Đưa “văn hoá thần tượng” vào trường học: Vui thôi chưa đủ!

28/11/2023 - 18:15

PNO - Việc trường học mời ca sĩ về biểu diễn trong hoạt động giáo dục được xem là cách để “đổi gió”, đưa hoạt động giáo dục đến gần với học sinh, tạo môi trường học đường hạnh phúc. Thế nhưng, để “văn hoá thần tượng” tác động hiệu quả đến giáo dục học sinh thì nhà trường cần có sự chọn lọc, không thể qua loa.

Vui thôi chưa đủ!

Mới đây, trong dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, một trường THPT tại TPHCM đã mời ca sĩ về biểu diễn trong chương trình lễ hội để tạo không khí vui vẻ cho học sinh. Sẽ không có gì đáng bàn nếu những ca sĩ được mời về trường không có đời tư tai tiếng.

Ngay khi các hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại khi môi trường giáo dục lại mời những ca sĩ có nhiều “sóng gió, tai tiếng” về đời tư để biểu diễn, như vậy sẽ tác động đến học sinh như thế nào.

Trước đó, từng có trường học mời K.B một “thần tượng” mạng - về trường để giao lưu với học sinh, cũng vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội. Bởi lẽ, “thần tượng” này nổi lên bởi những lời nói, cử chỉ, phát ngôn không phù hợp với chuẩn mực, thậm chí là kích động bạo lực…

Trường học hạnh phúc thì vui thôi chưa đủ (hình minh hoạ)
Trường học hạnh phúc thì "vui thôi chưa đủ" (hình minh hoạ)

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP Thủ Đức chia sẻ, trong bối cảnh đổi mới giáo dục, nếu các hoạt động giáo dục quá “gò” vào khuôn mẫu, lối mòn thì không tạo được sự thích thú cho học sinh, thậm chí là các em không hào hứng tham gia. Như vậy đồng nghĩa với việc chưa đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh. 

Để đến gần với học sinh, tạo sự đồng thuận cao trong các hoạt động giáo dục, vừa tạo sân chơi để các em thích thú thì các hoạt động đó phải gần gũi, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của chính các em… Do vậy, mời ca sĩ thần tượng về biểu diễn trong các dịp lễ hội xuân, chào mừng năm học mới, kỷ niệm… là cách được nhiều trường thực hiện để “chạm” đến học sinh một cách nhanh nhất khi vừa tạo không khí sôi động, vui tươi trong trường học, vừa khiến học sinh vui vẻ, thoải mái, giảm áp lực, căng thẳng trong học tập.

“Văn hoá thần tượng” sẽ tác động mạnh mẽ đến ý thức và việc hoàn thiện nhân cách của học sinh, do đó vui thôi chưa đủ bởi nếu không cẩn trọng thì sẽ đưa đến tác dụng ngược, rất nguy hiểm”- cô hiệu trưởng này bày tỏ.

Phải có mục tiêu giáo dục

Nhiều năm nay, “Cây mùa xuân” - được xem là thương hiệu của Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) - luôn được học sinh trong và ngoài nhà trường chờ đón vào mỗi dịp cuối năm. “Cây mùa xuân” không chỉ là sân chơi giải trí mà còn gắn liền với hoạt động thiện nguyện, quy tụ nhiều ca sĩ khách mời thần tượng, được nhà trường mời về theo mong muốn, nguyện vọng của chính học sinh…

Thầy Trần Công Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận - cho hay: Danh sách ca sĩ khách mời sẽ được nhà trường lấy ý kiến từ phía học sinh sau khi đã chọn lọc, trong đó chú trọng về yếu tố đời tư, những đóng góp của họ đối với xã hội. Vì thế, không phải ca sĩ nào học sinh đề xuất nhà trường cũng sẽ mời. Trường sẽ gửi kế hoạch, danh sách ca sĩ, danh sách bài hát đến Phòng Văn hoá Thông tin quận để xin cấp phép tổ chức, hỗ trợ đảm bảo an ninh trường học. 

Theo thầy Trần Công Tuấn, học sinh rất thích thú, chờ đợi sân chơi này, thậm chí nhiều em thi tuyển sinh 10 vào trường một phần vì… nghe danh “Cây mùa xuân”. Các em luôn xem sân chơi như phần thưởng mà nhà trường dành cho các em trong suốt một học kỳ cố gắng học tập, rèn luyện.

Chương trình Cây mùa xuân đã trở thành thương hiệu của Trường THPT Phú Nhuận
Chương trình "Cây mùa xuân" đã trở thành thương hiệu của Trường THPT Phú Nhuận

“Không chỉ là vui, việc đưa “văn hoá thần tượng” vào trường học giúp học sinh thêm hạnh phúc khi đến trường, góp phần định hướng nghề nghiệp, đặc biệt tác động mạnh mẽ đến nhận thức, hành vi, lối sống của học sinh, góp phần giúp nhà trường thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục. Vì thế người được mời về trường phải là người có đời tư, lối sống “sạch”, phải có đóng góp cho xã hội…”- thầy Trần Công Tuấn đánh giá.

Thầy Võ Thanh Toàn - Phó hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức (TP Thủ Đức) cho hay, vào lễ hội xuân nhà trường đều mời ca sĩ về tham gia, theo đề xuất của học sinh. Đó là các ca sĩ được giới trẻ hâm mộ, có nhiều bài hát “hot”, điều này giúp nhà trường “ghi điểm” trong mắt học sinh khi đến gần được với các em…

Mọi hoạt động trong nhà trường đều phải hướng đến tính giáo dục
Mọi hoạt động trong nhà trường đều phải hướng đến tính giáo dục

“Nhiều học sinh sẽ thích những ca sĩ đang hot trên mạng xã hội, thần tượng những ca sĩ này vì cách họ thể hiện trên mạng xã hội. Thế nhưng để mời về trường biểu diễn thì trách nhiệm của nhà trường là phải đánh giá đến yếu tố tác động về mặt giáo dục chứ không chỉ đơn giản là vui. Thậm chí, muốn mời ca sĩ nào, nhà trường đều phải nhờ sự hỗ trợ tư vấn của An ninh trường học (Công an TP Thủ Đức) để đảm bảo rằng mục tiêu giáo dục qua hoạt động này là trọn vẹn nhất, học sinh học được nhiều nhất…”- thầy Võ Thanh Toàn nêu rõ. 

Vai trò định hướng của nhà trường

Tiến sĩ tâm lý Vũ Thiện Toàn nhấn mạnh vai trò định hướng của nhà trường trong việc đưa “văn hoá thần tượng” vào trường học.

Theo ông, học sinh sẽ luôn có thần tượng là những người nổi tiếng, do vậy việc đưa văn hoá thần tượng vào trường học trước hết mang đến sự mới mẻ trong các hoạt động giáo dục, giúp học sinh có thêm trải nghiệm, sân chơi, giao lưu. Qua đó cũng giúp học sinh đặt ra những mục tiêu để phấn đấu. 

Song, trong độ tuổi này, học sinh rất dễ bị dao động trước tác động của văn hoá thần tượng. Trước khi mời thần tượng về giao lưu với học sinh, nhà trường cần đánh giá sự tác động ở 3 yếu tố: chuyên môn, tư cách đạo đức và đóng góp xã hội. Sự thể hiện này không chỉ trong đời sống thực mà còn trên không gian mạng, để làm sao giúp học sinh học hỏi, đặt ra hình mẫu toàn diện để phấn đấu.

“Đưa “văn hoá thần tượng” vào trường học sẽ mở ra môi trường thân thiện, gần gũi với học sinh. Để đạt được mục tiêu giáo dục, phù hợp với môi trường học đường thì nhà trường cần phải cẩn trọng. Có những người nổi tiếng lại nổi tiếng bằng những chiêu trò phản cảm, chưa phù hợp với chuẩn mực văn hoá thì đưa vào nhà trường sẽ gây phản giáo dục, thậm chí học sinh có thể sẽ bắt chước theo hoặc có những suy nghĩ, cư xử, hành động lệch lạc. Như vậy rất cần đến vai trò định hướng của nhà trường…” 

Quốc Trung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI