PNO - Phòng khám đa khoa Đại Phước ở H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đang trong quá trình thẩm định hồ sơ nhân sự để chuẩn bị hoạt động. Tuy nhiên, Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai phát hiện bằng tốt nghiệp y đa khoa của bà Trần Xuân Ngọc, phụ trách chuyên môn Phòng Chẩn đoán hình ảnh của phòng khám, có vấn đề.
Bằng tốt nghiệp đại học y đa khoa giả của bà Trần Xuân Ngọc - Ảnh: Gia Huy
Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai đã tiến hành xác minh tại Trường đại học (ĐH) Y Dược TP.HCM và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Trước đó, ngày 20/4/2020, Sở Y tế TP.HCM tiếp nhận hồ sơ của bà Trần Xuân Ngọc, sinh năm 1978, đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho phòng khám chẩn đoán hình ảnh. Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi Trường ĐH Y Dược TP.HCM xác minh văn bằng y khoa của bà Ngọc. Qua xác minh, bằng tốt nghiệp y đa khoa của bà Trần Xuân Ngọc, số vào sổ: 191/Y96, cấp ngày 10/10/2002 không do Trường ĐH Y Dược TP.HCM cấp. Sở Y tế TP.HCM đã gửi thông báo đến sở y tế 63 tỉnh, thành và các cơ quan quản lý chuyên môn có liên quan về sự việc này.
Khi Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai xác minh tại Trường ĐH Phạm Ngọc Thạch thì bằng chuyên khoa 1 chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, số hiệu bằng B0033967, số vào sổ 136/CK1/08/15 do trường này cấp cho bà Trần Xuân Ngọc, sinh năm 1978 tại tỉnh Nam Định. Đối chiếu với sổ lưu, thông tin về bằng chuyên khoa 1 của bà Ngọc đúng với sổ cấp phát lưu trữ tại trường. Nhưng bà Ngọc không trung thực trong hồ sơ đăng ký học cũng như dự tuyển sinh chuyên khoa 1, sử dụng bằng tốt nghiệp y đa khoa của Trường ĐH Y Dược TP.HCM cấp nhưng không có trong sổ cấp phát lưu trữ của trường này. Do đó, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ ra quyết định thu hồi, hủy bỏ văn bằng của bà Ngọc.
Về sự việc này, ông Bùi Văn Hiền, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật Phòng khám đa khoa Đại Phước, cho hay: “Tìm được bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chúng tôi mừng lắm. Tuy nhiên, chúng tôi không có nghiệp vụ để phát hiện bằng giả. Nếu biết, chúng tôi đã không ký hợp đồng với bác sĩ giả này vì ảnh hưởng đến phòng khám”. Ngay khi có thông báo xác minh của Sở Y tế Đồng Nai, phòng khám đã cắt hợp đồng với bác sĩ giả này.
Đã làm qua nhiều cơ quan nhà nước
Tại buổi làm việc với Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai ngày 3/6, bác sĩ “dỏm” này vẫn khẳng định bằng ĐH của bà có thể chưa được công nhận vì một lý do nào đó. Bà sẽ làm việc với Trường ĐH Y Dược TP.HCM để xác minh tại sao có văn bằng, chữ ký và ai là người đưa văn bằng cho bà... “Tôi muốn xin lại các văn bằng của mình để trực tiếp gửi về trường. Tôi cam kết không sử dụng các văn bằng này để tiếp tục hành nghề”, bà Ngọc cho biết. Tuy nhiên, Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai không chấp nhận trả lại các văn bằng cho bà. Thanh tra sở sẽ làm việc với các đơn vị cấp bằng cho bà để trả lại. Còn khi bà Ngọc đã xác minh được văn bằng này là thật thì sẽ được trả lại.
Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai làm việc với bà Trần Xuân Ngọc
Bà Ngọc khẳng định đã từng học tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, có tên trong danh sách hoạt động đoàn trường, ở ký túc xá… “Tôi đóng 200.000 đồng để nhận bằng tốt nghiệp (năm 2002 - PV), sau các bạn cùng lớp 15 ngày. Hiện tại, tôi đang xin lại hồ sơ gốc của trường gửi về Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tìm lại bảng điểm và hồ sơ gốc của trường gửi về làm hồ sơ viên chức trước đây”, bà Ngọc nói.
Theo bà Ngọc, sau khi ra trường, bà làm việc tại Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2003-2012. Năm 2012, bà học chuyên khoa 1 tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; từ năm 2013-2018, làm việc tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM. Năm 2017, bà Ngọc ký hợp đồng hợp tác với Phòng khám 115 (H.Nhơn Trạch). Trong năm 2017, bà Ngọc cũng ký hợp đồng không thời hạn với Bệnh viện quận 7 (TP.HCM) về siêu âm - chẩn đoán hình ảnh do Phòng khám 115 không hoạt động, không trả lương cho bà. Trước đây, bệnh viện này gửi thông báo cho bà chỉ nói bằng có vấn đề về chuyên môn, không nói rõ vấn đề gì. Bà Ngọc đã về Trường ĐH Y Dược TP.HCM sao y văn bằng để tránh bị nghi ngờ là “sao y giả”.
Trước trình bày của bà Ngọc, thanh tra sở đồng ý cho bà mười ngày để so bằng chứng xác minh về bằng bác sĩ của mình. Tuy nhiên, đến ngày 16/6, bà Ngọc vẫn không đưa ra được câu trả lời.
Ngày 16/6, Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai đã giao lại chứng chỉ đào tạo, bằng chuyên khoa 1 của bà Ngọc cho Trường ĐH Phạm Ngọc Thạch; và giao lại chứng chỉ đào tạo định hướng chuyên khoa y học gia đình, số 001777/A002/CC-ĐTNL do Trường ĐH Y Dược TP.HCM cấp ngày 19/8/2017 cho trường này. Đối với bằng tốt nghiệp ĐH của bà Ngọc, Sở Y tế Đồng Nai sẽ chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai xử lý theo quy định.
Có đóng học phí không có nghĩa là đã tốt nghiệp
Trong đơn gửi đến Trường ĐH Y Dược TP.HCM, bà Ngọc cho hay, người đưa bằng cho bà Ngọc đã mất. Bà Ngọc có học, có đóng tiền học suốt sáu năm và kiến thức là thật. Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã xác minh, bằng bác sĩ của bà Ngọc không có trong hồ sơ của trường.
Còn việc đóng học phí không đồng nghĩa sinh viên đã tốt nghiệp và bằng bác sĩ của bà Ngọc là thật. Khi cấp bằng cho mỗi sinh viên, trường đều có quyết định, được lưu vĩnh viễn. Trong sổ bằng luôn ghi số phôi bằng, ngày cấp rất rõ ràng. Còn bằng của bà Ngọc không có số phôi bằng và ngày cấp thì chứng tỏ bằng giả.
Việc sao y văn bằng của bà Ngọc ngay tại trường thì đại diện nhà trường cho hay, bà Ngọc chỉ đến Phòng Hành chính để sao y. Trong khi phòng này không thể phân biệt được bằng thật hay giả. Sau vụ việc này, trường sẽ điều chỉnh việc sao y phải do Phòng Đào tạo ký nháy, xác minh trước khi sao y. Dù công nghệ làm giả tinh vi đến đâu, nhà trường vẫn phân biệt được văn bằng, bảng điểm của trường vì có đặc điểm riêng.
Nhiều trường hợp người trẻ gặp chấn thương, đột tử khi chơi thể dục thể thao quá mức, thường do các bệnh tim cấu trúc, hay rối loạn nhịp mà không biết.
Sống, làm việc trong môi trường nhịp độ nhanh, kích động cảm xúc quá mức là nguyên nhân chính khiến cơ thể bị mất cân bằng âm dương, hao tổn tinh khí...