Đưa Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn trở lại bản đồ: TPHCM thổi hồn lịch sử vào đô thị mới

18/04/2025 - 13:43

PNO - Các đại biểu HĐND TPHCM nhất trí đưa những tên gọi xưa như Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn vào hệ thống hành chính, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa khơi dậy khát vọng phát triển và mở ra hướng đi bền vững cho đô thị hiện đại.

Sáng 18/4, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, đã tổ chức kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề), thông qua phương án sắp xếp 273 phường, xã, thị trấn hiện hữu thành 102 đơn vị hành chính cấp xã mới. Đây là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị hiện đại.

Một điểm nhấn trong phương án sắp xếp là việc đưa các địa danh lịch sử như Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn trở lại bản đồ hành chính. Cụ thể, quận 1 dự kiến sẽ có phường Sài Gòn, quận Bình Thạnh có phường Gia Định và quận 5 có phường Chợ Lớn. Những tên gọi này không chỉ mang ý nghĩa hành chính mà còn chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc, gắn bó với ký ức và tình cảm của nhiều thế hệ người dân.

TPHCM sẽ có các phường mang tên Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn nhằm giữ gìn bản sắc và khơi dậy khát vọng phát triển đô thị hiện đại - Ảnh: Vũ Quyền
TPHCM sẽ có các phường mang tên Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn nhằm giữ gìn bản sắc và khơi dậy khát vọng phát triển đô thị hiện đại - Ảnh: Vũ Quyền

Hòa thượng Thích Minh Thành chia sẻ: “Những địa danh như Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn đã in sâu trong tâm thức người dân. Khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tôi cảm nhận được sự đồng tình lớn với việc đưa các tên gọi này trở lại. Đây là niềm vinh dự, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử và bản sắc của thành phố”. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc đặt tên không chỉ dừng ở khía cạnh hành chính mà còn góp phần hun đúc tinh thần văn hóa, định hình tương lai phát triển.

Đồng quan điểm, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân bày tỏ: “Tôi sinh ra và lớn lên tại TPHCM, tôi hiểu rõ tình cảm mà người dân dành cho các địa danh thân thương này. Trước đây, dù không xuất hiện trong văn bản hành chính, nhưng trong đời sống, bà con vẫn nhắc đến với sự gần gũi, yêu mến. Việc đưa những tên gọi này trở lại là cần thiết để giữ gìn bản sắc đô thị và đáp ứng nguyện vọng của người dân”.

Đại biểu Trần Quang Thắng nhấn mạnh ý nghĩa của việc sáp nhập phường, xã trong việc tạo sự đồng nhất từ tổng thể đến chi tiết. “Việc lấy lại các tên gọi thân thuộc không chỉ mang tính cộng đồng mà còn phát huy sức mạnh đoàn kết của người dân. Trên nền tảng truyền thống văn hóa, chúng ta xây dựng cầu nối phát triển, kết hợp với công nghệ số để tạo hướng đi mạnh mẽ, bền vững” - ông nói.

Trong khi đó, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê nhận định, các địa danh được chọn lọc không chỉ gợi nhắc lịch sử hơn 300 năm của TPHCM mà còn khơi dậy khí phách hào hùng và khát vọng vươn lên của mọi công dân. “Việc sắp xếp và đặt tên là sự tiếp nối, kế thừa và hun đúc để TPHCM tiến tới một kỷ nguyên mới, với diện mạo và tầm nhìn cao hơn” - ông nhấn mạnh.

Từ góc độ ngành du lịch, đại biểu Nguyễn Thị Ánh Hoa đánh giá cao quyết định này. “Khảo sát cho thấy các chuyên gia ủng hộ mạnh mẽ phương án đặt tên các địa danh lịch sử. Đây không chỉ là quyết định hành chính đúng đắn mà còn làm mới bản đồ du lịch, tăng khả năng định vị và tạo nên một phạm trù văn hóa thu hút bạn bè quốc tế. Những địa danh này đã đi vào thơ ca, nhạc họa, hứa hẹn mở ra cơ hội phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo” - bà chia sẻ.

Về mặt công nghệ, đại biểu Võ Thị Trung Trinh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo cung cấp dịch vụ hành chính công không bị gián đoạn trong quá trình sắp xếp. “Thành phố cần đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo các thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới. Với thế mạnh hạ tầng số, TPHCM cần đào tạo kỹ năng số cho người dân, hỗ trợ họ tiếp cận dễ dàng các dịch vụ công” - bà đề xuất. Đồng thời, bà cũng kêu gọi chuẩn bị giải pháp kỹ thuật và đào tạo nhân sự cấp xã, phường để vận hành hiệu quả mô hình mới.

Kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 22 khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong việc tinh gọn bộ máy hành chính mà còn thể hiện khát vọng vươn mình của TPHCM trong kỷ nguyên mới. Việc đặt tên các đơn vị hành chính mới không chỉ là sự trở về với cội nguồn lịch sử mà còn là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai.

Với sự đồng thuận cao từ các đại biểu và người dân, TPHCM đang từng bước khẳng định vị thế của một đô thị văn minh, hiện đại, nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa.

Thanh Tâm

 
TIN MỚI