edf40wrjww2tblPage:Content
VTV ghi nhận những loại bưởi độc đáo phục vụ Tết
Bưởi Tân Triều hút hàng
Ông Phan Tấn Tài, Chủ nhiệm Hợp tác xã bưởi Tân Triều hồ hởi vì 500.000 trái bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đã được đặt hàng. Trong số bưởi đạt chuẩn bán ra thị trường dịp Tết năm nay có 250.000 trái đạt tiêu chuẩn VietGap, và khoảng 1.000 trái bưởi đầu tiên của Hợp tác xã được tạo hình hồ lô có chữ "tài lộc".
Sở dĩ bưởi Tân Triều nổi tiếng vì sản phẩm này có hương vị rất đặc trưng. Cơm bưởi có màu trắng vàng, khô ráo, vị ngọt pha chút chua thanh.
Sau ngày rằm tháng Chạp, các thương lái sẽ nhận hàng. Thị trường chính của bưởi Tân Triều là Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu và các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM… Kênh tiêu thụ chủ yếu vẫn qua các thương lái chứ chưa vào được các siêu thị hay trung tâm thương mại. “Tại TP.HCM hiện chỉ có vài đầu mối tại khu vực đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp) là bán bưởi Tân Triều thật”, ông Tài cho biết. Bưởi loại 1 có trọng lượng 1-1,4kg, giá từ 50.000 - 60.000đ/trái, loại 2 từ 10.000 - 15.000đ/trái; bưởi được tạo hình hồ lô có giá 300.000đ/trái và rất dễ bị các đầu mối dùng loại bưởi khác giả danh Tân Triều.
Chị Hai Lý bên mẻ bánh tét mới ra lò - Ảnh: Vũ Châu
Bánh chưng, bánh tét vào siêu thị
Ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở bánh chưng Trần Gia (Hố Nai, Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, sau khi cơ sở hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu, công nhân bắt tay ngay vào những đơn hàng trong nước. Bánh chưng Trần Gia đã có mặt ở hầu hết các hệ thống siêu thị lớn như Co.op Mart, BigC… Dù xuất khẩu hay bán trong nước, sản phẩm đều chung một tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng kỹ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, được hút chân không, dán nhãn mác rõ thông tin…
Nhiều năm nay, bên cạnh bánh tét lá cẩm nức tiếng của Cần Thơ, bánh tét Trà Cuôn ở Trà Vinh cũng vang danh không kém. Ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang vào những ngày này, các chủ lò ráo riết chuẩn bị nguyên liệu nấu hàng ngàn đòn bánh bỏ mối khắp các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TP.HCM, Đồng Nai và nhiều siêu thị trên cả nước.
Hơn 30 năm theo nghề làm bánh, chị Hai Lý có kinh nghiệm chọn nguyên liệu nếp sáp - cũng là loại đặc sản nổi tiếng chỉ ở Trà Vinh mới có. Dự đoán được sức mua của thị trường, từ mấy tháng trước, chị đã đặt sẵn mối lá chuối, trứng vịt muối và thịt. Năm nay, bánh tét Hai Lý nhận đơn hàng 50.000 đòn bánh tét các loại, phân phối qua Cần Thơ, TP.HCM, Kiên Giang và đưa vào hệ thống siêu thị Co.op Mart.
Bánh tét Trà Cuôn năm nay sẽ được đóng gói theo dạng hút chân không để có thể bảo quản được từ tám đến mười ngày. Giá từ 30.000 - 50.000đ/đòn, tùy theo loại nhân chuối, thịt mỡ hay thập cẩm.
Phơi bánh tráng phồng ở làng bánh Thuận Hưng, Thốt Nốt, Cần Thơ - Ảnh: Vũ Châu
Bánh tráng không đủ tiêu thụ
150 hộ sản xuất bánh tráng ở xã Mỹ Thạnh (Giồng Trôm, Bến Tre) hiện đã tăng gấp đôi - gấp ba công suất để kịp cung ứng bánh cho thương lái và đưa hàng vào các siêu thị. Chị Nguyễn Thị Thúy ở ấp Nghĩa Huấn, gia đình có truyền thống bốn đời làm nghề tráng bánh, cho biết Tết này, mối ứng trước cả trăm triệu đồng để lấy hàng về bán ở các chợ Sa Đéc, Châu Đốc (An Giang), Đồng Tháp, TP.HCM... Theo ông Phạm Văn Hát, Tổ trưởng tổ sản xuất bánh phồng Sơn Đốc, xã Hưng Nhượng (Giồng Trôm, Bến Tre), một số hộ đã đầu tư công nghệ sản xuất theo dây chuyền tự động, xuất xưởng từ 7.000 - 8.000 chiếc bánh mỗi ngày.
Tùy theo đơn đặt hàng và kích cỡ bánh, mặt hàng bánh phồng Sơn Đốc có giá từ 100.000 - 250.000đ/100 chiếc. Riêng bánh tráng Mỹ Lồng đắt hơn, giá từ 250.000 - 450.000đ/100 chiếc.
Làng bánh Thuận Hưng, Q.Thốt Nốt, TP. Cần Thơ cũng sôi động với bốn loại bánh chủ đạo của làng nghề này là bánh tráng mặn, bánh xốp, bánh tráng nem và bánh tráng dừa. Những ngày này, lượng sản phẩm làm ra gấp năm, bảy lần so với ngày thường mà vẫn không đủ tiêu thụ. Chị Đào Thị Lan, một chủ lò bánh cho biết, từ tháng 11, thương lái khắp nơi đã đổ về đặt bánh. Giá bánh hiện đã tăng khoảng 10% do giá nguyên liệu tăng.
Miếng mứt chuối phồng với đường bánh phồng xoắn hình trôn ốc - Ảnh: Tùng Hương
Mứt chuối phồng ra mắt
Mứt chuối phồng là món đặc sản mới của Đồng Tháp do cơ sở Tư Bông (ấp Tân Thạnh, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung) sản xuất, được nhiều người tiêu dùng khắp các tỉnh vùng ĐBSCL, TP.HCM, Lâm Đồng, Đà Nẵng đón nhận.
Sản phẩm mới này được chế biến từ những sản vật miệt vườn: chuối xiêm đen, đậu phộng, mè, đường, gừng và bánh phồng. Bảy người con thế hệ 8X của ông Nguyễn Văn Bông (chủ cơ sở Tư Bông) - bảy cử nhân của ĐH Cần Thơ đã góp công sức để “lột xác” món ăn truyền thống trong dịp Tết ở xứ Phong Hòa thành món quà hấp dẫn. Chị Nguyễn Thị Các Thủy, cử nhân công nghệ thông tin, “chủ xị” của công nghệ sản xuất mứt chuối phồng cho biết: “Trước đây vào dịp Tết, mẹ hay tận dụng chuối chín quanh nhà ép khô rồi ngào với đậu phộng thành món mứt chuối. Món ăn tuy rất ngon miệng, nhưng bất tiện vì mỗi lần ăn phải dùng muỗng múc nên khó tặng, biếu bạn bè, người thân…”. Chị Thủy cùng các anh chị em của mình đã cho ra đời “mứt chuối thế hệ mới”: mứt chuối phồng. “Thay đổi lớn nhất là đưa bánh phồng vào miếng mứt, tiếp đó là bao bì song ngữ, có thiết kế logo”, chị Các Thủy cho biết. Mứt chuối từ trên lò đưa xuống, được cán mỏng trên nền bánh phồng đã nướng giòn thành nhiều vòng xoắn vào nhau theo hình trôn ốc, nên bắt mắt, tiện dụng khi thưởng thức. Mứt chuối phồng còn mang lại cho người tiêu dùng cảm giác an toàn bởi sản phẩm đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. “Chuối là trái cây có nhiều dinh dưỡng cần thiết cho người, nhưng theo Đông y, đây là món ăn có tính hàn, vì vậy chúng tôi đã thêm vào vị gừng tạo cảm giác se se đầu lưỡi người thưởng thức”, chị Các Thủy chia sẻ.
Dù chỉ mới đưa vào sản xuất thương mại trong tháng 11/2013 nhưng đến nay, không chỉ có mặt khắp khu vực ĐBSCL, sản phẩm còn được năm nhà phân phối ở TP.HCM, Lâm Đồng, Đà Nẵng hợp tác tiêu thụ hàng tấn sản phẩm/tháng. Dịp Tết, giá mứt chuối phồng không đổi: 35.000đ/hộp. Ở TP.HCM, người tiêu dùng có thể mua sản phẩm tại Công ty Vinh Dự, 101/A14 Quang Trung, P.8, Q.Gò Vấp. Khách nội thành mua 10 hộp trở lên sẽ được khuyến mãi chi phí vận chuyển.
Nhóm PV-CTV