Chủ tịch xã chèo thuyền đưa chúng tôi đi, anh cũng không thể xác định bao nhiêu nhà bị mất trâu bò, mà chỉ nói ghé vào nhà nào có thể mất thôi.
Ở một trong những nhà chúng tôi chèo thuyền vào, câu chuyện hỏi-đáp thế này:
- Nhà bác trâu bò bị mất ạ?
- Có hai con bò, không biết mất hay còn?
- Sao lại không biết ạ?
- Trâu bò để trong chuồng ngoài ruộng, mùa này không chốt chắn. Nếu lũ lên bất kỳ thì nó húc thanh chắn chạy lên chỗ cao. Có khi nó đi cả chục ngày lũ xuống lâu rồi mới về, nên không biết mất hay không mất.
Thực tế ở chỗ chúng tôi đến, có những nhà biết chắc bị mất, là những người nhìn thấy xác trâu bò bị nổi lên (họ vẫn nhận ra trâu bò nhà mình), có nhà buộc trâu trên rẫy không kịp chạy lên tháo dây, và số trâu bò chạy lên đường xe lửa nằm, bị tàu xô chết. Còn thì đa số nhà không biết, họ bảo đợi ít hôm, nếu trâu bò không về là mất. Nhưng họ bảo "chúng nó" (trâu bò) khôn lắm, còn biết lũ về sớm hơn người, và quen "chạy lên rú".
Khi đó, thống kê của địa phương (cấp huyện) đăng báo chín trăm bao nhiêu (có cả số lẻ) con trâu bò bị chết do lũ. Thực sự tôi chẳng biết đếm hay thống kê kiểu gì, khi bản thân người dân còn không rõ họ có mất trâu bò hay không.
Nói điều này, tôi không muốn gieo rắc hoài nghi về thiệt hại của người dân. Những nơi tôi đến dân mất gì nói đó, cán bộ cũng thế, chưa có số liệu nói là chưa có. Nơi nào nước rút lâu rồi thì họ biết chắc chắn, dẫn đến từng nhà. Cũng không muốn ai nghĩ rằng không cần hỗ trợ.
Chỉ muốn nói là để việc hỗ trợ (cả con đường nhà nước, cả con đường xã hội) hiệu quả, đừng ai nhanh nhảu thống kê "hộ" cho dân. Thành nhiễu.
Trần Đăng Tuấn