Đưa "quấy rối công sở" ra ánh sáng

18/05/2016 - 14:01

PNO - Nạn quấy rối ở công sở là nỗi ám ảnh với không ít cá nhân, đặc biệt là nữ giới.

Thiếu cơ sở pháp lý, thiếu dấu hiệu xác định rõ ràng hành vi khiến nhiều nạn nhân e ngại lên tiếng sẽ ảnh hưởng đến con đường tiến thân. Vì thế, im lặng là lựa chọn bất đắc dĩ của không ít người.

Mới đây, 17 phụ nữ đã hoặc đang đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng trong chính phủ Pháp đồng loạt ký vào bản kiến nghị yêu cầu chính phủ sớm ban hành luật chống quấy rối tình dục, đặc biệt là trong môi trường làm việc, nơi nhân viên có nhiều thời gian tương tác với nhau. Đây là phản ứng xuất phát từ vụ việc được xem như “giọt nước tràn ly” trong nội các Pháp: Phó chủ tịch Quốc hội Pháp, ông Denis Baupin từ chức sau khi có cáo buộc quấy rối tình dục, dù ông một mực phủ nhận.

Bà Christine Lagarde - hiện là Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế, từng là Bộ trưởng Kinh tế dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng ký tên trong kiến nghị nêu trên. Bà Fleur Pellerin (43 tuổi) thừa nhận mình có những trải nghiệm nhớ đời khi ở vị trí Bộ trưởng Văn hóa từ tháng 8/2014 đến tháng 2/2016 (dưới thời Tổng thống François Hollande). Thậm chí, đến các phóng viên nam còn thẳng thừng đặt câu hỏi khiếm nhã, với ánh mắt và nụ cười đầy ẩn ý, rằng liệu bà giữ chức bộ trưởng có phải nhờ vào ngoại hình xinh đẹp?

Dua
17 nữ chính trị gia đồng loạt ký tên kiến nghị yêu cầu Chính phủ Pháp sớm ban hành luật chống quấy rối tình dục

Bà Yvette Roudy, cựu Bộ trưởng Nữ quyền kể, bà từng chứng kiến nhiều nam đồng nghiệp thản nhiên vỗ vào vòng 3 của phụ nữ. Bà nói: “Không phải ai từng là nạn nhân của quấy rối mới lên tiếng. Là phụ nữ, chúng tôi xem hành vi đó là sự xúc phạm nặng nề”. Một nữ thành viên đảng Xanh tuần trước chỉ đích danh ông Denis Baupin đã sờ soạng nhiều nữ thành viên trong đảng và gửi tin nhắn quấy rối họ. Thế nhưng, mới tháng Ba vừa qua, ông Denis Baupin còn hùng hồn lên tiếng ủng hộ một chiến dịch bảo vệ phụ nữ bị bạo hành!

Kể từ khi cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Dominique Strauss-Kahn bị bắt tại thành phố New York (Mỹ) với cáo buộc cưỡng hiếp một nữ hầu phòng, vụ bê bối của ông Denis Baupin một lần nữa đã khuấy động chính trường Pháp, vén bức màn tưởng chừng chẳng ai có thể chạm đến. Một trong những nguyên nhân là luật chưa quy định cụ thể mức chế tài đối với những hành vi này.

Tháng trước, Bộ Y tế - lao động - phúc lợi xã hội Nhật Bản công bố số liệu có đến 1/3 lao động nữ của nước này tham gia khảo sát thừa nhận bị quấy rối tại nơi làm việc, mà không biết dựa vào đâu để phản ứng, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân. Có 9.600 phụ nữ (từ 25-44 tuổi) tham gia khảo sát. 30% cho biết từng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc, hơn một nửa phải thường xuyên nghe những lời bình phẩm về các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể.

Quấy rối đôi khi còn là soi mói chuyện cá nhân như ăn uống, sở thích, hẹn hò. Phần lớn nạn nhân chọn cách im lặng vì kẻ “tấn công” thường là… sếp hoặc đồng nghiệp có vai vế. Nhiều người cho rằng đây là “văn hóa công ty” và không thể áp vào bất cứ điều luật nào vì cũng chẳng đồng nghiệp nào đứng ra làm chứng những chuyện bị cho là cỏn con như thế.

Phụ nữ Nhật Bản còn phải chịu một hành vi quấy rối đặc biệt là “quấy rối thai sản” - matahara. Cũng theo thống kê của Bộ Y tế - lao động - phúc lợi xã hội Nhật, hơn 20% nữ nhân viên làm việc toàn thời gian từng bị quấy rối khi mang thai, nghe những lời bình phẩm không thiện chí từ người khác, thậm chí bị ve vãn. Với lao động ngắn hạn, khi có thai họ còn phải chịu nguy cơ mất việc, bị phân biệt đối xử cho đến khi tự nghỉ việc.

Có đến 48% người được phỏng vấn nói họ bị gây khó dễ hoặc được “gợi ý” nghỉ việc khi mang thai. Số trường hợp khiếu nại liên quan đến vấn đề trên tăng dần qua mỗi năm. Dù chính phủ Nhật đã cố gắng hỗ trợ phụ nữ sau sinh quay trở lại công việc nhưng không có quy định cụ thể nào về khung ứng xử với họ. Đó là một phần lý do khiến không ít phụ nữ Nhật không muốn có con hoặc buộc phải từ bỏ công việc khi lên kế hoạch mang thai. Họ không được pháp luật bảo vệ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI