Đưa STEM vào bài học: Trường tiểu học trao quyền cho giáo viên

29/10/2023 - 08:32

PNO - Năm đầu đưa STEM vào bài học ở bậc tiểu học, TPHCM trao quyền cho giáo viên trong thiết kế bài học, không tạo áp lực đánh giá khi triển khai.

Nhẹ nhàng vừa chơi vừa học

Tiết học toán - bài Đồng hồ sử dụng chữ số la mã, học sinh lớp 3/1, Trường tiểu học Tân Hưng (quận 7) thích thú khi được dùng nắp chai, bìa các tông, vỏ hộp bánh... để thiết kế ra những chiếc đồng hồ xinh xắn, có thể xem giờ được. Giờ học nhẹ nhàng, học sinh được hòa vào các hoạt động để tạo ra sản phẩm, học thông qua chơi là phương pháp giáo dục STEM lần đầu được cô Lê Thị Hương Lan - giáo viên chủ nhiệm lớp 3/1 áp dụng trong năm học này. 

Những chiếc đồng hồ được trưng bày ở góc STEM cuối lớp 3/1
Những chiếc đồng hồ được trưng bày ở góc STEM cuối lớp 3/1

Cô Hương Lan cho hay: Trước khi tổ chức tiết STEM, học sinh đã có một tiết để học kiến thức nền về chữ số la mã. Từ kiến thức nền này, các em sẽ vận dụng để làm ra những chiếc đồng hồ có sử dụng chữ số la mã trong tiết STEM. Với 42 học sinh, lớp được chia thành 10 nhóm, giáo viên sẽ đặt vấn đề, gợi mở để từng nhóm lên ý tưởng, cùng bàn bạc chuẩn bị trước những vật liệu để thực hiện ý tưởng của mình trong tiết học STEM.

“Trong tiết STEM, học sinh phát huy tối đa khả năng sáng tạo và năng lực mỗi nhóm. Có nhóm với khả năng vẽ rất tốt, các em vẽ cả con chim cánh cụt lên bìa các tông để thiết kế đồng hồ, có nhóm lại sử dụng hộp bánh trung thu để tạo ra chiếc đồng hồ đứng, có nhóm lại sưu tầm thêm các vật liệu trang trí như hoa, bướm cắt từ báo, tạp chí để trang trí đồng hồ. Không chỉ dừng ở tính thủ công, các em còn tự lắp đặt những bộ máy được giáo viên chuẩn bị sẵn trong sản phẩm của mình, vì thế chúng có thể được sử dụng như một chiếc đồng hồ bình thường”.

STEM lần đầu được đưa vào bài học ở bậc tiểu học một cách đại trà
STEM lần đầu được đưa vào bài học ở bậc tiểu học một cách đại trà

Theo cô Hương Lan, với bài học này trước đây giáo viên chỉ dạy 1 tiết, dừng ở việc học sinh biết xem đồng hồ, phân biệt được chữ số la mã. Năm nay, khi ứng dụng STEM, giáo viên sẽ chủ động kế hoạch giảng dạy, bài học được thiết kế theo năng lực học sinh, để các em được vận dụng kiến thức vào thiết kế sản phẩm. 

“Chương trình GDPT 2018, giáo viên được chủ động phân phối chương trình, là thuận lợi để triển khai dạy STEM vào môn học, khi giáo viên có thể tính toán kết hợp với các môn học khác như mỹ thuật, công nghệ để tổ chức. Học sinh rất thích khi được tự làm sản phẩm trong tiết học. Khi các em mang sản phẩm về, phụ huynh cũng rất hào hứng, chụp hình sản phẩm của các em “khoe” trên Zalo, Facebook…, việc học vì thế trở nên nhẹ nhàng”- cô Hương Lan đánh giá. 

Không đánh giá khi triển khai

Năm học 2023-2024, TPHCM lần đầu đưa STEM vào môn học một cách đại trà ở bậc tiểu học. 

Bà Lâm Hồng Lãm Thuý - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, để giáo viên, nhà trường mạnh dạn, tự tin triển khai, từ trong hè, sở đã phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tập huấn STEM cho đội ngũ. 

“STEM được xem là một hoạt động giáo dục, hỗ trợ phát huy phẩm chất năng lực học sinh, gắn kiến thức bài học với thực tiễn. Trong năm đầu triển khai, sở yêu cầu giáo viên không đánh giá định kỳ học sinh mà chỉ thực hiện đánh giá thường xuyên, đi kèm chung với các môn học, hoạt động giáo dục khác. Đồng thời, chỉ quy định tối thiểu mỗi học kỳ mỗi giáo viên triển khai 2 tiết STEM". 

Bà Thuý lưu ý trường khi đưa STEM vào bài học không quá cứng nhắc, đồng phục, không nặng nề trong cách thức triển khai mà cần trao quyền chủ động cho giáo viên tổ chức, thiết kế, lựa chọn, kịp thời động viên, hỗ trợ thầy cô tập huấn trao đổi chuyên môn, để giáo viên vừa làm vừa rút kinh nghiệm. 

Theo cô Trần Thị Lan Hương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Hưng (quận 7), Chương trình GDPT 2018 giao quyền tự chủ cho nhà trường, giáo viên. Vì thế, khi đưa STEM vào bài học, trường cũng trao quyền chủ động cho giáo viên từng khối xây dựng kế hoạch môn học, hoạt động giáo dục. Từ đầu năm, các khối cùng ngồi lại nghiên cứu, thống nhất những bài học có lồng ghép STEM đồng thời trao đổi thêm về cách thực hiện trong mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn tháng.

“Để tổ chức một tiết học STEM đòi hỏi sự đầu tư của giáo viên, không chỉ về thời gian mà còn là kế hoạch, tiến trình, tính toán phù hợp để tiết học có tính ứng dụng, trải nghiệm cao. Thuận lợi là giáo viên được chủ động về thời lượng tiết học trên lớp, chủ động về nội dung giảng dạy, không cứng nhắc về số tiết. Giáo viên được thiết kế, triển khai việc tích hợp liên môn để học sinh hiểu về kiến thức các môn học một cách nhẹ nhàng qua các sản phẩm các em tạo thành”.

Tuy nhiên, là phương pháp mới nên cô Hương cho biết có thể sẽ có một số giáo viên cảm thấy nặng nề khi phải thêm công tác chuẩn bị, phải vất vả hơn. Bởi để học sinh được vận dụng kiến thức các môn học, tư duy, sáng tạo tạo ra các sản phẩm thì giáo viên phải đầu tư nhiều. Đòi hỏi lãnh đạo nhà trường phải thực sự sâu sát, tổ khối chuyên môn cùng hỗ trợ để “truyền lửa” cho thầy cô.

Với STEM, học sinh được học nhẹ nhàng
Với STEM, học sinh được học nhẹ nhàng

Trong năm đầu đưa STEM vào bài học, Trường tiểu học Phú Thọ (quận 11) tăng cường bồi dưỡng giáo viên về cách thức tổ chức bài học STEM, đồng thời thiết kế thêm các cuộc thi STEM để giáo viên có thêm môi trường trải nghiệm, tự học hỏi.

Cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, theo quy định, mỗi giáo viên sẽ tổ chức tối thiểu 2 tiết STEM /học kỳ trong năm học này. Tuy nhiên, là hoạt động giáo dục mới, thầy cô sẽ còn nhiều lúng túng, e dè, việc tập huấn cũng mới chỉ làm quen trong thời gian ngắn, do vậy quan trọng nhất vẫn là công tác tự bồi dưỡng của nhà trường, giúp giáo viên tự tin. 

“Nhà trường không đánh giá giáo viên khi triển khai STEM, thay vào đó tạo môi trường để thầy cô được chủ động, mạnh dạn sáng tạo. Trường hiện đang tổ chức hội thi thiết kế sản phẩm STEM về bảo vệ môi trường, nguồn nước. Cô trò từng lớp sẽ cùng sáng tạo, tìm kiếm ý tưởng, vận dụng kiến thức bài học vào giải quyết. Điều này cũng tạo môi trường để thầy cô tự tin hơn khi thiết kế bài học STEM trên lớp”.

Q.TR

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI