Đừng áp dụng nguyên bản đấu thầu xây dựng cho… thuốc

27/10/2017 - 11:36

PNO - Hệ lụy của đấu thầu thuốc như là một giải pháp đơn lẻ chứ không phải là giải pháp tổng thể, do đó, khó có thể giải quyết được bài toán có nhiều biến số như trong thực tế khám chữa bệnh.

Đấu thầu thuốc hiện nay chỉ mới được “định giá”. Điều mà các chuyên gia quan tâm lại là tổng chi phí xã hội phải “trả” cho một ca bệnh, bao gồm chi phí khám chữa bệnh, tiền lương bác sĩ, nhân viên y tế, khấu hao thiết bị, thời gian nằm viện, bệnh nhân bỏ công ăn việc làm cho thời gian điều trị… Và tiền thuốc chỉ chiếm 30% trong tổng chi phí này.

Để người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) thực sự được hưởng thuốc chất lượng cũng như hiệu quả điều trị cao, cần phải nghĩ đến phương án đấu thầu dựa trên tổng chi phí khám, điều trị của từng loại bệnh.

Dung ap dung nguyen ban dau thau xay dung cho… thuoc
 

Ngày 26/10, Báo Phụ Nữ có cuộc đối thoại với ông Nguyễn Duy Thuận - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế y tế và quản trị bệnh viện (BV) TP.HCM, xung quanh chủ trương đấu thầu nói chung và đấu thầu tập trung nói riêng trong ngành y tế hiện nay. 

Dễ dãi với nhập khẩu, khó cho nhà sản xuất

- Thưa ông, xin ông cho biết quan điểm về chủ trương đấu thầu thuốc trong ngành y tế hiện nay?

- Ông Nguyễn Duy Thuận: Quan điểm của tôi về đấu thầu nói chung là cần thiết. Mục tiêu của đấu thầu là để chọn ra được các sản phẩm phù hợp nhất cho mục đích phục hồi sức khỏe của người bệnh. Việc đặt ra mục tiêu cụ thể, ắt sẽ có giải pháp tối ưu đạt được mục tiêu đó.

Dung ap dung nguyen ban dau thau xay dung cho… thuoc
Ông Nguyễn Duy Thuận - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế y tế và quản trị bệnh viện TP.HCM

- Xin hãy nói về những ý kiến đồng thuận trước, thưa ông, những lập luận cho rằng đấu thầu thuốc như hiện nay là đúng?

- Ông Nguyễn Duy Thuận: Đó là đứng trên quan điểm của người mua hàng thuần túy và chỉ xét đến mục tiêu mua mà thôi, thì việc đấu thầu để chọn ra thuốc giá rẻ là đúng. Hiện quy trình đấu thầu thuốc đã được cải tiến nhiều so với 10 năm trước đây. Việc phân chia thuốc thành các nhóm có nguồn gốc sản xuất hoặc tiêu chuẩn sản xuất khác nhau đã làm cho quá trình chọn lọc có vẻ rành mạch hơn và tạo ra được các luật chơi rõ ràng hơn cho từng loại thuốc có xuất xứ khác nhau hay tiêu chuẩn chất lượng khác nhau.

Tuy nhiên, điều này đang tạo ra sự kém hiệu quả trong cung ứng thuốc và những hoạt động lãng phí trong xã hội khi chạy theo các tiêu chuẩn liên tục thay đổi trong việc đưa ra các tiêu chí lựa chọn. Lấy ví dụ, chỉ cần thay đổi một tiêu chí là ưu tiên nhà máy đạt tiêu chuẩn sản xuất của châu Âu thì một loạt nhà máy sẽ đầu tư từ hàng chục tỷ đồng để nâng cấp nhà máy. Rồi sau đó vài năm lại thay đổi tiêu chuẩn khác, như thế sẽ lãng phí rất lớn.

Vấn đề này đã xảy ra liên tục những năm gần đây trong quy định về đấu thầu, làm cho các nhà cung ứng, đặc biệt các nhà máy dược của Việt Nam, bị động liên tục và hoạt động cung ứng thuốc trở nên kém hiệu quả đối với các công ty sản xuất trong nước.

Thế nhưng, đối với các nhà nhập khẩu thì việc này lại dễ như trở bàn tay. Họ chỉ cần đi tìm được công ty nào có đủ tiêu chuẩn trên khắp thế giới, rồi lại tìm các công ty khác nếu tiêu chuẩn có thay đổi. Kết quả nguồn hàng không ổn định và mặt hàng thường xuyên thay đổi, dẫn đến không hiệu quả về mặt kinh tế. Về mặt điều trị cũng “hỏng” nốt khi bác sĩ, dược sĩ không theo dõi được tác động của thuốc. 

- Có phải nhờ đấu thầu, giá đã giảm, cùng lượng hàng hóa mua vào đã tiết kiệm được hàng chục, hàng trăm tỷ đồng?

- Ông Nguyễn Duy Thuận: Dựa vào những con số này, có thể nói mục tiêu của đấu thầu thuốc đã đạt được. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng có phải chỉ là giá mua thuốc hay không? Các tiêu chí đi kèm với chất lượng thuốc rất nhiều, trong khi các tiêu chí của hồ sơ đấu thầu thuốc thì đơn giản, không cho phép phân loại chất lượng để có thể quy chiếu về cùng một mặt bằng giá.

Việc áp dụng nguyên bản của các hồ sơ đấu thầu xây dựng, vốn chỉ có sắt, thép, xi măng… là những mặt hàng đơn giản và dễ chuẩn hóa, vào một hồ sơ phân định chất lượng thuốc, vốn là một mặt hàng phức tạp hơn rất nhiều, nảy sinh ra các bất cập như chúng ta đang đối mặt hằng ngày trong quá trình khám chữa bệnh.

Dung ap dung nguyen ban dau thau xay dung cho… thuoc
 

Tất nhiên, việc thay đổi hay cập nhật liên tục sẽ giúp quá trình này trở nên hoàn thiện. Chỉ có điều, cho dù hoàn thiện bao nhiêu đi nữa cũng không bao giờ giải quyết được, vì bản chất đây là bài toán tổng thể, chứ không phải là bài toán giá thuốc.

Người bệnh không “mua” được món hàng mà cơ quan bảo hiểm đã cam kết

- Hãy bàn về những ý kiến phản đối, thưa ông?

- Ông Nguyễn Duy Thuận: Ý kiến đầu tiên không đồng tình là từ chính các bác sĩ điều trị. Việc danh mục thuốc bị hạn chế chỉ có 5 biệt dược cho mỗi hoạt chất, dẫn đến bác sĩ bị hạn chế khả năng chữa bệnh, không thể thay thuốc khi bệnh nhân không đáp ứng.

Ý kiến thứ hai không đồng ý là từ phía BV. Khi đã ký hợp đồng mua thuốc theo hợp đồng cung ứng thì phải mua đúng số lượng và thanh toán đúng hạn. Nếu bỏ qua vấn đề thanh toán, chỉ riêng việc BV không mua đúng số lượng là đã vi phạm hợp đồng kinh tế, phải bồi thường.

Việc áp dụng nguyên bản của các hồ sơ đấu thầu xây dựng, vốn chỉ có sắt, thép, xi măng… là những mặt hàng đơn giản và dễ chuẩn hóa, vào một hồ sơ phân định chất lượng thuốc, vốn là một mặt hàng phức tạp hơn rất nhiều, nảy sinh ra các bất cập như chúng ta đang đối mặt hằng ngày trong quá trình khám chữa bệnh.

Ông Nguyễn Duy Thuận

Ý kiến thứ ba không đồng ý là từ phía các nhà cung ứng. Việc sản xuất hay nhập khẩu đều cần một kế hoạch dài hạn, tối thiểu 6 tháng mới có thể đáp ứng. Trong khi thời hạn thầu chỉ có 1 năm, như vậy, 6 tháng đầu phải chịu rủi ro về tỷ giá và giá mua ngắn hạn, 3 tháng cuối chịu rủi ro về việc hàng sản xuất ra không cung ứng được, chỉ có 3 tháng giữa là yên tâm về sản lượng. Bên cạnh đó, áp lực về cung ứng đầy đủ cho bệnh nhân cũng như giá phải thường xuyên giảm.

Ý kiến không đồng ý cuối cùng là từ người bệnh. Với việc chỉ được cấp phát thuốc trong danh mục trúng thầu, người bệnh bị thiệt hại nếu như thuốc đó không đáp ứng được bệnh của mình. Trong khi người bệnh mua bảo hiểm, tức là đã ứng tiền trước để chữa bệnh. Đến khi sử dụng tiền của chính mình bỏ ra lại không mua được món hàng người bán (đơn vị bảo hiểm) đã cam kết, cũng không có cách gì lấy lại tiền hoặc đổi hàng, trả hàng theo như các tập quán thương mại bình thường.

Một giải pháp đơn lẻ khó có thể giải quyết được bài toán có nhiều biến số như trong thực tế khám chữa bệnh.

- Ông có nghĩ đấu thầu tập trung có thể thống nhất, giảm giá thuốc cho bệnh nhân, từ đó giảm chi phí khám chữa bệnh, tiết kiệm cho quỹ BHYT?

- Ông Nguyễn Duy Thuận: Chưa có nghiên cứu nào chứng minh giá thuốc thấp thì chi phí khám chữa bệnh thấp. Hơn nữa, về mặt thực tế điều trị, rất nhiều thuốc rẻ tiền lại tạo ra thời gian điều trị lâu hơn. Và chi phí thuốc trung bình chiếm 30% chi phí chữa bệnh thì việc giảm được 10% tiền thuốc tương ứng với 3% chi phí chữa bệnh, nhưng thời gian chữa trị lại tăng thêm 1 ngày thì rõ ràng là hiệu quả kém nhiều.

Không chỉ thuốc chữa bệnh, tất cả sản phẩm khi đấu thầu mà chỉ dựa vào tiêu chí giá sẽ không phù hợp. Như phát biểu ở trên, mối liên quan về mặt khoa học giữa giá thuốc rẻ và hiệu quả điều trị chưa thể phát biểu được. Từng cá nhân bác sĩ điều trị, có người sẽ nói có và có người sẽ nói không. Khi chỉ có bằng chứng đơn lẻ mà không có bằng chứng liên hệ trên lượng lớn, rõ ràng không thể có được quyết định chiến lược về mặt điều chỉnh giá thuốc. Chỉ chắc chắn, nếu xét về mặt sản xuất, chi phí càng cao thì khả năng có được sản phẩm tốt càng lớn.

- Ngoài đấu thầu ra, chẳng nhẽ các cơ quan như Bộ Y tế và bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chẳng có giải pháp nào khác tốt hơn?

- Ông Nguyễn Duy Thuận: Vấn đề là đặt ra mục tiêu, chứ không phải xác định giải pháp tối ưu cho một hành trình không có mục tiêu. Tôi tin là các quan chức thuộc Bộ Y tế hay BHXH nhận thấy rõ vấn đề mà xã hội đang gặp phải vì những điểm nêu trên đã được trao đổi, thảo luận nhiều trong các cuộc họp, cả chính thức lẫn không chính thức, với chuyên gia trong nước cũng như đối tác quốc tế… Nhưng từ lý thuyết đến thực hành còn rất xa.

Với tôi, cần đấu thầu dựa trên tổng chi phí khám chữa bệnh của từng loại bệnh. Khi đó, cơ quan bảo hiểm chỉ cần khoán cho các BV giá điều trị của bệnh nào đó trên một bệnh nhân, không cần phải đi giám định từng dịch vụ, từng viên thuốc như hiện nay. Và như thế, phát huy tối đa tính tự chủ của BV và tăng khả năng điều trị của bác sĩ. 

Với mục tiêu tổ chức đấu thầu tập trung thuốc BHYT để giảm chi phí khám chữa bệnh, hiện Bộ Y tế đã tiến hành đấu thầu theo danh mục 5 loại thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, chuẩn bị công bố kết quả. Bên cạnh đó, bộ đã xây dựng danh mục 8 thuốc đàm phán giá.

Bộ Y tế cũng thống nhất với BHXH Việt Nam về danh mục 6 loại thuốc đấu thầu tập trung do BHXH thực hiện. Hiện chưa triển khai vì đang chờ dự thảo thông tư về đấu thầu dành cho cơ quan BHXH, khi đó mới đủ cơ sở pháp lý.

Ngoài ra, đấu thầu tập trung cấp địa phương do Sở Y tế các tỉnh thành tiến hành. Danh mục thuốc tại TP.HCM có 106 hoạt chất, đang chờ UBND thành phố phê duyệt phương án đấu thầu. Vì trung tâm mua sắm đã giải thể, nên dự kiến sẽ giao cho một BV đứng ra thực hiện đấu thầu.

Đại biểu Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Thời điểm này chưa thích hợp để đấu thầu tập trung

Sẽ đến một thời điểm, Việt Nam phải thực hiện đấu thầu thuốc tập trung. Khi đó, chủ đầu tư là cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ cùng bàn bạc với các BV để chọn lọc những mặt hàng thuốc nào được lưu hành; tính toán, đánh giá chất lượng, giá cả, rồi tiến hành phân cấp về nơi nào chi trả… Như vậy, chi phí thuốc sẽ giảm. Để từng BV thực hiện có cái hay là BV sẽ chủ động, cố gắng tìm cách tạo thương hiệu, tạo ra sự khác biệt về giá thành…

Tuy nhiên, thời điểm này chưa thích hợp để thực hiện đấu thầu tập trung vì quản lý nhà nước với các mặt hàng dược phẩm của Việt Nam hiện chưa làm nổi, lẫn lộn giữa thật và giả. Việc kiểm soát chất lượng thuốc nhập khẩu trong thời gian qua chưa chặt chẽ… Khi quản lý còn bất cập, gói dịch vụ cơ bản chưa ban hành dễ dẫn đến bị thao túng và lợi dụng.

Do đó, cần phải làm rõ các tiêu chí đấu thầu đi cùng với gói dịch vụ y tế cơ bản, xác định những mặt hàng thuốc được phép cung ứng trong các BV, cả thuốc thông thường và đặc trị. Phải đảm bảo được chất lượng, giá cả của thuốc phù hợp với người mua thuốc, người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế chứ không phải dùng tới “huê hồng”, chạy dự án làm đẩy giá thuốc.

Hiện nay thuốc nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ vào quá rẻ. Nếu chúng ta không tính năng lực, mà chỉ đặt tiêu chí về giá thì có thể dẫn đến những hệ lụy khác nghiêm trọng hơn.

 Huyền Anh

Một vị nguyên là lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nhận định, đấu thầu thực chất tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực, cả đấu thầu riêng lẻ ở BV lẫn tập trung. Vì thế, ở nước ngoài, không đấu thầu thuốc. Đơn giản là họ đã kiểm tra, kiểm soát tốt được giá thuốc, không chơi đăng ký “giá ảo”.

Vấn đề thứ hai là phải tính định phí, khi đó BV phải tính toán làm sao để bán thuốc với giá hợp lý cho bệnh nhân. Thực ra vừa rồi BHXH tính định phí cho BV là đúng, nhưng vấn đề là họ đã tính định phí thấp hết sức bất hợp lý. Bản chất của định phí chính là tăng tính chủ động của BV. Khi được giao kinh phí trọn gói, BV tự thu xếp, cân đối, lập kế hoạch, lời ăn lỗ chịu. Cơ chế tự chủ tài chính thể hiện ở chỗ đó.

Muốn như vậy, phải lành mạnh hóa thị trường. Hiện có tiền là cấp số đăng ký vô tội vạ, mấy chục ngàn mặt hàng, rồi chi hoa hồng, rồi đấu giá… chắc chắn loạn. Thử hỏi còn bao nhiêu đơn vị như VN Pharma?

Thuốc giá rẻ trúng thầu vào BV, nên có “sếp lớn” nào vô BV mà chịu uống thuốc của BHYT đâu, chỉ toàn dùng thuốc xịn thôi. Trước bệnh tật phải bình đẳng chứ. Chúng ta đưa ra BHYT để người dân tham gia, lỡ may không có tiền thì vô BV vẫn được chữa trị. Nhưng giờ vô BV mà chỉ được chữa bằng những thứ “vứt đi”, như thế là quá độc ác.

 Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI