Đưa sách lên non, đến vùng sâu, ra đảo

21/04/2023 - 06:20

PNO - Những năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã miệt mài đến các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để tặng sách cho trẻ em, nhằm lan tỏa những giá trị đẹp.

 

Trẻ em trên đảo Sinh Tồn - Trường Sa đọc sách tranh thiếu nhi do Lionbooks gửi tặng về nơi đầu sóng ẢNH: HỒ THANH THỌ
Trẻ em trên đảo Sinh Tồn - Trường Sa đọc sách tranh thiếu nhi do Lionbooks gửi tặng về nơi đầu sóng Ảnh: Hồ Thanh Thọ

Lặn lội đưa sách về “vùng trắng”

“Vùng trắng” là từ mà dự án Onebook (Một cuốn sách) - do sachhay.com khởi xướng từ năm 2014 - dùng để nói về những vùng thiếu sách, còn khoảng trống rất lớn về văn hóa đọc. 

Những ngày đầu tháng 4/2023, chị Hoàng Thị Thu Hiền - Trưởng ban dự án Sách hay cho học sinh tiểu học - cho biết, chị đã chuẩn bị đủ nguồn sách để đến trao tặng cho các trường học ở các tỉnh Long An, Quảng Trị và Đắk Lắk. Sau 6 năm, dự án đã trao tặng gần 500.000 bản sách và tạp chí cho 2.250 trường tiểu học ở 27 tỉnh, thành. 

Chị Thu Hiền từng muốn tạm ngưng dự án từ đầu năm 2023, nhưng nhiều trường học ở vùng sâu vẫn liên lạc với chị, báo rằng đang rất thiếu sách hay. “Vậy nên, chúng tôi lại lên đường, tiếp tục trao tặng sách cho các em” - chị nói. 

Về chuyện thiếu sách ở vùng cao, Nguyễn Hữu Quỳnh Hương - bút danh Hũ, tác giả của bộ sách thiếu nhi Hít hà mùi đất nước - kể: “Tháng 8/2022, khi tiếp xúc với các bạn nhỏ ở huyện Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) và huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên), tôi mới biết nguồn sách cho các bé đọc hiện nay chủ yếu là sách cũ, nội dung và thông điệp đôi khi không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại”. 

Gửi cho chúng tôi những bức ảnh học sinh đồng bào dân tộc đang đọc sách, thầy Sin Ngọc Tiến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Chế Là (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) - cho hay, các bé rất thích đọc sách, nhất là sách có nhiều tranh, ảnh minh họa.

Hằng tháng, trường cũng tổ chức các buổi đọc, giới thiệu, chia sẻ cảm nhận về sách cho các em. Sách ở thư viện trường được quỹ Loan của nhà văn Isabelle Muller gửi tặng, theo dự án Books for a better future (Sách cho một tương lai tốt đẹp hơn). 

Nguyễn Hữu Quỳnh Hương - tác giả bộ sách thiếu nhi Hít hà mùi đất nước - giao lưu với bạn đọc nhỏ tuổi và truyền đến các em thông điệp gìn giữ môi trường, yêu thương muôn loài - Ảnh: Nguyễn Hữu Quỳnh Hương - tác giả bộ sách thiếu nhi Hít hà mùi đất nước - giao lưu với bạn đọc nhỏ tuổi và truyền đến các em thông điệp gìn giữ môi trường, yêu thương muôn loài - ẢNH: Facebook Nguyễn Hữu Quỳnh Hương
Nguyễn Hữu Quỳnh Hương - tác giả bộ sách thiếu nhi Hít hà mùi đất nước - giao lưu với bạn đọc nhỏ tuổi và truyền đến các em thông điệp gìn giữ môi trường, yêu thương muôn loài - Ảnh: Facebook Nguyễn Hữu Quỳnh Hương

Ngoài Trường tiểu học Chế Là, quỹ Loan cũng đưa sách đến các trường tiểu học, phổ thông dân tộc bán trú khác trong các đợt quỹ khánh thành các công trình phụ trợ xây cho trường. Mùa hè này, dự án Books for a better future dự kiến trao tặng sách cho học trò vùng sâu tỉnh Tuyên Quang. 

Trong tháng 4/2023, với dự án Sách miễn phí cho trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đến tỉnh Đắk Lắk, trao tặng 1.000 bản sách cho Trường THPT Buôn Đôn. Trước đó, hội cũng đã trao tặng sách cho trẻ em các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo kế hoạch, mỗi năm, dự án tặng sách của Hội Nhà văn Việt Nam sẽ in 50.000-100.000 bản sách tặng trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa. 

Ngày 11/4 vừa qua, dự án Câu chuyện ước mơ cho em của Ban Sáng tác, Hội Nhà văn TPHCM đã đưa sách đến tỉnh Bình Phước. Nhà văn Hoài Hương - đồng sáng lập dự án - bày tỏ: “Qua những chuyến đi thực tế và được kết nối nhiều nơi, tôi thấy trẻ em nghèo ở nơi nào cũng thiếu sách hay, sách mới. Tôi mong những hoạt động ý nghĩa này sẽ ngày càng được nhân rộng, lan tỏa”. 

Đưa em qua “cầu tri thức”

Nhà văn Lê Đức Dương - ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, tác giả cuốn Cá voi Eren đến Hòn Mun - nhớ hoài những buổi giao lưu, trò chuyện về sách trên đồi cùng trẻ em ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông hay những buổi giao lưu với thiếu nhi ở đảo Bích Đầm, vịnh Vân Phong, TP Nha Trang. 

Mời nhà văn đến giao lưu, chia sẻ về sách cũng là cách truyền cảm hứng đọc cho trẻ nhỏ (trong ảnh: Nhà văn Võ Thu Hương giao lưu với học sinh Trường THCS Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TPHCM) theo dự án Từ cuốn sách nhỏ đến thế giới lớn của  Nhà xuất bản Kim Đồng - ẢNH: TRUNG TÂM SÁCH KIM ĐỒNG
Mời nhà văn đến giao lưu, chia sẻ về sách cũng là cách truyền cảm hứng đọc cho trẻ nhỏ (trong ảnh: Nhà văn Võ Thu Hương giao lưu với học sinh Trường THCS Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TPHCM) theo dự án Từ cuốn sách nhỏ đến thế giới lớn của Nhà xuất bản Kim Đồng - Ảnh: Trung tâm Sách Kim Đồng

Anh cũng từng giao lưu với trẻ em TP Đà Lạt ở Ô cửa sách. Anh nói, so với trẻ nhỏ ở phố thị, các bé ở vùng núi, ngoài đảo rụt rè hơn nhưng điểm chung là rất thích đọc sách và nghe kể chuyện. Mô hình Ô cửa sách của thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) luôn thu hút các bạn nhỏ phố núi với những hoạt động liên quan đến việc đọc sách và sáng tạo. 

Chị Thái Song Khê - chuyên viên Đường sách TP Vũng Tàu, diễn giả về sách tại các trường học ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - chia sẻ: “Mỗi khi đưa sách đến các trường vùng sâu trong tỉnh, chúng tôi đều rất vui và xúc động trước sự háo hức của các em. Chỉ cần thấy bóng xe từ xa, các bé đã chạy ùa ra đón, say mê đọc hết cuốn này sang cuốn khác”.

Mời nhà văn làm diễn giả, truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ thơ cũng là một cách làm thành công của nhiều nhà xuất bản. Nhiều năm qua, các nhà văn Văn Thành Lê, Võ Thu Hương, Phương Huyền, Thủy Nguyên… thường xuyên đến trò chuyện với học sinh các trường ở TPHCM trong dịp chào cờ đầu tuần theo chương trình Từ cuốn sách nhỏ đến thế giới lớn của Nhà xuất bản Kim Đồng. 

Sắp tới, Nhà xuất bản Kim Đồng sẽ phát triển dự án về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với sự tham gia chia sẻ của các cây bút đồng bằng. Nhà văn là những người truyền cảm hứng đọc, hình thành thói quen đọc sách, đọc văn và học văn trong nhà trường. Nỗ lực của người lớn chính là đưa các em đến với thế giới sách một cách tự nhiên, hứng khởi chứ không phải là ép buộc, giáo điều.

 “Một trong những khó khăn mà các em thường chia sẻ là không có một người bạn cùng nuôi dưỡng đam mê với mình. Thời chúng tôi, không có sách để đọc, một cuốn sách chuyền tay nhau đến nhàu nhĩ nhưng nhiều đứa trẻ thích đọc sách, phần vì thời đó không có nhiều phương tiện truyền thông, giải trí, nhưng phần đáng kể là sự giao lưu của trẻ với sách và người lớn truyền cho trẻ con tình yêu đọc sách. Bây giờ, khi người lớn trong nhà thích cầm điện thoại khi rảnh rỗi hơn cầm sách thì khó có thể truyền tình yêu sách đến các con được”- nhà văn Võ Thu Hương nói. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng nói: “Hạt giống của thói quen đọc sách phải được và phải có ai gieo trồng trong đầu đứa trẻ từ thuở ấu thơ. Việc dúi vào tay trẻ 14-15 tuổi một cuốn sách và bắt các em phải có thói quen đọc cũng giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”. 

Vậy nên, sự chung tay của người lớn (trong gia đình và nhà trường) là điều vô cùng quan trọng. Các bậc cha mẹ, thầy cô cần nhận thức được điều này để dìu dắt các em bước qua “cây cầu tri thức” từ trang sách.  

21/4 - ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích tinh thần đọc sách và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đọc sách. Ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thay thế cho ngày Sách Việt Nam.
Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 có chủ đề “Sách: nhận thức - đổi mới - sáng tạo”, “Sách cho tôi, cho bạn”.  

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI