Đưa vợ đi ăn cơm tiệm

29/10/2023 - 06:40

PNO - Tôi nhận ra, sự cứng nhắc bấy lâu của mình cũng là tên gọi khác của sự vô tâm, cố chấp.

Đã nhiều lần nghe nhóm bạn gái của vợ lời ra tiếng vào về mình nhưng tôi vẫn bỏ ngoài tai. Có lần, đang trong đám tiệc chung, Thu Thảo - cô bạn thân nhất của vợ - còn nói vống lên: “Anh Kiên ơi, anh khó tính vừa thôi. Khó quá thì anh nhanh già mà vợ con anh cũng khốn khổ”. Lời bạn tuy khó nghe nhưng lại đúng sự thật, khiến tôi không thể phủ nhận.

Tính tôi khô khan, kiệm lời, không ưa không khí của những buổi tụ tập đông đúc. Đối với tôi, trong gia đình, mối quan hệ vợ, chồng, ba mẹ và con cái, dù là những người đồng hành, chung nhà song vẫn phải giữ khoảng cách nhất định về nền nếp, tôn ti. Riêng chuyện ăn uống, tôi tuyệt đối yêu cầu vợ và các con chỉ được ăn cơm nhà.

Tôi không quan trọng người đứng bếp là mình hay là vợ, nhưng sau giờ học, giờ làm, mọi người phải quây quần bên mâm cơm gia đình để cùng ăn uống, hàn huyên. Ngoài lo ngại chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo khi ăn ngoài, tôi muốn dạy con gái tôi về thói quen, phẩm chất vun vén, chăm sóc gia đình.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Trong thâm tâm, tôi rất ngưỡng mộ hình ảnh bà ngoại luôn chịu thương, chịu khó, tận tụy. Tôi nghe kể lại, sau khi lấy nhau, ông ngoại thường xuyên công tác xa nhà, một tay bà ngoại vừa làm nông, vừa chạy chợ nuôi lớn đàn con 3 người cùng mẹ chồng già bị mù. Bà rất vất vả, bận rộn, nhưng căn bếp của gia đình lúc nào cũng thơm nức những món ngon.

Những món ngon mà sau này, khi tôi ra đời, trở thành cậu bé học sinh cấp I trường làng, có dịp ở với ông bà, vẫn được thưởng thức. Mùa hè, bà nấu canh tập tàng với rạm đồng, canh mít non với tép sông. Mùa thu, bà om trái bầu thái lát phơi khô cùng với cá biển trong cái nồi đất thơm tho, nghi ngút. Mùa đông, khi những cơn lũ dâng lên miệt biền rồi rút đi ngay sau đó, bếp của bà lại tỏa ra mùi nghệ và củ nén của món cá cấn, cá mại kho. Rồi dịp giáp tết năm nào, bếp bà cũng đỏ lửa cả ngày, bà quay ra quay vào sên, nướng đủ loại bánh mứt.

Bếp của bà dù mùa xuân hay mùa hạ, mùa nắng hay mùa mưa, đều luôn ấm cúng những hương vị, mùi thơm và xôn xao những câu chuyện kể. Tất cả ăn sâu vào tiềm thức khiến tôi sau này lớn lên, dù ở đâu, làm gì, vẫn luôn muốn gìn giữ bầu không khí ấm áp, thân thuộc đó trong nếp nhà mình.

Cũng như bà, như mẹ tôi, vợ tôi là người phụ nữ sinh ra từ làng, lớn lên luôn chịu thương chịu khó. Trong chuyện nấu nướng, bếp núc, em luôn ủng hộ quan điểm của tôi. Tuy nhiên gần đây, tuổi tác, sự bận rộn cộng hưởng với sức khỏe xuống cấp sau 2 lần sinh nở khiến cơ thể em xuất hiện nhiều dấu hiệu căng thẳng, mệt mỏi. Sau những lần nấu nướng, bày biện món này món kia, vợ không còn thiết tha ăn uống, em trở nên uể oải trong những cuộc chuyện trò.

Những tình huống dù lặp đi lặp lại sáo mòn, những cuộc quây quần dù không còn hào hứng nhưng có lẽ sẽ vẫn tiếp diễn nếu một ngày kia, cô con gái không mở máy khoe với tôi về một quán ăn có không gian bài trí rất mộc mạc, thân quen. “Tiệm cơm Nhà Nâu rất sạch sẽ, các món lại ngon, chuẩn vị cơm nhà. Gia đình bạn con vừa đi ăn về khoe thích lắm ba à” - con nói.

Có lẽ con gái nhiều lần thấy mẹ vất vả nấu nướng cũng muốn đề xuất ý kiến. Thế nhưng vì quá hiểu tính tôi xưa nay luôn ngại thay đổi nên con không dám đòi hỏi. Lần này, con đưa ra những bức hình với mục tiêu thăm dò ý cha là chính, chứ cũng chẳng dám mè nheo. Tuy nhiên, tôi lại đổi ý, tôi đồng tình chuyện gia đình sẽ đi ăn ngoài.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Bên khung cửa sổ có ánh nắng hắt vào lấp loáng, mâm cơm được chủ quán dọn lên tươm tất với đủ món canh, mặn, xào. Thứ nào cũng thơm phức, nóng hổi, bày biện đơn giản nhưng đẹp mắt. Vợ tôi không khen thành tiếng nhưng ánh mắt em thể hiện niềm thư thả, hài lòng.

Bữa cơm khép lại vui vẻ. Vợ không cần phải cấp tập dọn dẹp, sắp xếp để “trả lại mặt bằng” cho chiếc bàn ăn, con gái cũng không cần lúi húi đi dâng nước, tìm tăm như trong bữa cơm hằng ngày ở nhà, mọi thứ đã có nhân viên dọn sẵn lên bàn với nụ cười nền nã. Ai nấy đều rảnh rang, thong dong ngồi trò chuyện thêm một hồi lâu mới về nhà.

Tối đó, vợ tôi ngủ tròn giấc. Còn tôi bỗng nhiên hứng thú lưu vào điện thoại danh sách những địa chỉ ăn uống ngon lành, tử tế, được nấu đúng vị cơm quê.

Tôi nhận ra, sự cứng nhắc bấy lâu của mình cũng là tên gọi khác của sự vô tâm, cố chấp. Từ nay, thỉnh thoảng, gia đình chúng tôi sẽ đi ăn ngoài. Đó là sự điều chỉnh giúp bạn đời mình được giảm tải, thư giãn nhiều hơn.

Tôi chợt nghĩ, nếu ngày xưa ở quê cũng có nhiều hàng quán, biết đâu ông ngoại cũng đã đưa bà ngoại mấy lượt đi đổi gió kiểu “cơm bụi giả cơm nhà”. 

Trung Kiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI