edf40wrjww2tblPage:Content
Thiếu tướng Lê Minh Thành, phó tư lệnh hải quân (thứ hai từ phải sang), hội ý với tổ bay thủy phi cơ DHC-6
tại sân bay Phú Quốc chiều 9/3 - Ảnh: Ng.Triều
Báo cáo tại cuộc họp tại cuộc họp khẩn chiều 9/3 với các bộ ngành liên quan về việc tìm kiếm máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines bị mất liên lạc, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho rằng nếu tình huống xấu nhất là máy bay bị rơi thì nhiều khả năng rơi vào vùng quản lý bay (FIR) của Việt Nam.
Nếu giả thiết đó là đúng, Việt Nam phải lập ủy ban điều tra nguyên nhân dẫn đến sự cố máy bay do bộ trưởng Bộ GTVT làm chủ tịch theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Sẵn sàng phương án cho tình huống xấu nhất
Vì vậy, để phục vụ tình huống này, ông Tiêu xin phép cho lập sở chỉ huy tiền tiêu ở Phú Quốc vì có sân bay quốc tế thuận tiện cho việc tiếp nhận các phương tiện từ các nước tới.
Ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng không, cho biết việc lập sở chỉ huy tiền phương ở Phú Quốc thuận lợi về đường hàng không nhưng lại khó khăn về việc bố trí, đón tiếp.
Bởi vì phía Malaysia thông báo có 800-900 thân nhân hành khách sẽ tới đây nếu giả thiết máy bay rơi ở vùng FIR Việt Nam. Bên cạnh đó sẽ có nhiều quan chức và phóng viên tới Phú Quốc. Do đó, việc bố trí ăn ở, bảo vệ hiện trường (lưu chứa mảnh vỡ máy bay) sẽ khó khăn.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cũng giao Bộ Công an tăng cường đảm bảo an ninh hàng không tại các sân bay trong điều kiện hiện nay. Bởi vì nguyên nhân việc máy bay mất tích chưa được loại trừ khả năng do khủng bố nên phải hết sức lưu ý.
Lực lượng đặc nhiệm an ninh hàng không được tăng cường tại cổng vào quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất
Ảnh: Lê Nam
Rà soát trên vùng biển rộng 24.000km2
Về diễn biến tìm kiếm máy bay bị mất tích, trung tướng Võ Văn Tuấn - phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - cho biết ngày 9/3 đã có bảy tàu của Việt Nam tìm kiếm quanh khu vực phát hiện vệt dầu loang ngày 8-3.
6g ngày 9/3, hai PV Tuổi Trẻ đã có mặt trên hai chiếc máy bay Antonov 26 mang số hiệu 286 và 261 của lữ đoàn không quân 918.
9g ngày 9/3, hai máy bay Antonov 26 đã lần lượt có mặt tại vùng biển cách bán đảo Cà Mau khoảng 250km về phía nam và cách vị trí máy bay Malaysia mất tín hiệu khoảng 100km về phía bắc đông bắc.
Do phía dưới có hai máy bay Malaysia đang thực hiện tìm kiếm ở độ cao 1.200m nên hai máy bay của Việt Nam nhường vị trí, bay chếch lên độ cao 2.100m.
Ở độ cao này, tổ bay đã quan sát được vùng nước màu vàng được nghi là dầu loang đã dài ra đến 80km, gấp bốn lần so với ngày hôm trước, dịch chuyển về phía tây.
Đến 16g30, khi PV trở lại vùng biển này trên chuyến bay tìm kiếm thứ hai trong ngày của máy bay 286 thì vùng nước màu vàng này đã có sự thay đổi lớn, lan theo chiều rộng thành từng mảng trên một vùng biển rộng lớn nhiều kilômet vuông.
Tại hiện trường tìm kiếm, ngoài các máy bay của Việt Nam và Malaysia, PV Tuổi Trẻ cũng ghi nhận có rất đông tàu cứu nạn sơn màu vàng cam di chuyển trên biển.
Các tàu này thường chia thành từng tốp 3-5 chiếc và “càn” trên một vùng biển rộng theo hàng ngang để tìm kiếm các manh mối của chiếc máy bay bị nạn.
Tuy nhiên, hai máy bay Mi-171 của Trung đoàn không quân 917 bay từ Cà Mau khi đến hiện trường đã hạ độ cao xuống 300m và quần đảo nhiều vòng thì cho rằng đây không phải là vết dầu loang mà là khu vực bãi cạn, có nhiều dòng chảy nhìn trên cao có màu vàng giống vệt dầu.
Thượng tá Hoàng Văn Phong cho biết trong hai ngày qua, các máy bay của lữ đoàn 918 đã bay tìm kiếm trên một vùng biển rộng khoảng 24.000 km2.
Những vệt dầu loang trong vùng biển được cho là nơi chiếc máy bay của Malaysia mất tích - Ảnh: Th.Thắng
Tập trung vào nơi phát hiện vật thể lạ
Lúc 16g30 ngày 9/3, thủy phi cơ DHC-6 thuộc Quân chủng hải quân đã xuất phát ra vị trí cách đảo Thổ Chu khoảng 100km về phía đông nam.
Sau gần một giờ bay, máy bay DHC-6 đến khu vực có vật lạ trôi trên biển theo phát hiện trước đó của lực lượng cứu hộ các nước.
Từ hơn 17g-18g30, thủy phi cơ thực hiện cuộc tìm kiếm trên phạm vi 20-30 km2, ở độ cao 100m so với mực nước biển.
Lúc gần 18g, máy bay phát hiện một vệt dầu loang và một vật thể lạ có kích thước khoảng 1,5x2m màu trắng, có lỗ tròn ở giữa tựa như vòng tròn cửa máy bay. Tuy nhiên do trời tối, máy bay không hạ cánh xuống nước để kiểm tra cụ thể được.
Dự kiến trong sáng nay 10/3, máy bay hải quân tiếp tục tìm kiếm và xác minh vật thể lạ, đưa thêm tàu hải quân HQ 888 (tàu nghiên cứu biển) mang theo đội thợ lặn đến khu vực này tham gia tìm kiếm.
20g30 ngày 9/3, PV Tuổi Trẻ đi theo tàu cứu hộ SAR-272 cho biết tàu đang trên đường đến vị trí máy bay MH370 mất liên lạc thì được lệnh đổi hướng đến vị trí phát hiện vật thể lạ cách Phú Quốc 80 hải lý, dự kiến trong đêm sẽ đến vị trí này.
Tàu cứu hộ SAR-413 là tàu chỉ huy ở khu vực máy bay MH370 mất liên lạc cũng đang đến vị trí có vật thể lạ. Theo trung tướng Võ Văn Tuấn, vùng biển máy bay mất tích sâu 20-25m nên thợ lặn sẽ triển khai được.
Sáng 10/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu và đại diện Bộ Quốc phòng vào Phú Quốc để chuẩn bị việc lập sở chỉ huy tiền phương.
Theo T.PHÙNG - VIỄN SỰ - TRỌNG THIẾT - ĐÔNG HÀ - HOÀNG TRÍ DŨNG - TẤN ĐỨC (Tuổi Trẻ Online)