Hướng đi hợp thời
Viện phim Việt Nam thành lập kênh YouTube cùng tên vào giữa tháng 7/2021. Cho đến nay, kênh đã đăng tải chín bộ phim, thu hút hơn 34.000 lượt xem và nhiều bình luận, góp ý tích cực. Hiện tại, kênh đang giới thiệu các tác phẩm điện ảnh có giá trị bao gồm Mặt trận không tiếng súng, Cuộc đời của Yến, Dòng sông hoa trắng, Đừng đốt, Lương tâm bé bỏng, Chung cư, Nhìn ra biển cả, Nhà tiên tri, Mùa ổi.
Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện phim Việt Nam, cho biết, hiện viện đang giữ hàng ngàn bản phim Việt Nam có giá trị qua các thời kỳ. Do đó, sẽ rất đáng tiếc nếu các phim chỉ nằm trong kho mà không được tiếp cận gần hơn với khán giả. Theo ông, ngoài phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả trong thời gian giãn cách, việc đưa phim lên kênh YouTube cũng nhằm mục đích quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam, cũng như thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh nước nhà.
|
Giao diện trang chủ của kênh YouTube Viện phim Việt Nam |
Bên dưới những bộ phim đã đăng tải trên kênh Viện phim Việt Nam, khán giả để lại nhiều bình luận tâm đắc về hướng đi của viện, bày tỏ sự vui mừng khi được xem bản phim có chất lượng cao. Trước những bình luận đóng góp về các yếu tố kỹ thuật, đội ngũ quản lý kênh đều tiếp thu và dự kiến có sự thay đổi.
Ông Nguyễn Huy Hoàng nói thêm: “Tôi muốn nâng chất lượng phim tốt hơn, so với các bản phim đã được giới thiệu. Viện phim Việt Nam có trách nhiệm thực hiện khâu số hóa, phục chế, nâng cấp phim từ nhựa sang chất lượng 2K, 4K rồi 8, 10, 12K. Việc lập kênh là vì nền điện ảnh dân tộc, phục vụ khán giả, tôn vinh điện ảnh cách mạng, đồng thời quảng bá văn hóa, tiềm năng du lịch ra thế giới”.
Trước việc làm thiết thực của Viện phim Việt Nam, đạo diễn Hữu Tuấn vui mừng cho rằng, dù đến thời điểm hiện tại, điện ảnh Việt mới có kênh chính thức để khán giả theo dõi các bộ phim có giá trị, nhưng muộn còn hơn không. Đạo diễn Hữu Tuấn nói thêm tại Hàn Quốc, ngành điện ảnh đã mở các kênh phim miễn phí, các cơ sở lưu trữ phim để vừa lưu trữ, vừa đưa phim đến gần khán giả có nhu cầu thưởng thức, tiếp cận theo hướng nghiên cứu. Anh hoàn toàn hoan nghênh hoạt động này của Viện phim Việt Nam.
Trích đoạn phim Mùa ổi:
Lâu nay, nếu muốn xem những bộ phim thuộc hàng kinh điển của điện ảnh Việt, khán giả phải đợi đến các sự kiện đặc biệt, các đợt chiếu phim chào mừng một số dịp lễ quan trọng hoặc hoạt động riêng của ngành điện ảnh. Còn lại, rất khó để tiếp cận kho phim chính thống. Trong khi, một số phim bị các website lậu ngang nhiên “lấy làm của riêng”, phát hành trái phép với chất lượng thấp, mờ, âm thanh rè.
Hoạt động đưa các phim do nhà nước đặt hàng và sản xuất từ ngân sách nhà nước lên YouTube là hướng đi phù hợp với xu thế nghe - nhìn chung. Đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội, việc được xem lại những bộ phim kinh điển là cơ hội quý, giải quyết nhu cầu giải trí, giúp đời sống tinh thần của những khán giả yêu điện ảnh Việt phong phú hơn.
Cần tìm tiếng nói chung
Thời điểm Viện phim Việt Nam thông báo ra mắt kênh và đăng tải một số tác phẩm đầu tiên, có nhiều ý kiến trái chiều về việc phát hành của viện, cho rằng viện chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, viện chỉ được lưu trữ, không được tự ý phát hành.
Ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết, đơn vị lập kênh YouTube dựa trên cơ sở những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện phim Việt Nam; quyền và nghĩa vụ của cơ sở lưu trữ phim tại Luật Điện ảnh; Quyết định số 4693/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phê duyệt Đề án khai thác, sử dụng phim tư liệu thuộc sở hữu nhà nước đang lưu trữ tại Viện phim Việt Nam. Cụ thể, phim được lựa chọn phát hành trên kênh YouTube của viện dự kiến sẽ gồm phim thuộc sở hữu nhà nước, phim khuyết danh, phim đã hết thời hạn bảo hộ.
Trích đoạn phim Lương tâm bé bỏng:
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết bộ ủng hộ việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, đưa những tác phẩm điện ảnh được nhà nước đặt hàng đến với đông đảo công chúng. Trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc tận dụng các nền tảng trực tuyến để quảng bá phim là việc làm hợp thời, cần thiết. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh việc khai thác, đưa phim lên mạng cần lưu ý những vấn đề thuộc về bản quyền để tránh các vướng mắc không đáng có. Trong đó, Viện phim Việt Nam cần phối hợp với Cục Điện ảnh và đơn vị sản xuất phim để đảm bảo thực hiện đúng quyền lợi và trách nhiệm.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, ngoài YouTube, viện đang làm đề án để đưa phim lên các nền tảng trực tuyến khác, nhằm tăng thêm kênh quảng bá phim đến với người xem. Ở bước thử nghiệm ban đầu, ông vui mừng vì người xem ủng hộ và quan tâm. Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những thước phim kinh điển của Việt Nam là món quà tinh thần quý dành cho khán giả, đưa người xem trở về các cột mốc đáng nhớ của điện ảnh trong nước. Ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết thời gian tới, kênh YouTube của viện sẽ có thêm nhiều bộ phim kinh điển khác nhanh chóng được đăng tải, phục vụ người xem.
Diễm Mi