Lũ lụt đang ngày càng nghiêm trọng hơn ở Nigeria và các chương trình viện trợ lương thực sau thảm họa không đủ để giúp đỡ người dân địa phương. Hiện tại, các công cụ AI đang được ứng dụng nhằm giúp người dân ứng phó với lũ lụt.
|
Một cây cầu gỗ được xây dựng thủ công giúp cư dân Ogba-Ojibo tiếp cận khu vực canh tác của họ trong mùa lũ - Nguồn ảnh: GiveDirectly |
Tại ngôi làng nhỏ Ogba-Ojibo ở miền Trung Nigeria, nơi hợp lưu của 2 trong số những con sông lớn nhất của quốc gia (sông Niger và sông Benue), Ako Prince Omali - 27 tuổi, một nông dân - đang quan sát những bậc thang dẫn xuống bờ sông Niger.
Trước đó 1 tuần, trong một đêm mưa, 3 trong số các bậc thang đã bị ngập do mực nước dâng cao khoảng 5m. Thông thường, bạn có thể đếm được 7 bậc thang dẫn xuống sông. Bây giờ, chỉ còn lại 4 bậc thang trên mặt nước. Gần 1ha đất trồng trọt của Omali cũng bị ngập hoàn toàn.
Omali đã theo dõi mực nước sông trong vài tuần qua. Lũ lụt là hiện tượng theo mùa tại bang Kogi, nơi có 4,5 triệu người sinh sống. Hầu hết dân làng Ogba-Ojibo là ngư dân và nông dân tự cung tự cấp, những người dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của môi trường.
Nigeria là quốc gia có số lượng người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt cao thứ hai trên thế giới sau Ấn Độ - tổng cộng 15 triệu người. Năm 2022, riêng Kogi có 470.000 người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Năm nay được dự đoán sẽ đặc biệt khó khăn. Tính đến giữa tháng 9/2024, 1 triệu người đã phải di dời sau vụ vỡ đập ở bang Borno, một số người vẫn mắc kẹt trong nhà, những người khác di chuyển đến nhà người thân ở các tiểu bang khác hoặc các trại di dời do chính phủ hỗ trợ. Tại Kogi, theo chính quyền địa phương, có thêm 250.000 người có nguy cơ phải di dời.
Nước lũ rút sau… 4 tháng
Omali nhớ lại: “Lúc nhỏ, chúng tôi thường di dời tới Idah khi lũ lụt ập đến”. Cuộc sống ở Idah không hề dễ dàng; việc học của trẻ em bị dừng lại vì tất cả trường học đều đóng cửa. Trong lúc khó khăn này, tất cả 300 hộ gia đình ở Ogba-Ojibo đều không thể tiếp cận đất nông nghiệp của mình. Có khi mất tới 4 tháng nước lũ mới rút.
|
Bờ sông Niger, nơi nước lũ có thể dâng cao đến mức nguy hiểm sau những trận mưa lớn - Nguồn ảnh: GiveDirectly |
Hiện tại, Omali cùng Blessing - vợ anh - canh tác gần 1ha lúa và khoai mỡ trên mảnh đất thừa kế từ cha mẹ để chăm lo cô con gái 4 tuổi. Năm 2021 là một trong những năm được mùa nhất vì lũ lụt ít hơn bình thường - vợ chồng anh Omali kiếm được 300.000 naira (183 USD). Năm sau, họ chỉ kiếm được 100.000 naira (61 USD). Năm 2023, họ không kiếm được gì. Khi cuộc sống khó khăn, Omali phải vay tiền hoặc làm thời vụ để kiếm sống.
Tháng 6/2023, Omali tham dự một cuộc họp cộng đồng được tổ chức tại Ogba-Ojibo bởi GiveDirectly - một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ cung cấp viện trợ nhân đạo dưới hình thức thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Tại đây, anh được biết về một chương trình mới khác biệt so với các chương trình viện trợ lương thực thông thường. Theo đó, những người sống ở các khu vực dễ bị lũ lụt có cơ hội nhận được tiền trước khi lũ lụt xảy ra, nhằm giúp cộng đồng chuẩn bị ứng phó bằng cách tích trữ đồ gia dụng hoặc bất cứ thứ gì cần thiết, thay vì chỉ nhận được thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác sau đó.
Natasha Buchholz - Giám đốc cấp cao của GiveDirectly có trụ sở tại Mozambique - cho biết đã có khoảng 30.000 người đăng ký trong 2 tuần. Với phương pháp tiếp cận liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), GiveDirectly hy vọng sẽ tạo ra sự khác biệt lớn hơn đối với người dân ở các cộng đồng dễ bị lũ lụt như Ogba-Ojibo.
Sử dụng AI để phát hiện và ngăn chặn thảm họa
Vài năm trước, Alex Diaz - người đứng đầu bộ phận trí tuệ nhân tạo vì mục đích xã hội trong nhóm từ thiện của google.org - đã cùng nhóm của mình, những thành viên của Google Research và các tổ chức phi chính phủ nhân đạo đưa ý tưởng về cách hiểu rõ hơn các vấn đề do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra để đề xuất các giải pháp tốt nhất.
Mục tiêu là hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận như GiveDirectly xây dựng hoặc tận dụng các công cụ AI, chẳng hạn như SKAI - mô hình phát hiện thiệt hại do thảm họa - mà Google Research xây dựng kết hợp với Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Flood Hub, hiện đang mở rộng quy mô tại hơn 80 quốc gia, trên 1.800 địa điểm. Flood Hub cũng có thể được sử dụng để xác định những khu vực có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do lũ lụt.
Theo Diaz, một tình huống khó khăn lớn là nhân viên cứu trợ “không biết phải đi đâu”. Năm 2022, sau khi cơn bão Ian tàn phá Florida và Puerto Rico, Google đã sử dụng hình ảnh vệ tinh kết hợp dữ liệu kinh tế xã hội để xác định những người cần được giúp đỡ nhất vì Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) có thể mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng để thu thập dữ liệu này.
Ở những nơi xa xôi tại Nigeria, việc đi thực tế từng nhà mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, từ năm 2020, nhóm nghiên cứu của Google đã xây dựng các mô hình AI phát hiện thảm họa, được sử dụng để xác định từng tòa nhà đã bị phá hủy do bão, lũ và các thảm họa thiên nhiên khác.
Hệ thống sử dụng sự kết hợp giữa hình ảnh vệ tinh của Google và các dữ liệu khác, bao gồm các dự báo thời tiết, dữ liệu đo đạc từ sông và thông tin do Chính phủ Nigeria cung cấp, để “đào tạo” một mô hình toàn cầu nhằm phát hiện các địa điểm cụ thể.
Tại Nigeria, nhóm AI for Social Good của Google đã tập trung vào các hành động dự đoán để giảm thiểu rủi ro lũ lụt từ sông Niger ở tiểu bang Kogi.
Lũ lụt ngày càng trở nên tồi tệ
Dan Quinn - Giám đốc chương trình nhân đạo của GiveDirectly - cho hay lũ lụt ở Nigeria ngày càng trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu, điều này khó dự đoán vì mưa có thể đến sớm hoặc muộn hơn.
|
Một người đàn ông di chuyển qua dòng nước lũ ở bang Kogi, Nigeria, vào ngày 17/9/2018. Năm nay, dự kiến có khoảng 250.000 người ở Kogi phải di dời do lũ lụt - Ảnh: Afolabi Sotunde (Reuters) |
Diaz nhấn mạnh: “Cảnh báo sớm mà không có hành động sớm giống như bỏ lỡ một cơ hội”. Theo Văn phòng Liên hiệp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR), cứ 1 USD đầu tư vào giảm thiểu và phòng ngừa rủi ro có thể tiết kiệm tới 15 USD cho quá trình phục hồi sau thảm họa, trong khi cứ 1 USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai tiết kiệm được 4 USD cho quá trình tái thiết.
Bên cạnh viện trợ tiền, các chiến lược phục hồi và thích ứng biến đổi khí hậu khác bao gồm củng cố hệ thống cảnh báo sớm, giáo dục cộng đồng và đào tạo về phòng ngừa thảm họa, đầu tư vào cơ sở hạ tầng chống lũ lụt và nông nghiệp chống chịu biến đổi khí hậu. Bảo tồn đất ngập nước và tái trồng rừng cũng có thể tăng cường khả năng phòng, chống lũ lụt.
Khoảng năm 2023, GiveDirectly quyết định đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động phòng ngừa, nhằm cung cấp một đường dây cứu sinh trước khi thảm họa xảy ra thông qua các khoản thanh toán trước, sử dụng các chương trình AI giúp dự đoán cộng đồng nào bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Lũ lụt ở Kogi dự kiến sẽ bùng phát dữ dội trong vài tuần tới. Dự án của GiveDirectly tại Kogi bắt đầu ở những khu vực có nguy cơ cao nhất. Sau khi các khu vực dự án được thiết lập, sẽ có một quy trình đăng ký trong đó những người đăng ký sẽ trả lời một cuộc khảo sát ngắn qua SMS để xác định xem họ có đủ điều kiện nhận hỗ trợ hay không, tiếp theo là một vài bước xác nhận danh tính. Chương trình sử dụng mã ngắn USSD, hoạt động thông qua SIM, cho phép mọi người truy cập các dịch vụ trên điện thoại di động.
Tính đến cuối tháng 9/2024, GiveDirectly đã thanh toán cho 53 cá nhân ở 3 phường. Tổng cộng 52 cộng đồng với 4.500 người ở 6 phường tại bang Kogi dự kiến sẽ được thanh toán trong mùa lũ năm nay.
Những người sống trong các cộng đồng có nguy cơ lũ lụt sẽ nhận được khoản thanh toán đầu tiên trước khi lũ xảy ra, là 177.866 naira (105 USD). Sau 2 tuần, tình hình lũ lụt sẽ được đánh giá lại: nếu tình hình tệ hơn, 2 khoản thanh toán tiếp theo, cách nhau 1 tháng, sẽ được chi trả cho người dân.
Federico Barreras - Giám đốc chương trình nhân đạo của GiveDirectly - nói: “Đây là lần đầu chúng tôi sử dụng mô hình AI ở Nigeria để dự báo lũ lụt và thực hiện thanh toán dựa trên dữ liệu đó”.
"Nếu rời đi, chúng tôi sẽ không còn gì cả”
Omali đã nhận được số tiền chuyển khoản đầu tiên là 177.866 naira vào ngày 31/8/2024. “Tôi rất vui và không thể kìm nén được niềm vui. Tôi chia số tiền đó cho vợ tôi mua thực phẩm như bắp, gạo, đậu, gia vị…” - anh nói. Anh cũng dành ra 90.000 naira (chưa đến 55 USD) để sửa chữa nhà sau khi lũ lụt rút. Hiện tại, vợ chồng anh vẫn ở Ogba-Ojibo dù mưa đã bắt đầu làm hỏng túp lều của họ.
Khi chương trình trên lần đầu đến làng, Ibu Arome - trưởng làng - không có điện thoại nên không thể nộp đơn đăng ký. Gần đây, ông đã xoay xở mua được một chiếc điện thoại và hy vọng có thể sử dụng nó để đăng ký các chương trình tương tự trong tương lai.
Mưa lớn vẫn tiếp diễn và mực nước tiếp tục dâng cao nhưng việc rời khỏi Ogba-Ojibo vĩnh viễn không phải là sự lựa chọn của hầu hết cư dân. “Chúng tôi chủ yếu là nông dân. Ở đây, chúng tôi có đất để trồng trọt. Nếu rời đi, chúng tôi sẽ không còn gì cả” - Omali bộc bạch.
Hà Thụy