Đưa pháp lam đến với người trẻ

22/01/2025 - 08:43

PNO - Trong không gian hội chợ triển lãm Art Fair - Nhà Là Nơi, gian hàng của Trương Thanh Tùng gây chú ý bởi những món trang sức, tranh, đồ trang trí… pháp lam có kích thước nhỏ, tuyệt đẹp với những gam màu bắt mắt, trong suốt, tinh xảo.

Pháp lam (sản phẩm mỹ thuật có cốt làm bằng đồng, bên ngoài được vẽ một hoặc nhiều lớp men màu rồi đem nung) không xa lạ với người Việt. Pháp lam gắn liền với hình ảnh cổ kính của Huế, trên những công trình, vật phẩm đã hơn trăm tuổi.

Khoảng 5 năm trước, Thanh Tùng vô tình tiếp cận được các sản phẩm pháp lam. Anh lập tức bị cuốn vào, rồi mê. Tùng bắt đầu tìm hiểu về pháp lam thông qua sách vở, tài liệu từ nước ngoài, bởi loại hình này có mặt từ rất lâu ở các nước phương Tây, Trung Quốc sau đó du nhập vào nước ta. Tại Việt Nam, pháp lam phát triển theo hướng riêng biệt khi được áp dụng vào các công trình kiến trúc như: đền đài, lăng tẩm… Chúng tồn tại tốt qua năm tháng, cho thấy sự sáng tạo của người Việt, khẳng định yếu tố văn hóa bản địa.

Một số tác phẩm pháp lam của Trương Thanh Tùng
Một số tác phẩm pháp lam của Trương Thanh Tùng

Trước đó, Thanh Tùng từng là nhân viên văn phòng. Sau thời gian làm việc, dành dụm và nghiên cứu, anh đã quyết định chuyển hẳn sang con đường này. Anh yêu thích làm đồ thủ công mỹ nghệ, trân trọng những giá trị lịch sử của pháp lam, đồng thời muốn nghiên cứu sâu hơn về kỹ thuật để có thể tiếp tục chia sẻ cho mọi người.

Thanh Tùng chọn hướng đưa pháp lam ứng dụng vào trang sức, vật dụng trang trí không gian sống để dễ tiếp cận mọi người. Anh cho biết, thời gian thực hiện 1 sản phẩm khá dài, có khi mất cả tuần. Quy trình chung để tạo ra 1 sản phẩm gồm: xử lý nền, đổ men, nung, mài nhẵn và một số việc nhỏ. Tuy nhiên, theo anh, việc hoàn thành gặp khá nhiều khó khăn. Có tác phẩm chỉ tính sai nhiệt độ nung trong 30 giây cuối là sẽ hỏng toàn bộ, phải làm lại từ đầu. Việc đổ men cũng phải khéo léo, tỉ mỉ, nếu không sẽ bị lấn vào dây đồng. Thậm chí, việc nung sản phẩm vào buổi sáng hay buổi tối cũng ảnh hưởng đến thành quả vì nhiệt độ chênh lệch nhau… Vì thế, Thanh Tùng phải mất thời gian dài để thử nghiệm, sửa sai.

Dẫu vậy, anh vẫn kiên trì. Ngoài ứng dụng những kỹ thuật sẵn có, chàng trai trẻ cũng nghiên cứu, đưa kỹ thuật vẽ tranh sơn mài vào pháp lam để gia tăng sự thú vị, độc đáo. Hiện nay, ngoài trang sức, vật phẩm trang trí, Thanh Tùng nhận định việc ứng dụng pháp lam vào trang trí nội thất, trang sức cũng nhiều tiềm năng và đã nhận được một số cơ hội hợp tác.

Ngoài ra, Thanh Tùng cũng tham gia vào những workshop, chia sẻ về pháp lam và cách tạo sản phẩm. Anh kỳ vọng trong tương lai sẽ có thể tiếp cận nhiều bạn trẻ hơn thông qua các dự án này.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI