Dùng âm nhạc truyền thống kích cầu du lịch

10/09/2022 - 19:01

PNO - Đưa âm nhạc truyền thống lên nền tảng số cùng những đoạn clip ngắn là cách được Tổng cục Du lịch kết hợp cùng các đơn vị thực hiện nhằm tôn vinh văn hóa, góp phần quảng bá du lịch quốc gia. Đó là cách làm sáng tạo, phù hợp xu thế.

Kho nhạc tuyền thống còn bỏ ngỏ 

Âm nhạc truyền thống Việt Nam với sự phong phú về làn điệu, âm sắc của ba miền luôn là vốn quý của dân tộc. Nhưng theo thời gian, trước sự lớn mạnh của những thể loại đương đại, âm nhạc truyền thống gặp khó trong việc tiếp cận với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Nhiều năm qua, không ít nghệ sĩ trăn trở với việc làm sao bảo tồn và phát triển vốn quý này, phả vào đó hơi thở mới để thấy sự giao thoa kim cổ. Có dự án thành công, có dự án còn nhiều góp ý, nhưng nhìn chung, nỗ lực đó là cần thiết, cho thấy sự quan tâm của giới nghệ sĩ với nghệ thuật truyền thống.

NSND Thúy Hường, NSƯT Vân Khánh và NSND Bạch Tuyết trong ca khúc chủ đề của Ngân nga Việt Nam
NSND Thúy Hường, NSƯT Vân Khánh và NSND Bạch Tuyết trong ca khúc chủ đề của Ngân nga Việt Nam

Đến nay, Ngân nga Việt Nam - dự án quảng bá du lịch thông qua âm nhạc truyền thống do Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động trên nền tảng TikTok - càng cho thấy rõ hơn nữa sự quan tâm và nỗ lực của các cá nhân, đơn vị. Mục tiêu kép những người tổ chức muốn đạt được là vừa lan tỏa tình yêu âm nhạc truyền thống, vừa kích cầu du lịch thông qua những đoạn nhạc, hình ảnh đó.

NSND Bạch Tuyết - người có nhiều dự án kết hợp giữa cải lương và âm nhạc hiện đại - cho biết, không dự án nào dễ dàng đạt được toàn bộ những mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, đây là việc nên thực hiện, cần thiết, để mưa dầm thấm lâu, nhất là khi các nền tảng mạng xã hội đang rất thu hút người dùng trẻ.

Ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam - cho biết: “Du lịch và di sản gắn bó chặt chẽ với nhau. Với di sản, điều quan trọng nhất là bảo tồn. Do đó, gắn di sản với du lịch để biến di sản thành tài sản. Sau đó, lợi ích kinh tế thu được sẽ quay lại phục vụ công tác bảo tồn. Với di sản phi vật thể, việc bảo tồn càng cần được coi trọng. Dự án Ngân nga Việt Nam hiện đưa lên nền tảng số làn điệu quan họ Bắc Ninh, ca Huế, cải lương để bảo tồn và lan tỏa hơn nữa giá trị âm nhạc truyền thống”. 

Theo ông Nguyễn Lê Phúc, việc đưa di sản phi vật thể trong đó có âm nhạc lên các nền tảng mạng xã hội, là cách bảo tồn bằng hình thức số hóa vừa phù hợp thời đại công nghệ, vừa hiệu quả để quảng bá, lan tỏa.

Trên TikTok hiện tại, nhiều clip lồng âm nhạc truyền thống đã xuất hiện. Một số bạn trẻ du lịch tại Huế, Ninh Bình, Hà Nội… đã hưởng ứng dự án Ngân nga Việt Nam bằng việc lồng ghép các làn điệu quan họ hay ca Huế vào clip, thay vì sử dụng những bản hit đang thịnh hành. Tuy nhiên, hiện chưa có quá nhiều sự lựa chọn âm nhạc, cũng như nội dung sáng tạo chưa quá đặc biệt, nên hiệu quả của dự án chưa cao, chưa tạo được độ phủ sóng rộng khắp.

Hoàng Duyên (áo cam) trong MV Vọng nguyệt được giới trẻ yêu thích.
Hoàng Duyên (áo cam) trong MV Vọng nguyệt được giới trẻ yêu thích.

Hiệu quả phải từ nhiều yếu tố 

Vài tháng gần đây, âm nhạc truyền thống xuất hiện dưới nhiều hình thức trẻ trung, thu hút được sự chú ý. Ca khúc Về nghe mẹ ru do NSND Bạch Tuyết kết hợp với ca sĩ Hoàng Dũng, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền đã tạo tiếng vang lớn, trở thành bài hát được giới trẻ vô cùng yêu thích.

Việc nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền đưa cải lương và âm nhạc mang âm hưởng truyền thống pha với pop, rap một cách phù hợp, đã giúp cải lương trở nên dễ nghe, dễ cảm. Không chỉ Về nghe mẹ ru, nhiều ca khúc khác như Vọng nguyệt của Hoàng Duyên, hay album Hoa của K-ICM, album Link của ca sĩ Hoàng Thùy Linh đều ít nhiều có sự kết hợp hài hòa các yếu tố truyền thống, âm hưởng dân gian. Bên cạnh âm nhạc, sự “ăn rơ” giữa cũ và mới còn nằm ở trang phục xuất hiện trong MV, lối trang điểm, làm tóc, bối cảnh, cách quay hình…

Nói để thấy, muốn âm nhạc truyền thống có được đời sống mới giữa thời buổi âm nhạc phát triển bùng nổ như hiện tại, cần có chiến lược cụ thể. Không phải có thể dùng nhạc truyền thống lồng vào bất kỳ nội dung nào cũng mang lại hiệu quả. Thậm chí, nếu không khéo dễ tạo ra những phản ứng ngược lại.

Ca khúc Về nghe mẹ ru:

 

 

NSƯT Hải Phượng - người cố vấn nội dung về âm nhạc truyền thống cho album Hoa của nhà sản xuất K-ICM - cho biết, chị vui mừng khi thấy nhiều người trẻ yêu mến và nặng lòng với nhạc truyền thống. Với chị, không có công thức nào cụ thể để tạo ra sản phẩm vừa tôn vinh giá trị âm nhạc truyền thống, vừa có được sự trẻ trung, mới mẻ. Làm được hay không tùy thuộc vào tư duy, sự sáng tạo và độ rung cảm thẩm mỹ của người làm nghệ thuật. Bài toán này khá khó. NSND Bạch Tuyết hoàn toàn đồng tình, bởi khi Về nghe mẹ ru thành công, bà và ê-kíp cũng không hiểu rõ lý do vì sao lại có sự lan tỏa mạnh mẽ đến thế. 

Ban đầu khi thực hiện, các thành viên đều chỉ muốn mang tới sự mới lạ, độc đáo hơn cho cả cải lương và pop, rap. “Sau khi cùng tìm nguyên do, chúng tôi thấy rằng có nhiều yếu tố giúp ca khúc tạo được thành công, mà trong đó, có lẽ một phần vì đại dịch COVID-19 tạo ngăn cách đối với việc bày tỏ yêu thương giữa những người thân trong gia đình. Về nghe mẹ ru lại là bài nói về tình cảm gia đình, tình mẹ con. Cho nên, hãy làm ra những tác phẩm khán giả cần, mà điều khán giả cần là gì thì phải quan sát thật kỹ để có thể nhận ra”, NSND Bạch Tuyết chia sẻ.

So với một số chiến dịch đã từng xuất hiện trên TikTok, độ lan tỏa của Ngân nga Việt Nam chưa cao bằng. Ngoài ca khúc chủ đề cùng tên có sự tham gia của NSND Bạch Tuyết, NSND Thúy Hường và NSƯT Vân Khánh nhận được lượt xem cao, nhiều đoạn clip ngắn khác có chung chủ đề chưa tạo ấn tượng. Hiện TikTok đang tổ chức cuộc thi “Đi muôn nơi cùng #NganngaVietNam” nhằm lan tỏa hơn nữa thông điệp của dự án, thu hút sự tham gia của nhiều người trẻ đang sử dụng nền tảng, nhằm nâng hiệu quả cho dự án. Mục tiêu đề ra đang cao hơn so với những gì ban tổ chức đã chuẩn bị. Do đó, cần đẩy mạnh hình thức quảng bá, thực hiện một số sản phẩm chỉn chu đi kèm như các MV, để dự án “chạm” đến với nhiều người xem hơn. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI