edf40wrjww2tblPage:Content
Chủ trì cuộc họp báo quốc tế công bố chương trình kỳ họp thứ 7 vào chiều 19/5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông báo kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIII khai mạc 9g sáng nay, kéo dài đến ngày 24/6. Tại phiên khai mạc (phát thanh, truyền hình trực tiếp), sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội sẽ nghe Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Ông Phúc nói: “Vừa qua Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam và vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC), cũng như vi phạm các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc. Trước tình hình đó, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo tình hình diễn biến trên biển Đông cũng như chủ trương, giải pháp để giải quyết tình hình. Các đại biểu Quốc hội sẽ có trao đổi, thảo luận để làm rõ thêm vấn đề”.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí tại cuộc họp báo - Ảnh: Việt Dũng
Ông Phúc đồng ý với đề nghị của phóng viên Tuổi Trẻ là sẽ tổ chức họp báo sau các phiên họp kín của Quốc hội về tình hình biển Đông để đáp ứng sự mong đợi thông tin từ phía cử tri.
* Tuổi Trẻ: Xin ông cho biết quan điểm của cá nhân, với tư cách là một đại biểu Quốc hội, về vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam? Theo ông, Quốc hội nên phản ứng như thế nào trước vụ việc này?
- Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Tôi nghĩ rằng đối với Quốc hội, cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Quốc hội Việt Nam có chủ trương giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Thời gian qua, chúng tôi chân thành cảm ơn nhiều nghị sĩ ở các nước đã nhanh chóng lên tiếng phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc cũng như ủng hộ yêu cầu hợp pháp và chính đáng của chúng ta.
Trả lời câu hỏi tương tự của TTXVN, ông Phúc cho biết: Trong các cuộc tiếp xúc của các đoàn Quốc hội nước ta với nước ngoài, ví dụ với chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ, đoàn Quốc hội nước ta cũng có thông báo tình hình và sau đó sáu nghị sĩ Hoa Kỳ đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Chúng ta sẽ tiếp tục kêu gọi bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này. Và cuộc đấu tranh không chỉ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, mà cũng là bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên biển Đông cũng như bảo vệ luật pháp quốc tế.
* Đầu Tư: Tình hình biển Đông ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội của nước ta, Quốc hội có điều chỉnh nhiệm vụ tám tháng cuối năm không? Việc bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại vừa qua có được thực hiện không?
- Trong báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông sẽ có những chủ trương, giải pháp và trong đó cũng bao hàm cả những giải pháp kinh tế - xã hội. Sau cuộc thảo luận của Quốc hội, chúng tôi sẽ thông báo cụ thể cho quý vị. Tôi nghĩ chúng ta chưa có lý do gì để điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ vì các chỉ số bốn tháng vừa qua rất tốt.
Những thiệt hại vừa qua là đáng tiếc. Nhân dân thể hiện tinh thần yêu nước nhưng do kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng nên có hành vi phá hoại tài sản doanh nghiệp. Chính phủ, các ngành, địa phương vừa qua đã nỗ lực giúp đỡ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn và sản xuất bình thường. Tôi cho đó là điều tốt.
* Tiền Phong: Quốc hội có đặt ra những vấn đề cụ thể như hỗ trợ cho ngư dân trên biển hay không? Quốc hội có bàn thảo về việc tăng cường tiềm lực quốc phòng trên biển không?
- Sau khi nghe báo cáo và đề xuất của Chính phủ, Quốc hội sẽ quyết định những nội dung mà Chính phủ báo cáo, đề xuất. Tôi nghĩ Chính phủ sẽ báo cáo tất cả những giải pháp chung, trong đó có cả những giải pháp này, tức là chúng ta có nhiều giải pháp, Quốc hội sẽ quyết các nội dung lớn.
Lấy phiếu một lần, giữ nguyên ba mức tín nhiệm * Tuổi Trẻ: Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều phiên họp kín để thảo luận việc sửa đổi nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Xin ông cho biết quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, cụ thể sẽ kiến nghị Quốc hội sửa những gì? - Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua thực hiện đúng chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, được nhân dân ủng hộ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng có một số điểm cần rút kinh nghiệm qua việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên, để sau này thực hiện cho tốt hơn. Tại kỳ họp này, sẽ báo cáo với Quốc hội nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung để Quốc hội xem xét, quyết định. Theo đó, có mấy điểm cần phải sửa: * Về đối tượng: sẽ đề nghị Quốc hội giữ nguyên quy định hiện hành về việc lấy phiếu những đối tượng do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Trong quá trình sơ kết, một số ý kiến đề nghị mở rộng lấy phiếu với những người HĐND không phê chuẩn nhưng giữ các chức danh giám đốc sở ở cấp tỉnh, trưởng phòng ở cấp huyện. Chúng tôi kiến nghị Quốc hội quy định là những người này sẽ tiến hành lấy phiếu ở các hội nghị khác, ví dụ giám đốc sở hoặc trưởng ngành ở địa phương không lấy phiếu ở HĐND nhưng sẽ lấy phiếu ở hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh. * Về thời gian lấy phiếu: quy định hiện hành là lấy phiếu hằng năm, cái tốt là có cơ sở để đánh giá cán bộ hằng năm, nhưng hạn chế là thời gian ngắn quá nên chưa đủ thời gian để người ta tự sửa và khắc phục những khó khăn, tồn tại. Chính vì thế, sẽ sửa đổi để chỉ lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm năm thứ ba, tức là năm giữa nhiệm kỳ Quốc hội, HĐND. * Về hình thức: chúng ta vẫn giữ nguyên ba mức: tín nhiệm, tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp. Như vậy để phân biệt rõ giữa việc lấy phiếu và bỏ phiếu. |
Theo Lê Kiên (Tuổi Trẻ)