Đưa tiền để chồng đầu tư đất, hay giữ riêng để lo cho bên ngoại?

12/05/2022 - 05:48

PNO - Khi biết tôi không tiết kiệm được bao nhiêu tiền, do phải lo cho bên ngoại, chồng tôi rất giận dữ.

Vợ chồng tôi thống nhất là mỗi người sẽ đóng góp 2/3 thu nhập vào quỹ chung, số tiền còn lại mỗi người được tiêu theo ý mình.

Gần đây, chồng tôi cùng nhóm bạn thân chung tiền mua đi bán lại các dự án nhà đất nên lãi rất lớn. Anh nói anh cần gom tiền để đầu tư một lô đất riêng, không phụ thuộc vào ai. Tiền trong quỹ chung không đủ nên anh hỏi tiền riêng của tôi. Khi biết tôi không tiết kiệm được bao nhiêu, do phải lo cho bên ngoại, anh tỏ vẻ giận dữ.

Mỗi lần cần tiền, người nhà đều gọi cho tôi. (Hình minh họa)

Mỗi lần cần tiền, người nhà đều gọi cho tôi (Hình minh họa)

Tôi là nhân viên ngân hàng nên thu nhập không tệ. Từ khi mới ra trường, lương của tôi đã cao hơn bạn bè cùng khóa. Nhưng từ lúc mới đi làm, tôi đã phải chu cấp cho má và em trai.

Trước kia, tôi vừa thi vào đại học được vài tháng thì ba mất. Ông vốn là trụ cột kinh tế trong nhà, má tôi chỉ buôn bán lặt vặt cho vui, chứ bà không có khả năng kiếm tiền. Suốt bốn năm đại học, tôi đi làm thêm giúp má trang trải và tự đóng tiền học. Vừa ra trường, tôi đã phải phụ má nuôi em trai học đại học. 

Khi em trai học năm thứ ba, tôi kết hôn và sinh con, má từ quê lên thành phố giúp chăm cháu. Khi con tôi được hai tuổi, tôi cho bé đi nhà trẻ để má về quê. Tôi nghĩ má còn khỏe, có thể về buôn bán lặt vặt cho vui. Ban đầu bà không muốn về, nhưng thấy tôi cương quyết nên cuối cùng bà đành về, tuy vậy, má không buôn bán nữa. Hàng tháng, tôi phải gửi về quê 5 triệu đồng để cho má chi tiêu.

Đến khi em trai có việc làm ổn định, tôi nói mỗi tháng em gửi cho má ít tiền, coi như hai chị em cùng phụng dưỡng má. Nhưng em trai luôn lấy cớ lương thấp, không dư tiền, chi phí sinh hoạt khám chữa bệnh của má ở quê đều do tôi lo.

Em trai tôi thuộc kiểu người “cả thèm chóng chán”, ra trường gần 5 năm mà công việc vẫn chưa ổn định. Mỗi khi thiếu tiền, em đều hỏi vay tôi. Những khoản tiền nhỏ khoảng vài triệu em đều viện cớ để xin, chứ không chịu trả.

Nửa tháng trước, dì ruột tôi gọi điện hỏi mượn 100 triệu đồng. Tôi biết dì có máu cờ bạc, sợ lần này dì lại vay tiền để trả nợ đỏ đen, nên đành tìm lý do để từ chối. Ai ngờ, dì lại gọi điện hỏi vay chồng tôi. Anh nể dì là bề trên nên cho dì mượn. Biết chuyện, tôi bực lắm, nhưng không thể nổi nóng với chồng.

Mấy hôm sau, má  gọi cho tôi, trong lúc hai má con tâm sự, bà có kể rằng dì gọi điện vay tiền má, nhưng má không có tiền nên bảo dì gọi điện cho tôi thử. 

Má thường tự hào tôi có nghề nghiệp ổn định, lương cao. Đi đâu bà cũng khoe với các chú, các bác trong họ, vì vậy mới có nhiều người bà con gọi điện hỏi vay tiền tôi. Cho mượn thì dễ, đòi tiền mới khó, nếu tôi làm gắt quá, mọi người lại nói tôi không nể tình thân. Nhưng bị bên ngoại coi như cây ATM, quả thực tôi rất mệt mỏi.

Dù thu nhập cao, nhưng tôi chẳng tích góp được bao nhiêu vì phải lo cho người thân. (Hình minh họa)
Dù thu nhập cao, nhưng tôi chẳng tiết kiệm được bao nhiêu vì phải lo cho người thân (Hình minh họa)

Chồng tôi nói từ nay đừng lo cho người nhà nhiều quá, chuyện gì cũng phải nghĩ tới bản thân trước. Anh còn nói, nếu tôi quản lý tiền bạc không tốt thì hàng tháng cứ đưa toàn bộ lương cho anh giữ, tôi chỉ cần cầm khoảng 10 triệu đồng tiêu pha cá nhân là đủ.

Tôi bực bội, vì như thế là không tôn trọng thỏa thuận giữa chúng tôi, nhưng sâu trong lòng thì tôi cũng biết, nếu có nhiều tiền, tôi lại khó xử khi người thân khó khăn, và rồi sẽ lại mềm lòng cho mượn. Tôi phải làm sao đây? Nghe lời chồng hay vẫn kiên quyết giữ tiền riêng để có thể lo cho em và mẹ?            

                    Thúy Hà

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI