Đừng “ai sao tôi vậy”

22/04/2013 - 17:17

PNO - PN - Theo dõi diễn đàn Nhiễu loạn giá trị gia đình trên Báo Phụ Nữ trong những số báo vừa qua, tôi nhận thấy thật khó để trả lời câu hỏi: Làm thế nào để gìn giữ, nuôi dưỡng các giá trị để gia đình thật sự là cái nôi giáo...

Sở dĩ tôi nói khó là vì gia đình ngày nay bị nhiều tác động bên ngoài quá, nếu như sống không giống với người khác thì rất dễ dàng bị cô lập, hay dễ thấy nhất là bị thua thiệt, bị lấn át. Thế nhưng, nếu như mình sống như mọi người, theo kiểu ai sao tôi vậy, thì điều trước mắt, mình đã và đang làm gương xấu cho con cái. Ví dụ như quăng rác, một chuyện được xem là nhỏ, rất nhỏ. Và vì bị xem là nhỏ nên không ít bà mẹ ở xóm tôi, cứ mỗi sáng đứa con đi học là bắt con cầm theo một bịch rác, bảo thấy chỗ nào vắng người thì quăng đại. Lúc đầu, đứa trẻ ngần ngại, làm vậy có kỳ không mẹ, rủi người ta bắt được thì sao? Người mẹ trừng mắt, “không thấy người ta quăng đầy đó à”. Và đứa trẻ dần quen tay, quen mắt. Nhân cách đứa trẻ đã bắt đầu méo mó từng chút nhỏ như vậy.

Dung “ai sao toi vay”

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mới đây, con đường trong xóm tôi được tráng nhựa. Mỗi tối thường có xe tải đến đổ cát đá. Xe tải đi một lát là lục tục nhà nhà xách bao bị ra, chồng xúc, vợ con khiêng. “Mình không lấy người khác cũng lấy”. Nhiều cha mẹ nói với con cái như vậy. Câu “dạy dỗ” ấy tất nhiên đi vào đầu những đứa trẻ nhanh hơn, và nhớ lâu hơn những bài giảng giáo điều, con phải thế này, con phải thế nọ.

Do vậy, theo tôi, để giữ gìn gia đình luôn là cái nôi nuôi dưỡng các giá trị đạo đức, thì trước hết, cha mẹ phải là những tấm gương sống động nhất. Tôi biết để làm được điều này rất khó. Tôi cũng từng bị lôi kéo vào đám đông bằng những việc làm tưởng chừng như rất bình thường như dồn hết thời gian kiếm tiền cho bằng chị bằng em, tặng phong bì cho thầy cô giáo để con mình được quan tâm hơn, chạy chọt số tiền không nhỏ để con mình được học ở một ngôi trường khá nổi tiếng, lót tay cho bác sĩ để được ưu tiên mổ sớm hơn mấy ca khác lần con bị té gãy xương đùi… Vậy nhưng, khi tôi nghe con nói, chừng nào con lớn lên, má chạy sao cho con được vô làm chỗ nào có nhiều người đưa phong bì nghen, con giàu to, má cũng được hưởng. Tôi chợt tỉnh. Tôi hiểu mình đã sai.

Tôi đang cố gắng uốn nắn lại con mình từng giờ, từng ngày. Tôi không yêu cầu cháu đạt thành tích cao trong học tập, tôi buộc cháu phải tự học ở nhà thay cho những giờ học thêm, khuyên cháu tranh thủ cùng tôi làm việc nhà... Tôi vừa xin nghỉ ở cơ quan, tìm một việc làm tại nhà với mức thu nhập thấp hơn trước rất nhiều. Bạn bè cho rằng tôi dở hơi, khi người khác tìm đủ mọi cách để có được một chỗ làm tốt như vậy tôi lại từ bỏ, đang sung sướng lại muốn cực khổ. Tôi biết rằng mình đang sống kiểu không giống ai và tự hỏi, liệu có ai đồng ý với tôi không?

Ngọc Hiếu (Q.Tân Phú) 

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: giatrigiadinh@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI