Dục tốc bất đạt

11/11/2019 - 16:19

PNO - Web drama đúng là “mỏ vàng” để các nhà làm phim chiếu rạp khai thác, nhưng nếu quá vội vàng nôn nóng “ăn theo”, thì không khéo sẽ thành dục tốc bất đạt.


Chỉ trong ngày công chiếu đầu tiên, Pháp sư mù, bộ phim do Huỳnh Lập biên kịch, đồng đạo diễn và đóng vai chính đã tạo ra hiện tượng phòng vé khi thu ngay 10 tỷ đồng - một con số mơ ước với những phim Việt ra rạp gần đây.

So với thể loại phim kinh dị, chủ đề tâm linh luôn “trần ai” về khâu thực hiện lẫn khâu duyệt, thì việc Pháp sư mù được duyệt suôn sẻ và có doanh thu mở màn cao, thực sự là một khích lệ không nhỏ cho ê-kíp sản xuất. Thành công dễ thấy của phim phần lớn nhờ vào hiệu ứng từ Ai chết giơ tay - web drama được Pháp sư mù dựa vào và phát triển thêm. 

Làm phim chiếu rạp từ web drama là hướng đi của nhiều nhà sản xuất hiện nay. Trước Pháp sư mù, từng có Chị Mười ba - phần kết của web drama Thập tam muội ra rạp hồi tháng Tư, hay Thật tuyệt vời khi ở bên em vốn được phát triển từ phim ngắn cùng tên từng chiếu mạng. Tất nhiên, một khi đem ra rạp, ê-kíp sản xuất cũng tự ý thức việc đầu tư chỉn chu hơn bản phim chiếu mạng, bởi “hàng bán” không thể sơ sài như “hàng tặng miễn phí”.

Duc toc bat dat
Pháp sư mù phân vân giữa lằn ranh phim chiếu rạp và phim chiếu mạng

Theo tiết lộ của nhà sản xuất lúc ra mắt phim, kinh phí Pháp sư mù tốn kém gấp chục lần web drama. Vì vậy, những ai đã xem bản phim chiếu mạng sẽ cảm thấy thỏa mãn với bản phim chiếu rạp, bởi nội dung khai thác sâu hơn, và phần hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo cũng tốt hơn hẳn. 

Nhưng một bộ phim ra rạp thì đối tượng mua vé đâu chỉ có các fan của web drama, nên khó tránh khỏi chuyện đặt phim vào tương quan so sánh với những tác phẩm điện ảnh khác, để rồi nhận ra những phim “ăn theo” web drama còn khá “non” để ra rạp. Xem Pháp sư mù, ai không phải fan của Ai chết giơ tay sẽ rất bối rối với các tuyến nhân vật cũng như mối quan hệ giữa các nhân vật.

Phim lấy chủ đề tâm linh, nhưng câu chuyện, không khí phim mang nét màu mè, tươi tắn, nhí nhố hơn là sự huyền bí cần có. Đây có thể là dụng ý của người làm phim, không muốn nặng nề hóa nội dung tâm linh, để tự gây khó cho mình khi kiểm duyệt. Nhưng cũng vì lựa chọn này mà Pháp sư mù rơi vào trạng thái bấp bênh, nếu là phim chiếu mạng thì quá “xa xỉ”, mà phim chiếu rạp thì chưa đủ tầm vì thiếu ngôn ngữ điện ảnh. 

Không thể phủ nhận Huỳnh Lập là một nghệ sĩ trẻ có tài, có tâm. Những sản phẩm hài, clip quảng cáo, phim ngắn chiếu mạng do anh thực hiện đều cho thấy sự làm nghề nghiêm túc, chỉn chu, có góc nhìn sáng tạo. Nhưng từ mạng đến rạp là một khoảng cách khá xa, mà ngay những đạo diễn điện ảnh chuyên nghiệp cũng trầy trật mới làm tốt được. Hơn nữa, một tác phẩm điện ảnh có khi mất rất nhiều năm thai nghén, còn Pháp sư mù xuất hiện chỉ một năm sau “cơn sốt” Ai chết giơ tay, với thời lượng phim đến 120 phút, cho thấy một sức ép rất lớn về mặt thời gian. 

Web drama đúng là “mỏ vàng” để các nhà làm phim chiếu rạp khai thác, nhưng nếu quá vội vàng nôn nóng “ăn theo”, thì không khéo sẽ thành dục tốc bất đạt. Đầu tư cho phim điện ảnh đòi hỏi không chỉ tiền, mà còn “tầm” - điều mà những người trẻ mới bước qua làm phim chiếu rạp chưa đủ sức đảm đương. 

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI