PNO - Đề tài bạo lực học đường đã đi vào trang sách, trở thành chủ đề trò chuyện cho trẻ thơ. Khi những vấn đề xã hội được các tác giả/nhà làm sách quan tâm sẽ luôn tạo được sự lan tỏa và có ý nghĩa giáo dục tích cực.
Giải pháp nào cho bạo lực học đường? là chủ đề chương trình giao lưu của thạc sĩ, tác giả Thủy Nguyên vừa được Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng tổ chức. Từ những trang sách, diễn giả trao đổi và kết nối cảm xúc cho các bạn nhỏ cùng chia sẻ những câu chuyện của riêng mình; từ đó gợi mở những giải pháp hữu ích cho các em ứng xử với tình trạng “bắt nạt” trong nhà trường.
Nhiều tựa sách viết về đề tài bắt nạt, bạo lực học đường dành cho trẻ nhỏ đã được phát hành - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng
Nhiều tựa sách bổ ích viết riêng về chủ đề này cũng đã được NXB Kim Đồng phát hành: Đương đầu với bắt nạt, Lần đầu bị bắt nạt, Đừng chế giễu người khác, Chuột Típ bị bắt nạt, Người xấu đừng hòng bắt nạt con… Các sách được viết ở dạng cẩm nang hay kể những mẩu chuyện nhỏ cùng trao gửi bài học, thông điệp ý nghĩa cho trẻ thơ. Chủ đề này còn được viết trong nhiều tựa sách dành cho tuổi mới lớn: Nói “không” với bạo lực học đường (NXB Dân Trí), Kỹ năng phòng tránh bắt nạt và bạo lực học đường (NXB Thanh Niên), Kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường (NXB Đại học Sư phạm TPHCM)…
Đề tài bạo lực học đường đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà làm sách. Không chỉ xuất bản sách của tác giả trong nước (viết hoặc biên soạn), các đơn vị còn mua bản quyền và chuyển ngữ nhiều đầu sách về chủ đề này. Cuốn sách Ngưng bắt nạt (Julie - Andrew Matthews, Minh Long Books) là lời cảnh tỉnh cho mọi người về hậu quả của bạo lực học đường. Nhã Nam cũng phát hành các tựa: Cùng con đối mặt với nạn bắt nạt (Jane Lacey - Venitia Dean), Ba mẹ ơi, con bị bắt nạt (Barbara Coloroso)…
Bạo lực học đường không chỉ là câu chuyện “bắt nạt” mà còn có thể gây ra những hậu quả nặng nề. Bị tổn thương, mất tự tin, sợ hãi, trầm cảm, tự tử… là những điều mà nạn nhân bị bạo lực học đường phải đối mặt. Marion, mãi mãi tuổi 13 - cuốn sách từng làm rúng động nước Pháp khi viết về hành trình đau thương của cô bé qua đời vì bạo lực học đường. Sách đã được phát hành tại Việt Nam, đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho người lớn về tình trạng nhức nhối trong môi trường giáo dục.
Năm 2022, khi truyện ngắn viết về bạo lực học đường Phía sau vết cắt (Hoàng Yến, 16 tuổi) được trao giải cuộc thi Truyện ngắn hay của Tạp chí Văn nghệ TPHCM, Hội Nhà văn TPHCM từng mong muốn có thể tổ chức một cuộc thi viết riêng cho chủ đề này. Học sinh, thầy cô, phụ huynh, nhà làm giáo dục cũng như văn nghệ sĩ, ai cũng có thể góp phần cất tiếng để làm thay đổi hiện trạng tồn tại trong môi trường giáo dục lâu nay.
Giáo dục trẻ thơ từ trang sách
Chỉ cần gõ từ khóa “bạo lực học đường” trên Google, gần như ở thời điểm nào cũng có những sự vụ vừa xảy ra. Mới nhất là vụ nữ sinh lớp Bảy (Bình Thuận) bị nhóm bạn đánh phải nhập viện; một học sinh THCS ở Nghệ An bị bạn ép ăn đất, nuốt khói thuốc. Trong tháng Mười vừa qua, liên tục xảy ra các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường tại Quảng Bình, TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long… Thực trạng nhức nhối vẫn tồn tại, tiếp diễn ở môi trường học đường với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Tác giả Thủy Nguyên giao lưu với bạn nhỏ về chủ đề bạo lực học đường - Nguồn ảnh: Trung tâm sách Kim Đồng
Nhiều sự kiện/chương trình giao lưu/chuyên đề về bạo lực học đường đã được nhà trường cũng như các tổ chức/đoàn thể thường xuyên tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh. Nay, đã có thêm một điểm tựa từ sách để góp phần lan tỏa và sẻ chia giá trị. Cuốn sách Nói “không” với bạo lực (Lâm Tú, NXB Dân Trí) nêu rõ về các dấu hiệu của bạo lực, những ảnh hưởng tâm lý và hậu quả của bạo lực học đường; đồng thời có những hướng dẫn cụ thể về phương pháp đối mặt, cách xử lý và vượt qua. Nhiều tựa sách khác cùng trao kỹ năng cho trẻ em và thanh thiếu niên:
“Tỉ lệ học sinh bị bạo hành (dưới bất kỳ hình thức nào) ở Việt Nam là 71%. Có 43% học sinh cho biết đã không làm gì khi chứng kiến hành vi bạo lực tại nhà trường” - theo Kỹ năng phòng chống bạo lực học đường, giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn chủ biên. Con số biết nói đã cho thấy thực trạng đáng lo ngại về bạo lực học đường nói riêng, mở rộng hơn là về nhân cách đạo đức của một bộ phận trẻ vị thành niên ngày nay.
Thời gian qua, đã có nhiều sách viết về chủ đề này được biên soạn theo dạng cẩm nang được phát hành, nhưng để có thể lan tỏa hơn nữa, vẫn cần phải có những hướng tiếp cận phù hợp. Sinh hoạt chuyên đề, giao lưu tác giả - tác phẩm, tổ chức các cuộc thi viết/thuyết trình, xây dựng diễn đàn, hoạt động ngoại khóa… là những cách đã được thực hiện và rất cần tiếp tục phát huy.
Chương trình Du hành cùng sách (Đường sách TPHCM tổ chức định kỳ) đang nỗ lực tìm kiếm và mở rộng đề tài, cũng rất cần lưu tâm đến các chủ đề thiết thực về giáo dục, nhận thức và ứng xử với môi trường tự nhiên - xã hội dành cho lứa tuổi học trò. Giáo dục trẻ thơ từ trang sách là hành trình dài, nhưng luôn có hiệu quả tích cực, ý nghĩa cho thế hệ tương lai.