Đưa tiếng hát huyền thoại đã khuất trở lại, Hàn Quốc lo ngại về đạo đức

28/01/2021 - 07:47

PNO - Lần đầu tiên sau 25 năm, giọng hát của ca sĩ Kim Kwang-seok sẽ được phát trên truyền hình Hàn Quốc. Anh qua đời năm 1996.

Đài truyền hình quốc gia SBS có kế hoạch sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đưa giọng hát của Kim Kwang-seok trở lại trong một chương trình sắp lên sóng có tên Competition of the century: AI vs human (tạm dịch: Cuộc đua của thế kỷ: AI và con người).

Đây không phải là lần đầu tiên AI được sử dụng để “hồi sinh” một ca sĩ nổi tiếng ở Hàn Quốc. 

Khách du lịch bên bức tượng của cố nghệ sĩ Kim Kwang-seok.
Khách du lịch bên bức tượng của cố nghệ sĩ Kim Kwang-seok

Tháng 12/2020, kênh âm nhạc Mnet đã phát sóng One more time - một chương trình sử dụng AI và ảnh 3D của các nghệ sĩ quá cố để tri ân những đóng góp của họ. Đêm giao thừa vừa qua, nhóm BTS đã biểu diễn trực tuyến cùng phiên bản AI của ca sĩ Shin Hae-chul, nghệ sĩ đã qua đời sau cuộc phẫu thuật vào năm 2014.

Nam ca sĩ Kim Kwang-seok qua đời vào năm 1996 khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, cái chết ở tuổi 31 của anh khiến khán giả bàng hoàng, khó chấp nhận sự thật. Thậm chí, họ không tin anh tự sát mà cho rằng bị sát hại.

Nhiều năm trôi qua, khán giả Hàn Quốc vẫn luôn tập trung tại con phố, nơi có ngôi nhà mà nam ca sĩ đã sống thời thơ ấu để tưởng nhớ. Khi đài SBS thông báo sử dụng AI để tái hiện giọng nói, khán giả mến mộ Kim Kwang-seok phát cuồng. “Giọng nói được AI phục hồi rất giống chất giọng của Kim Kwang-seok, cứ như thể Kim vẫn đang còn sống để ghi âm vậy”, khán giả Kim Jou-yeon nói.

Công ty chịu trách nhiệm “hồi sinh” giọng nói của nghệ sĩ Supertone chỉ vừa thành lập vào năm 2020. Choi Hee-doo - đồng sáng lập và điều hành công ty - cho biết dùng công nghệ để hồi sinh giọng nói, bên cạnh đó còn giúp nghệ sĩ tiết kiệm thời gian.

Ông lấy ví dụ: “Những ngày qua, BTS rất bận và thật đáng tiếc nếu họ không thể tham gia sự kiện nào đó vì thiếu thời gian. Vì vậy, nếu BTS sử dụng công nghệ của chúng tôi để sáng tạo trò chơi, sách nói, lồng tiếng cho phim hoạt hình chẳng hạn, họ không nhất thiết phải tự thu âm mà công nghệ sẽ làm thay”.

Công nghệ tổng hợp giọng nói của Supertone "học" giọng của ca sĩ bằng cách nghe nhiều bài hát của họ. Trước khi “học” giọng hát của cố ca sĩ Kim Kwang-seok để trình diễn trong chương trình sắp tới, hệ thống của Supertone đã cho máy học 100 bài hát của 20 ca sĩ khác để bắt chước.

Không chỉ trình diễn độc lập, AI có thể song ca với người thật nếu được lập trình.

Ngày càng nhiều chương trình sử dụng AI để đưa tiếng hát người đã khuất trở lại.
Ngày càng nhiều chương trình sử dụng AI để đưa tiếng hát người đã khuất trở lại

Các buổi biểu diễn AI gần đây khiến những ai hâm mộ công nghệ và yêu thích âm nhạc phấn khích. Tuy nhiên, nhiều người khác lại lo ngại về vấn đề đạo đức khi AI làm sống dậy giọng nói của những người đã khuất.

Ngoài ra, vấn đề bản quyền cũng gây nên cuộc tranh cãi vì ai sẽ là người sở hữu.

Theo CNN, Hàn Quốc là quốc gia đi đầu về công nghệ AI, nhưng đất nước này cũng nhận được nhiều lời kêu gọi phải có quy định chặt chẽ hơn. Trong vòng vài ngày kể từ khi đưa ra bản kiến nghị vào tuần trước, hơn 376.000 người đã ký tên đề xuất phải có các hình phạt thích đáng với những cá nhân sử dụng khuôn mặt của người nổi tiếng để làm các clip mang nội dung khiêu dâm. Tổng hợp video ra mắt theo dạng deepfake (kỹ thuật tổng hợp hình ảnh nhờ vào AI), trong 14.000 video tổng hợp đó có 96% video khiêu dâm “mượn” hình ảnh của sao nữ, trong đó có nhiều sao đến từ Hàn Quốc

Trên thế giới, các quốc gia và tổ chức đang kêu gọi cải cách luật pháp, đề ra tiêu chuẩn đạo đức, thỏa thuận xã hội để ngăn chặn việc lạm dụng AI. UNESCO cũng đang làm việc với 193 quốc gia thành viên để thiết lập một số yêu cầu, quy định đối với nền tảng công nghệ thời đại mới.

Tháng 9/2020, UNESCO đã ban hành dự thảo Khuyến nghị về đạo đức của AI. Báo cáo cuối cùng dự kiến sẽ được trình lên Đại hội đồng của UNESCO vào cuối năm nay.

Tháng 12/2020, Bộ Khoa học và Thông tin, Công nghệ Truyền thông Hàn Quốc đã phát hành Hướng dẫn đạo đức AI quốc gia. Trong hướng dẫn có nội dung “phát triển và sử dụng AI phù hợp với mục đích như một công cụ cho cuộc sống con người, hoạt động này phải có đạo đức”. Cũng trong tháng này, Bộ công bố hướng dẫn lộ trình cho Luật AI, đề xuất mở rộng quyền sở hữu trí tuệ của Hàn Quốc cho các tác phẩm do AI tạo ra.

Giám đốc Công ty Supertone Heo Hoon nói ông ủng hộ luật pháp điều chỉnh hoạt động AI. Ông cho biết điều này là cần thiết để giảm thiểu rủi ro hiện tại.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI