Đưa rước con mỗi ngày, ghiền lắm!

10/09/2018 - 09:00

PNO - Nụ cười rạng rỡ của con khi thấy mẹ, tiếng con líu ríu kể chuyện học hành, thầy cô… như một chất “gây nghiện” lạ kỳ, buộc tôi phải “sử dụng” đúng lúc, đúng giờ mỗi ngày.

Khi nhiều phụ huynh chọn giải pháp cho con tự đến trường bằng xe đưa rước để con sớm học cách sống tự lập và chủ động sắp xếp thời gian biểu thì vẫn còn rất nhiều cha mẹ muốn được trực tiếp đưa rước con mỗi ngày. Họ mong một mai khi con khôn lớn, quãng đời học sinh của con không chỉ có những kỷ niệm với bạn bè, thầy cô mà còn có cả bóng dáng cha mẹ.

NSƯT Trịnh Kim Chi: “Hạnh phúc được đưa đón con mỗi ngày”

Khi mới có bé Ngò, tôi khá bận rộn với lịch quay phim, tập kịch nên ông xã nhận nhiệm vụ đưa đón con. Ban đầu gọi là “nhiệm vụ” nhưng chỉ sau vài ngày đưa rước, ông xã bị “ghiền”. Có lúc từ chỗ làm việc đến trường đón con phải đi rất xa, đường buổi chiều hay kẹt xe, tôi đã nghĩ đến việc nhờ người nhà ở gần trường đón con để ông xã bớt cực, nhưng anh kiên quyết không chịu.

Dua ruoc con moi ngay, ghien lam!
 

Bạn bè hay trêu ông xã tôi được vợ quản lý rất kỹ bằng lịch đưa đón con. Quả thực, khi đã “vướng” chuyện đưa đón con, mọi việc phải được lập trình, không thể tùy hứng đi sớm về muộn. Có lúc tôi cũng áy náy khi thấy anh gần như phải bỏ thói quen giao tiếp, bạn bè để đưa rước bé. Nhưng sau vài lần chứng kiến anh hớn hở mỗi khi chuẩn bị đưa đón con, tôi “cho qua” cảm giác áy náy của mình.

Năm nay con gái út vào mẫu giáo, đưa đón con đi học mỗi ngày tôi mới hiểu vì sao anh mê đưa rước con đến vậy. Ngộ ra hạnh phúc được đưa rước con mỗi ngày tôi mới thấy tiếc mình đã từng bỏ lỡ cơ hội đó suốt một thời gian dài vì quá ham việc. Cảm giác đưa con đến trường, nhìn con hòa mình với bạn bè, thầy cô, để rồi nôn nao chờ đến buổi chiều được thấy ánh mắt rạng rỡ của con khi gặp mẹ, trái tim của người mẹ trong tôi… nhảy loạn xạ. 

Những điều thiêng liêng ấy giúp tôi giảm cường độ công việc để tận hưởng hạnh phúc đưa đón con mỗi ngày.

Diễn viên Ngọc Nga: “Hiếm khi tôi nhờ người đón con”

Do có thể chủ động công việc nên tôi “xí phần” đưa đón con tới trường. Tôi nghĩ đây là một trong những niềm hạnh phúc lớn của người mẹ. 

Mỗi sáng, tôi cùng con chuẩn bị, kiểm tra tập vở, ăn bữa sáng trước khi tới trường. Ngày nào phải theo đoàn phim hoặc làm việc ở sân khấu quá trễ, sáng hôm sau không đủ sức dậy sớm để đưa con đi học, tôi đành “trao quyền” cho ông xã. Suốt ngày đó, tôi chỉ mong thật nhanh đến giờ đón con. Tôi hay lo con buồn khi cha mẹ không đón, nên trường hợp bất khả kháng, tôi mới nhờ người nhà việc này. 

Năm nay đã lên lớp Ba, nhưng bé Kim Thư vẫn có thói quen thơm mẹ trước khi vào lớp. Có lần vội vàng xuống xe mà quên “thủ tục”, vừa chạy được vài bước, con sực nhớ, quay lại thơm mẹ xong và cười tít mắt rồi mới chịu bước đi. Hạnh phúc của tôi giản dị vậy thôi nhưng rất ấm áp và giúp tôi không còn mỏi mệt hay áp lực trong cuộc sống. 

Nụ cười rạng rỡ của con khi thấy mẹ, tiếng con líu ríu kể chuyện học hành, thầy cô… như một chất “gây nghiện” lạ kỳ, buộc tôi phải “sử dụng” đúng lúc, đúng giờ mỗi ngày. 

Dua ruoc con moi ngay, ghien lam!
 

Chị Nguyễn Thị Thu N. (Q.Bình Tân, TP.HCM): “Vợ chồng chạy show theo lịch, khổ quá!”

“Lịch học của hai đứa nhỏ tréo ngoe, thằng anh đi học buổi sáng trưa về, chiều học thêm Anh văn, tối học võ. Bé nhỏ đỡ hơn, học bán trú nhưng thứ Bảy, Chủ nhật cũng có lịch học bơi, học đàn. Tôi cứ hết xoay đứa này lại lo đứa kia, vợ chồng ai cũng phải đi làm, nhưng anh chồng cứ thấy mình lo được là để vợ lo. Bực quá, tôi  phải gom lịch học của hai đứa nhỏ lại, viết lên bảng và phân công chồng đón buổi nào, vợ đón buổi nào. Còn phải cẩn thận in ra dán trong phòng để hai đứa xem mà nhắc ba đưa đón.

Nguyên nhân không phải anh quá lười nhác hay không thương con, mà do con học hai nơi, lại khác buổi và đưa đón quá nhiều khiến anh… ngán. Anh viện cớ bận họp, hẹn đối tác để tránh việc đưa đón con mỗi ngày. 

Tôi cũng biết một mình anh không thể lo xuể nên đã tranh thủ hết sức. Sáng thức giấc đã vội lo nấu nướng bữa sáng cho cả nhà, chuẩn bị thức ăn trưa cho con, đưa con đến trường rồi đi làm, bở hơi tai. Lúc đầu chồng phàn nàn vì lỡ việc anh, nhưng tôi buộc anh phải sắp xếp bằng được. Không thể thong thả uống cà phê hay đi đánh cầu lông, hẹn ăn nhậu với đồng nghiệp sau giờ tan tầm, nhiều khi anh phát cáu. Nhưng tôi phải dùng “kỷ luật thép” thôi, chồng không thể bỏ mặc vợ “bao thầu” việc đưa đón con được. 

Hoa Nguyễn  - Diệp Nguyễn (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI