm tôi á khẩu. Tôi chưa bao giờ nói với con tôi những câu kiểu như “đồ xấu tính”, “đồ vô ơn” hoặc “ranh con”. Nhưng đôi lúc tôi cũng nói với chúng “con hành xử thô lỗ quá đấy”, “con đang hành động như một kẻ vô ơn ấy”, và tôi cũng nhớ rõ ràng mình đã nói “con cư xử như một thằng nhãi ranh vậy” với đứa lớn nhất.
Nhưng đâu là sự khác biệt khi nói với một người rằng họ là một kẻ rất tồi tệ và họ đang hành xử một cách tồi tệ?
Những câu mắng mỏ này có giúp con tôi hiểu ra điều gì trong cuộc sống hay không? Hay những câu nói của tôi chỉ giúp chúng rút ra những xấu hổ, buồn đau và chẳng bao giờ hiểu được mình đã làm sai điều gì?
Tôi không muốn lời nói ấy sẽ ám ảnh con mình
Tôi nhớ lại khi mình còn là một đứa trẻ. Khi ấy, chú tôi gọi tôi là "đồ gắt gỏng" hay chị tôi gọi tôi là "đồ lười biếng" hoặc giáo viên của tôi gọi tôi là "con bé nhút nhát". Họ gắn cho tôi những tính từ ấy, và hơn 30 năm sau, chúng vẫn dính chặt lấy tôi không buông.
Khi nghĩ rằng những lời nói vô ý của tôi cũng sẽ ám ảnh lấy con tôi cho đến 30 năm sau thì tôi cảm thấy rất sợ hãi.
Tôi tự hứa với bản thân mình, rằng phải tìm ra một câu trả lời thật thích đáng: Lời nói của tôi ảnh hưởng như thế nào đến con cái của tôi? Tôi đã từng dành hàng đêm sau khi con mình ngủ, đọc hết bài báo này đến bài báo khác, hết chia sẻ này đến chia sẻ khác. Sau đây là những điểm nổi bật mà tôi tìm ra:
Khi trẻ nhỏ xấu hổ vì hành vi của mình, bé sẽ thu mình lại trong những cảm xúc tiêu cực cá nhân, vì thế mà khó đồng cảm với người khác.
Có nghĩa là: Bailey không cần biết nó đã làm Charlie đau thế nào, con bé chỉ quan tâm đến cảm xúc của chính mình mà thôi.
Khi trẻ nhỏ cảm thấy sợ hãi và căng thẳng, chúng sẽ không tiếp thu nữa.
Có nghĩa là: Bởi vì Bailey cảm thấy căng thẳng vì mình bị gọi là “đồ xấu tính” nên con bé sẽ không muốn học cách để cùng em chia sẻ đồ chơi nữa.
Đánh giá những hành vi (hoặc nhân cách) của trẻ nhỏ một cách tiêu cực thì bé sẽ tự động làm theo những lời đánh giá đó. Nói cách khác, tuy bạn có nói lên sự thật đi chăng nữa thì lời nói ấy vẫn ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.
Ví dụ, khi bạn lo lắng trước một bài phát biểu, nếu bạn nghĩ rằng: “Chết rồi, mình sẽ quên hết mất”, thì có thể bạn sẽ quên hết thật, bạn đang để cho lời “tiên tri” của chính mình trở thành hiện thực. Hiện tượng này thậm chí còn có tên gọi - hiệu ứng Golem. Nhưng nếu bạn tự nhủ: “Mình muốn chia sẻ thông tin này cho mọi người ngay bây giờ”, có lẽ bạn sẽ làm rất tốt.
Có nghĩa là: Nếu tôi gọi Bailey là đồ xấu tính thì con bé rất dễ hành xử theo chiều hướng tiêu cực đó.
Tất cả những điều này là để nói rằng: Nếu tôi muốn dạy con mình không được lấy đồ của người khác mà không hỏi, dạy con cách tự tắm táp hay đậy nắp bồn cầu mỗi khi đi vệ sinh xong thì tôi không nên nói những từ như “xấu tính”, “lôi thôi”, “thô tục”,...
Trên thực tế, tôi đã nói những lời hoàn toàn trái ngược với những gì mà tôi muốn, và thậm chí ảnh hưởng xấu đến con cái của tôi.
Có dùng từ nào đi chăng nữa thì hành động đánh giá con cái cũng làm tổn thương các con và tạo ra một khoảng cách lớn giữa các con và tôi.
3 bước quan trọng khi phạt con
Những điều này đã làm tôi mở mang tầm mắt, giúp tôi thấy được lời nói ảnh hưởng đến các con thế nào. Nhưng tôi cũng chẳng ngu ngốc đến mức nghĩ rằng chỉ cần vài ba phương pháp là có thể ngưng nói những lời như thế với con mình.
Vì thế tôi viết ra kế hoạch 3 bước này, và tôi đã áp dụng luôn kể từ ngày đó:
Hít thở thật sâu, vì khi đó bạn có thể lấy lại bình tĩnh và khi đó, bạn sẽ không nói ra những lời khiến mình phải hối tiếc. (cắn vào lưỡi cũng là một cách tương đối hiệu quả).
Kể lại những gì bạn nhìn thấy - giả vờ bạn là một phóng viên hoặc một quan tòa, một người hoàn toàn khách quan. Người ấy chỉ thấy: “Con đang giằng đồ chơi của em, sau đó con còn đánh em nữa”. Hoặc là: “Con ném bóng vào trong nhà rồi”. Hoặc “Con tô màu bàn ăn bằng bút nhớ”.
Hỏi con bạn nên làm gì tiếp theo bởi vì bạn không hề làm con xấu hổ, con sẽ mở mang đầu óc và học hỏi những gì đang diễn ra. Và khi đó bạn sẽ có cơ hội dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề.
Ví dụ, bạn hỏi con: “Con làm gì để em thôi khóc bây giờ?” hoặc “Lần sau con sẽ làm gì nếu con lại muốn chơi bóng?” hoặc “Con sẽ làm gì để lau sạch cái bàn bây giờ?”.
Đây không phải là những câu hỏi mang tính giáo điều, cũng không phải là câu hỏi tu từ. Hãy chờ con trả lời, và vì con mới ở bước đầu của giai đoạn giải quyết vấn đề, nên có thể bạn phải chờ vài phút đấy.
Nếu bé chần chừ, bạn hãy trấn an bé: “Mẹ biết chúng ta có thể cùng nhau sửa lỗi mà, con nói cho mẹ nghe con đang nghĩ gì nào”.
Bạn có thể "gỡ nhãn" xấu cho con mình được không?
Vào ngày tôi nói với con mình rằng con bé "xấu tính", tôi nhìn thấy sức nặng của lời nói của mình qua đôi vai rũ xuống và khuôn mặt méo xệch của con bé và cuối cùng tôi cũng đã hiểu ra vài điều vô cùng đáng giá.
Thật may vì trước đó tôi đã cố gắng đọc thật nhiều nghiên cứu và những kinh nghiệm của các bà mẹ khác. Nên chính trong lúc đó, tôi đã hiểu tôi nên làm những gì.
Tôi đã quỳ gối trước mặt Bailey, nâng cằm con bé lên, rồi nhìn thẳng vào mắt nó. "Con không xấu tính, Bailey", tôi nói, "con không xấu tính, mẹ xin lỗi vì đã nói con như thế".
"Con là một bạn nhỏ tốt bụng", con bé lại nói như vậy.
"Đúng vậy, con là một bạn nhỏ tốt bụng", tôi khẳng định.
"Con muốn ôm cơ", con bé phụng phịu.
Đương nhiên là tôi chẳng ngại ngần gì mà không mở rộng vòng tay để ôm con bé vào lòng.
Và mặc dù tôi ước rằng mình có thể rút lại lời đã nói, nhưng tôi rất biết ơn vì bài học làm cha mẹ mà con gái đã dạy tôi hôm đó: Lời nói của cha mẹ ảnh hưởng nhiều đến cách nhìn nhận của con cái về chính bản thân chúng.
Nếu tôi muốn con lớn lên trở thành một người tốt, có ích và biết suy nghĩ, tôi không nên gọi con mình là "đồ xấu tính". Khi bạn muốn dạy dỗ con bạn trưởng thành thì bạn không nên làm tổn thương chúng. Cho dù chúng mới chỉ rất nhỏ thôi.
Tôi buông Bailey ra để nhìn xem liệu con bé đã bình tĩnh lại chưa. Đôi mắt con bé vẫn còn đỏ, nhưng nó không khóc nữa.
"Con sẽ tha lỗi cho mẹ chứ?", Tôi hỏi. Con bé gật gật đầu, và lúc đó, một bàn tay mập mạp xuất hiện ở giữa chúng tôi. Bé Charlie đã đưa hộp lego ra, như một lời giảng hòa.
Bailey mỉm cười : "Cảm ơn em nhé, Charlie". Và như để đáp lại, Charlie cũng làm dấu tay cho lời cảm ơn. Hai bé 1 tuổi và 3 tuổi lại trao đổi đầy thân thiện.
Tôi mỉm cười thật tươi và ôm cả hai bé vào lòng, "hai con ngoan lắm". Bây giờ, tôi sẽ luôn nói với hai con câu đó, và tôi hy vọng câu nói ấy sẽ cùng các con đi suốt 30 năm cuộc đời.
Thu Phương